Thứ Bảy, 15/05/2010 14:48

 Bancassurance: Xu hướng mới trong kinh doanh bảo hiểm  

Mấy năm trở lại đây, cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm ngày càng quyết liệt, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành này đang phải đưa ra những chiến lược mới.

Một trong những sản phẩm được tập trung khai thác là bảo hiểm liên kết ngân hàng (bancassurance) trên cả thị trường bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ (BHNT).

Tốc độ phát triển nhanh

Theo thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài Chính: Thị trường bảo hiểm nước ta phát triển rất nhanh, nếu như năm 1995 cả nước mới chỉ có duy nhất một doanh nghiệp bảo hiểm thì đến nay đã có tới 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Trong đó, 11 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 28 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 10 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 1 công ty tái bảo hiểm. Tổng doanh thu của ngành bảo hiểm giai đoạn 2003 -2010 tăng từ 11.376 tỷ đồng lên 26.121 tỷ đồng, tăng bình quân trên 18%/ năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP, trong đó doanh thu phí bảo hiểm tăng từ 10.390 tỷ đồng lên 21.195 tỷ đồng (tăng 15,33%), doanh thu hoạt động đầu tư tăng từ 985 tỷ đồng lên 4.926 tỷ đồng (tăng 37,95%)

Đặc biệt, tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm đã giải quyết bồi thường trong giai đoạn 2003 -2009 đã đạt 40.500 tỷ đồng (trung bình mỗi năm chi trả 5.786 tỷ đồng). Các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạo lập nguồn vốn lớn và dài hạn cho đầu tư phát triển kinh tế- xã hội. Tổng số tiền đầu tư trở lại cho nền kinh tế tăng từ 14.602 tỷ đồng (năm 2003) lên 66.913 tỷ đồng (năm 2009) đạt mức tăng trưởng bình quân trên 30%. Ngành bảo hiểm cũng đã tạo công ăn việc làm cho trên 150.000 lao động trong đó có 123.000 người làm đại lý bảo hiểm.

Tuy nhiên, doanh thu phí bảo hiểm của Việt Nam hiện tại mới chỉ chiếm 1,75% GDP. Còn ở các nước phát triển trong khu vực tỷ lệ này là 8 -10% và bình quân trên thế giới là 8% . Thị trường bảo hiểm ở nước ta hiện mới chỉ tập trung ở các thành phố lớn, chưa khai thác được ở các vùng nông thôn, miền núi nơi chiếm tới 80% dân số, sản phẩm bảo hiểm tuy đa dạng song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nhiều mảng còn bỏ ngỏ như bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm… Hiện nay thực trạng đào tạo cho ngành bảo hiểm còn manh mún, mặc dù đã rất nỗ lực nhưng hàng năm ngành giáo dục đào tạo cũng chỉ cung cấp cho ngành bao hiểm được từ 300- 400 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành bảo hiểm. Đây đang là một khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc tuyển chọn cán bộ quản trị điều hành doanh nghiệp. Để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực chuyên môn cao đã số các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước cũng mới chỉ đưa ra các giải pháp tạm thời như thiết kế sản phẩm, định phí bảo hiểm để duy trì hoạt động.

Xu hướng phát triển mới

Để tồn tại và tiếp tục phát triển, các công ty bảo hiểm đã đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, thay đổi tư duy quản trị, nâng cấp trình độ công nghệ, nhất là công nghệ thông tin… Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp đang tích cực triển khai mô hình sản phẩm bancassurance.

Theo ông Trịnh Thanh Hoan, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Bộ Tài Chính: mô hình này đã được biết đến từ rất lâu và hiện đang phát triển rất mạnh trên thế giới. Trong đó số lượng các ngân hàng có kinh doanh Bancassurance tại Mỹ chiếm 20%; Châu Âu từ 70-90% và ở Châu Á Bancassurance ngày càng trở nên phổ biến hơn. Còn ở Việt Nam, Bancassurance vẫn đang giai đoạn mới mẻ. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa các công ty bảo hiểm và ngân hàng kinh doanh các sản phẩm Bancassurance tuy mới chỉ bước đầu nhưng đã mang lại những giá trị rất lớn cho cả đôi bên.

Trên thị trường đã chứng kiến sự bắt tay của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và Bảo Việt Nhân thọ. Sản phẩm mới này là sự kết hợp giữa sản phẩm bảo hiểm An nghiệp Thành công của Bảo Việt Nhân thọ và sản phẩm Tiết kiệm Nhân văn của SCB. Tất cả các khách hàng khi tham gia gửi Tiết kiệm Nhân văn sẽ được SCB mua tặng bảo hiểm An nghiệp Thành công của Bảo Việt Nhân thọ. Tiếp đến là Ngân hàng Đông Á đã bắt tay với Bảo Việt. Theo đó khách hàng có thể đóng phí và nhận bồi thường hợp đồng bảo hiểm qua máy ATM. Đổi lại Bảo Việt sẽ trở thành một trong những cổ đông chiến lược của ngân hàng.

Gần đây là Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) và Tập đoàn Bảo Việt (Bảo Việt) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược và phát triển Bancassurance. Theo đó, hai bên cam kết hợp tác chiến lược để phát triển dịch vụ bán bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng thông qua hệ thống của mình trong các lĩnh vực bao gồm bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Ông Huỳnh Nam Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng MHB cho biết: “Việc hợp tác, liên doanh liên kết giữa những Tổng công ty, Tập đoàn lớn trong nước là xu thế tất yếu nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng của mỗi bên trong lĩnh vực kinh doanh truyền thống, qua đó đẩy mạnh tăng trưởng, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả kinh doanh, tăng vị thế và sức cạnh tranh trên thị trường.

Mặc dù vậy, Bancassurance vẫn còn chưa thực sự phổ biến trên thị trường, nguyên nhân chủ yếu là do hạ tầng công nghệ, trình độ nhận thức của cả người dân, ngân hàng và bảo hiểm còn hạn chế. Một yếu tố quan trọng khác để mô hình kinh doanh Bancassurance thành công cần phải có một nền tảng IT vững mạnh và công cụ quản lý rất tốt. Nền tảng IT được đặt tại các công ty bảo hiểm còn ngân hàng quản lý quan hệ khách hàng. Mối quan hệ giữa ngân hàng và các công ty bảo hiểm phải chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên những sản phẩm liên kết như vậy sẽ xuất hiện ngày một nhiều. Trong thời gian tới Bancassurance sẽ tăng tốc thông qua những sản phẩm như dịch vụ thanh toán thẻ qua thiết bị chấp nhận thẻ, dịch vụ thu chi tiền mặt tại chỗ, thanh toán tiền mặt từ xa...

Mai Ca

báo công thương

Các tin tức khác

>   Thị trường bảo hiểm: Luật chưa theo kịp thực tiễn (13/05/2010)

>   Quỹ Bảo hiểm xã hội: Làm sao để... lời nhiều? (11/05/2010)

>   "Thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh" (09/05/2010)

>   Chỉ tiêu thu BHXH năm 2010 gần 90 nghìn tỷ đồng (07/05/2010)

>   50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm (07/05/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ chủ động đối phó với lạm phát (06/05/2010)

>   “Chợ chiều” bảo hiểm rủi ro tỷ giá (06/05/2010)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ cạnh tranh gay gắt (04/05/2010)

>   Sôi động thị trường tái bảo hiểm (29/04/2010)

>   Doanh nghiệp bảo hiểm đồng loạt tăng vốn (26/04/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật