Thứ Ba, 11/05/2010 18:37

Quỹ Bảo hiểm xã hội: Làm sao để... lời nhiều?

Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn chưa tìm được hướng đầu tư tối ưu để sinh lời, dù đang được dự báo là chi sẽ nhiều hơn thu.

Lãi thấp vì “đầu tư an toàn”

Đang có một bất cập về việc sử dụng nguồn vốn của Quỹ Bảo hiểm xã hội. Hàng năm, số vốn tồn của quỹ này khá cao nhưng chưa được sử dụng tối đa cho các mục đích sinh lợi.

Từ trước đến nay, hầu như quỹ chỉ đầu tư bằng cách mua trái phiếu Chính phủ, cho các ngân hàng thương mại vay với lãi suất không kỳ hạn, những ngân hàng mang cho vay lại để "ăn" lãi suất chênh lệch.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2008, Quỹ Bảo hiểm xã hội tồn gần 84 ngàn tỷ đồng, cho ngân sách Nhà nước vay 8.500 tỷ, mua trái phiếu chính phủ 22.500 tỷ đồng, mua công trái giáo dục hết 200 tỷ, còn lại cho các ngân hàng thương mại của nhà nước vay 52.773 tỷ đồng.

Với cách sử dụng nói trên, năm 2008, quỹ chỉ thu về gần 9.000 tỷ đồng tiền lãi với tỷ lệ lãi trên vốn là 11,76%,

Năm 2009, quỹ này tồn 95.163 tỷ đồng (bao gồm cả phần cộng dồn từ năm 2008), cho ngân sách Nhà nước vay 20.000 tỷ, mua trái phiếu Chính phủ 28.500 tỷ, mua công trái giáo dục 200 tỷ và cho các ngân hàng thương mại của nhà nước vay 46.463 tỷ đồng. Số lãi thu được của năm 2009 khoảng 8.400 tỷ đồng, tỷ lệ lãi trên vốn giảm xuống còn 9,10%.

Nhìn vào con số thống kê trên của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có thể dễ dàng nhận thấy một điều, hoạt động đầu tư của Quỹ Bảo hiểm xã hội đang đi theo hướng an toàn và có khả năng thu hồi khi cần thiết. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, hình thức đầu tư của quỹ bảo hiểm xã hội vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Tại một cuộc họp bàn về vấn đề này, ông Lê Bạch Hồng, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng thừa nhận tỷ lệ sinh lời của Quỹ Bảo hiểm xã hội nhiều năm còn thấp hơn cả tỷ lệ lạm phát.

Cơ quan này cũng đã đưa ra dự báo, Quỹ Bảo hiểm xã hội có nguy cơ sẽ mất khả năng cân đối vào năm 2040.

Cụ thể, phần chi trả cho người lao động của quỹ hưu trí và tử tuất đang ngày càng tăng nhanh, do số lượng người nghỉ hưu tăng nhanh hơn số lượng người tham gia mới. Dự kiến từ năm 2022 số thu vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng số chi của quỹ; từ năm 2023 trở đi để đảm bảo chi trả sẽ phải trích thêm từ số dư của quỹ. Cho đến năm 2040, số chi có thể sẽ nhiều hơn số thu và quỹ sẽ không đảm bảo khả năng chi trả.

Cân đối cách nào?

Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khi nghiên cứu nghiên những giải pháp tăng cường cân đối quỹ bảo hiểm xã hội đã đề xuất nhiều giải pháp như điều chỉnh lương hưu, tăng điều kiện được hưởng trợ cấp, giảm chi phí quản lý quỹ, tăng tỷ lệ thu và tăng hiệu quả đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, nếu những giải pháp này được thực hiện ngay từ khi Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ năm 2007 thì quỹ sẽ cân đối được đến năm 2050.

Tuy nhiên, cho tới nay mới chỉ có một giải pháp duy nhất được thực hiện, đó là tăng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội từ phía người lao động và chủ sử dụng.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2009 là 9.101.040 người tăng 6,6%; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 34.699 người, tăng 28.559 người (so với năm 2008). Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp năm 2009 là 5.411.886 người.

Theo một chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ở một số nước, người ta đã tạo chủ động cho quỹ bảo hiểm xã hội đầu tư vào những nơi có tỷ suất lợi nhuận cao. Chính phủ có thể quyết định cho phép quỹ này đầu tư vào các dự án kinh doanh, liên doanh góp vốn với các chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế, vừa đảm bảo độ an toàn, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhàn rỗi của quỹ.

Tại cuộc họp báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội mới đây giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, người đứng đầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã để cập đến việc cần hình thành một tổ chức đầu tư chuyện nghiệp để đảm bảo an toàn và tăng trưởng quỹ tốt.

Vũ Quỳnh

TBKTVN

Các tin tức khác

>   "Thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh" (09/05/2010)

>   Chỉ tiêu thu BHXH năm 2010 gần 90 nghìn tỷ đồng (07/05/2010)

>   50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm (07/05/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ chủ động đối phó với lạm phát (06/05/2010)

>   “Chợ chiều” bảo hiểm rủi ro tỷ giá (06/05/2010)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ cạnh tranh gay gắt (04/05/2010)

>   Sôi động thị trường tái bảo hiểm (29/04/2010)

>   Doanh nghiệp bảo hiểm đồng loạt tăng vốn (26/04/2010)

>   Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ: Nhiều lựa chọn cho khách hàng (24/04/2010)

>   Bảo hiểm xe ôtô: Dư địa lớn, cạnh tranh mạnh (22/04/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật