Bảo hiểm dậy sóng
Sau những năm phát triển mạnh mẽ, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang chờ đón những thay đổi lớn trong thời gian tới.
Từ vụ Prudential – AIA…
Thương vụ tập đoàn Prudential mua lại nhánh bảo hiểm nhân thọ châu Á của tập đoàn AIG (AIA) là sự kiện đáng chú ý nhất của ngành bảo hiểm thế giới từ đầu năm tới nay. Thị trường Việt Nam thực ra cũng chẳng thay đổi gì nhiều, dù cả Prudential và AIA đều có công ty bảo hiểm nhân thọ 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Cũng giống như những vụ mua lại - sáp nhập khác, quyền lợi của các chủ hợp đồng bảo hiểm tại Việt Nam của AIA đương nhiên sẽ được đảm bảo. Câu hỏi duy nhất đặt ra ở đây là thị trường sẽ thay đổi ra sao. Chia sẻ với Doanh Nhân về vấn đề này, một vị quan chức Cục Quản lý cạnh tranh của Bộ Công thương cho biết, chắc chắn việc đặt câu hỏi về vấn đề cạnh tranh lành mạnh sẽ được đặt ra. “Prudential Vietnam và AIA Vietnam sẽ phải báo cáo Cục Quản lý cạnh tranh về thị phần và cam kết thực hiện cạnh tranh lành mạnh”, vị quan chức trên cho biết.
Ông dẫn giải điều 8 của Luật Cạnh tranh ra đời từ năm 2004 trong đó nêu rõ, cấm doanh nghiệp có thị phần trên 30% thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ; thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, dịch vụ; thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư; thỏa thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.
Đương nhiên, là doanh nghiệp nước ngoài dẫn đầu thị trường nhiều năm qua, Prudential Vietnam chưa từng có vấn đề về cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ đối thủ cạnh tranh, một giám đốc công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài nói với Doanh Nhân rằng, ông cảm thấy lo ngại. “Tính tới cuối năm 2009, Prudential Vietnam chiếm xấp xỉ 40% thị phần, trong khi đó AIA Vietnam chiếm gần 7%, tức cả hai chiếm gần một nửa thị trường. Tôi hy vọng rằng các cơ quan quản lý sẽ có biện pháp cụ thể để tránh trường hợp doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép các công ty nhỏ trên thị trường”, vị tổng giám đốc cho biết.
Theo Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên. Cũng cần phải nói thêm rằng, trong nhiều năm qua, Cục Quản lý cạnh tranh luôn dành một sự lưu tâm nhất định về vấn đề cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam khi mà hai doanh nghiệp dẫn đầu thị trường là Bảo Việt và Prudential Vietnam luôn nắm trên 30% thị phần.
Mặc dù có những quan ngại trên, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tin rằng, thương vụ Prudential - AIA sẽ không ảnh hưởng tới sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường. Lý lẽ của ông Lộc là, Prudential Vietnam từ nhiều năm qua đã nắm trên 40% thị phần. Là một tập đoàn toàn cầu với truyền thống hàng trăm năm, ông tin rằng Prudential sẽ cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật cho phép.
… tới những “gã khổng lồ”
Trong cuộc họp tổng kết ngành bảo hiểm mới đây, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm Trịnh Thanh Hoan cho biết, trong năm 2010 sẽ có thêm vài công ty bảo hiểm nhân thọ lớn gia nhập thị trường. Theo tìm hiểu của Doanh Nhân, gần như chắc chắn sẽ có AVIVA, Generali và Sumitomo - những công ty thậm chí còn lớn hơn rất nhiều so với những công ty đã có mặt trên thị trường Việt Nam. Tháng 6/2009, tập đoàn bảo hiểm lớn thứ 4 trên thế giới Generali của Ý đã ký Biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) về việc hợp tác mở công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam.
Gần như chắc chắn là Aviva, Generali và Suimotomo sẽ có mặt tại thị trường bảo hiểm Việt Nam trong thời gian tới. |
Tuy nhiên, với những yêu cầu từ phía nhà đầu tư Ý như “nắm giữ 50% cổ phần + 1 cổ phiếu” nhằm giữ quyền quyết định tuyệt đối cũng như những mâu thuẫn về đặt tên thương hiệu, Vietinbank cuối cùng đã phải “bỏ cuộc”. Tháng 8/2009, Generali đã được Bộ Tài chính cấp giấy phép mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Theo một nguồn tin từ Bộ Tài chính, Generali đang trong quá trình xin cấp phép mở công ty bảo hiểm nhân thọ 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam và “nhiều khả năng sẽ được chấp thuận trong thời gian tới”. Về phần mình, Vietinbank đã tìm được đối tác ưng ý để thành lập một liên doanh bảo hiểm nhân thọ với tỷ lệ góp vốn 50 - 50, đó là AVIVA, đại gia bảo hiểm nước Anh, tập đoàn bảo hiểm lớn thứ 5 trên thế giới. Theo dự kiến, liên doanh này sẽ ra đời trong năm nay.
Trong khi đó, một công ty khác dự kiến cũng sẽ được cấp phép trong năm 2010 là liên doanh bảo hiểm nhân thọ 50 - 50 giữa Agribank và công ty bảo hiểm nhân thọ lớn của Nhật Bản là Sumitomo Life Insurance.
Bình luận về việc có thêm ít nhất ba công ty bảo hiểm nhân thọ mới trong năm 2010, ông Takashi Fujii, Tổng giám đốc Công ty bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Vietnam, cho biết, đó sẽ là “một thị trường thú vị”. “Rõ ràng, với những tên tuổi như AVIVA, Generali hay Sumitomo Life, trong tương lai thị trường Việt Nam sẽ còn nhiều thay đổi với mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Mỗi công ty đều có chiến lược cạnh tranh riêng của mình và Dai-ichi Life Vietnam cũng vậy”, ông Fujii bình luận. Trên thực tế, một số chuyên gia trong ngành bảo hiểm nhận định rằng, việc cho phép những doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn nhất trên thế giới khai thác thị trường Việt Nam sớm hay muộn rồi cũng sẽ phá vỡ thế thống lĩnh “tuyệt đối” của những doanh nghiệp như Prudential Vietnam hay Bảo Việt Nhân Thọ.
Hiện nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam được coi là một trong những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất châu Á nhờ mức độ tăng trưởng kinh tế cao nhất nhì châu Á. Với dân số trên 86 triệu người, số lượng trên 3 triệu người mua bảo hiểm nhân thọ thực sự là con số quá ít ỏi. Kết thúc năm 2009, tổng doanh thu phí của 11 doanh nghiệp hoạt động trên thị trường đạt 11.431 tỷ đồng, tăng 10,95% so với năm 2008. Mặc dù vậy, việc có thêm các công ty bảo hiểm nhân thọ mới có thể khiến các vị lãnh đạo các công ty đang hoạt động trên thị trường cảm thấy “bất an” đôi chút.
11.431 tỷ đồng là tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ của thị trường Việt Nam |
Ông Fujii tâm sự rằng, trong thời gian qua, không ít lần chính ông đã nhận được lời mời từ các công ty “săn đầu người” cho vị trí giám đốc tại các liên doanh bảo hiểm sắp thành lập tại Việt Nam. “Với riêng Dai-ichi, hiện nay chúng tôi không lo ngại lắm về việc bị các đối thủ cạnh tranh thu hút mất nhân sự. Tuy nhiên, nhìn vào lực lượng nhân sự hiện có trên thị trường, một khi các doanh nghiệp mới thành lập cũng chẳng còn cách nào khác ngoài “câu kéo” nhân lực từ các công ty đang hoạt động. Điều này có thể gây đôi chút bất ổn cho thị trường”.
Bộ Tài chính đã từng tuyên bố sẽ cấp phép cho các doanh nghiệp bảo hiểm mới ngay khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về tài chính và kỹ thuật. Do đó, việc cấp phép thêm những doanh nghiệp mới chỉ là vấn đề thời gian. AVIVA, Generali hay Sumitomo Life đều là những doanh nghiệp rất lớn và giàu tham vọng đối với mảng thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Sự tham gia của những doanh nghiệp này chắc chắn sẽ khiến bầu không khí cạnh tranh “nóng hơn”. Và trong trường hợp này, người mua bảo hiểm sẽ là những người được lợi nhiều nhất. Có lẽ đây mới là lý do chính khiến Bộ Tài chính tiếp tục cấp phép dù đã có những ý kiến cho rằng, số lượng công ty bảo hiểm nhân thọ hiện nay (11) đã là quá đủ đối với thị trường Việt Nam.
Thanh Vân
Doanh nhân
|