Sôi động thị trường tái bảo hiểm
“Hoạt động tái bảo hiểm có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nó có thể giúp DN gia tăng lợi ích, nhưng cũng có thể khiến DN bảo hiểm phá sản nếu đánh giá không đúng mức rủi ro. Vậy nhưng, hiện nhiều DN vẫn yếu trong nghiệp vụ tái cả về ngoại ngữ và chuyên môn”, ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết như vậy tại Hội nghị ngành bảo hiểm tổ chức mới đây.
Kể từ khi quy định các DN buộc phải tái ít nhất 20% qua Tổng CTCP Tái bảo hiểm Việt Nam (Vinare) bị bãi bỏ đã khiến cho lĩnh vực này trở nên cạnh tranh hơn. Không chỉ nhận/nhượng tái trong nước, một số DN bảo hiểm đã mạnh dạn nhận/nhượng tái từ thị trường bảo hiểm nước ngoài. Nhiều DN bảo hiểm phi nhân thọ đang tích cực tăng vốn với mục tiêu nâng tỷ lệ giữ lại và mở rộng họat động kinh doanh tái bảo hiểm. Tuy nhiên, hoạt động này cũng đặt ra không ít vấn đề cần chấn chỉnh kịp thời.
Hoạt động tái bảo hiểm hiện chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, khu vực có nhiều DN trong nước tham gia. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, năm 2009, phí bảo hiểm giữ lại của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ là 9.366 tỷ đồng, chiếm 68,5% phí bảo hiểm gốc, tăng 1,5% so với tỷ lệ phí bảo hiểm giữ lại năm 2008. Phí nhượng tái toàn thị trường năm 2009 đạt 4.302 tỷ đồng, trong đó phí tái trong nước khoảng 1.937 tỷ đồng và phần lớn được tái qua Vinare.
Năm 2010, Vinare đặt kế hoạch doanh thu phí nhận tái 1.120 tỷ đồng, phí giữ lại 364,2 tỷ đồng, chi bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại 157,606 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 14,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 245 tỷ đồng. Năm 2009, Vinare đạt 1,114 tỷ đồng doanh thu phí nhận tái, phí giữ lại 338 tỷ đồng, chi bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại trên 154 tỷ đồng, lợi nhuận trước trước thuế trên 232 tỷ đồng.
|
Năm 2009, doanh thu phí nhận tái của Vinare đạt trên 1.100 tỷ đồng, tăng 2,41% so với 2008. Phí nhượng tái là 776,3 tỷ đồng, tăng 0,19% so với năm 2008; trong đó nhượng cho các DN trong nước 362,1 tỷ đồng, tăng 29,18% so với năm 2008, nhượng cho các DN nước ngoài 414 tỷ đồng. Doanh thu phí giữ lại đạt 338 tỷ đồng, tăng 7,89% so với năm 2008, đạt tỷ lệ phí giữ lại 30,3%.
Theo đánh giá của Vinare, sở dĩ hoạt động tái bảo hiểm năm 2009 sôi động là do kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng khá tốt (5,32%), cho dù khủng hoảng kinh tế thế giới chưa chấm dứt. Đây là cơ sở để thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển mạnh mẽ (phi nhân thọ tăng 21%). Bên cạnh đó, các DN bảo hiểm đã linh hoạt hơn trong việc tái bảo hiểm trên cơ sở phân tích đánh giá rủi ro các mảng nghiệp vụ.
Vẫn theo đánh giá của Vinare, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2010 dự kiến khoảng 6,5%, trong đó các ngành công nghiệp và xây dựng tăng 7%, dịch vụ 7,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến tăng 6%, thu hút vốn FDI dự kiến đạt khoảng 22 - 25 tỷ USD. Tăng trưởng kinh tế sẽ giúp bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng ở mức cao 20% (dịch vụ có tái bảo hiểm tăng 12 - 15%). Tuy nhiên, hiện có không ít thách thức có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của nghiệp vụ tái bảo hiểm. Do ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu, nhà nhận tái bảo hiểm sẽ thận trọng, thắt chặt điều kiện và thu phí cao hơn. Khó khăn trong việc thu xếp tái bảo hiểm do cạnh tranh về phí, điều kiện bảo hiểm trong nước, về dịch vụ với nhà tái bảo hiểm và môi giới nước ngoài. Trong khi đó, xu hướng tổn thất tiếp tục gia tăng làm giảm lợi tức nghiệp vụ, môi trường đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngoài các nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân từ chính các DN bảo hiểm làm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của hoạt động tái bảo hiểm. Năm 2010 được xác định là năm cạnh tranh quyết liệt ở tất cả các dịch vụ bảo hiểm, trong đó có tái bảo hiểm. Hiệu quả kinh doanh bảo hiểm là vấn đề đáng lo ngại (chi phí, tỷ lệ bồi thường tăng, phí bảo hiểm giảm và điều kiện bảo hiểm mở rộng) khi các DN đẩy mạnh doanh thu phí, mở rộng điều kiện bảo hiểm.
Ông Hoan cho biết, việc giảm phí dẫn đến tình trạng các DN bảo hiểm khó chuyển tái bảo hiểm ra nước ngoài, các DN trong nước chia sẻ dịch vụ với điều kiện và phí bảo hiểm không thuận lợi hơn so với chuyển tái bảo hiểm ra nước ngoài. Bên cạnh đó, vẫn theo ông Hoan, mức giữ lại trên một đơn vị rủi ro của một số DN vượt quá quy định (10% nguồn vốn chủ sở hữu). Vẫn có DN bảo hiểm không xây dựng chương trình tái bảo hiểm và xem xét, đánh giá, điều chỉnh chương trình tái bảo hiểm định kỳ hàng năm, không ban hành quy trình, hướng dẫn nội bộ về tái bảo hiểm theo quy định.
Thanh Đoàn
Đầu tư chứng khoán
|