Thứ Hai, 05/04/2010 13:42

Thị trường bảo hiểm: Lỗ... để có thị phần

Năm 2009, tổng số lỗ của toàn thị trường là 264 tỷ đồng, giảm 105,9 tỷ đồng so với năm 2008. 16 trong tổng số 27 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang hoạt động trên thị trường hiện nay, đã lỗ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, 1 doanh nghiệp không đảm bảo khả năng thanh toán theo quy định. Thậm chí, lĩnh vực bảo hiểm thân tàu biển năm thứ 9 vẫn lỗ.

Tại hội nghị ngành bảo hiểm 2010 diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, bức tranh về cạnh tranh bảo hiểm đã được nhiều doanh nghiệp phác họa khá đầy đủ và phong phú...

“Lọ mọ làm ăn mà vẫn không hiệu quả”

Ông Trịnh Thanh Hoan - Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, nhận xét rằng, qua quá trình quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Bộ tài chính nhận thấy các doanh nghiệp bảo hiểm không định hướng dài hạn trong hoat động kinh doanh bảo hiểm, chưa đầu tư đúng mức vào phát triển nghiệp vụ bảo hiểm, công tác thống kê và định phí bảo hiểm, và tình hình cạnh tranh không lành mạnh vẫn diễn ra phổ biến.

Đặc biệt trong lĩnh vực phi nhân thọ, do hoạt động chưa chuyên nghiệp, chạy theo doanh thu nên một số doanh nghiệp cạnh tranh bằng mọi cách để giành dịch vụ, không chú ý đánh giá rủi ro, tính phí bảo hiểm và thu xếp tái bảo hiểm, nên đã lỗ từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Các doanh nghiệp lâm vào tình cảnh đó, được lãnh đạo Cục nêu tên như: AAA, Bảo hiểm Hàng không, Bảo Minh, ABIC, Bảo hiểm Than - Khoáng Sản, Liberty, Chartis, MSIG, Fubon, ACE và Groupama.

Hình thức cạnh tranh chủ yếu là hạ phí bảo hiểm, mở rộng điều kiện, điều khoản bảo hiểm, tăng chi phí khai thác, tăng chi phí dưới hình thức khuyến mại. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước mới đi vào hoạt động.

Những nghiệp vụ có doanh thu phí chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu thường có cạnh tranh gay gắt nhất như: bảo hiểm xe cơ giới (31,7%), bảo hiểm tài sản và thiệt hại (23,2%), bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người (14,3%). Riêng với nghiệp vụ bảo hiểm học sinh, cạnh tranh gay gắt đã làm tăng chi phí khai thác, khiến cho một số doanh nghiệp bảo hiểm bị lỗ sản phẩm bảo hiểm con người.

Đồng tình với nhận xét của Bộ Tài chính, ông Trịnh Quang Tuyến - Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam xác nhận: tình trạng cạnh tranh không lành mạnh có giảm trong năm 2009 nhưng chưa giảm nhiều. Các doanh nghiệp đã chịu ngồi lại với nhau để cùng tính toán các điều kiện điều khoản, xác định rủi ro, không chụp giật, nhưng mức độ thực hiện những cam kết đó vẫn còn yếu.

“Nếu các doanh nghiệp hợp tác với nhau, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, thị trường sẽ tốt hơn, cứ chiến đấu đến cùng mà không tính đến hiệu quả như hiện nay, thì thật là lãng phí. Bảo hiểm thân tàu biển năm thứ 9 vẫn lỗ. Kinh doanh vất vả, chăm sóc khách hàng rất nhiều mà vẫn lỗ. Nếu tiếp tục như vậy sẽ lỗ. Lọ mọ làm ăn mà vẫn không hiệu quả”, ông Tuyến nói.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Vĩnh Đức - Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh, cũng chia sẻ: “Doanh thu toàn thị trường bảo hiểm vào khoảng 1,3 tỷ USD. Doanh nghiệp cũ như chúng tôi xác định thị phần bị chia sẻ, nhưng làm sao để bánh thị phần to ra, nhờ đó phần của mình nhiều hơn mới là quan trọng. Việc phát triển nhanh, nhưng số lượng doanh nghiệp cũng có nhiều bất cập. Với đặc thù của Việt Nam, các tập đoàn lớn, chuyên ngành đều có công ty bảo hiểm riêng, vì thế sự cạnh tranh càng khốc liệt hơn”.

Giải pháp nào?

Theo ông Trần Trọng Phúc - Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, năm 2009, trường hợp đua nhau giảm phí, tăng phạm vi bảo hiểm, khiến cho một số nhà tái rút khỏi thị trường. Năm 2009, các doanh nghiệp bảo hiểm đã có hợp tác với nhau, ngồi lại với nhau, tuy nhiên sự hợp tác này, chưa được như mong đợi. 

Tại hội nghị ngành bảo hiểm, một lần nữa Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm kêu gọi, năm tới các doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau, bàn xem hợp tác thế nào, tổ chức ra sao cho hiệu quả.

Cùng quan điểm với ông Tuyến, ông Đức cũng cho rằng: “Chúng tôi chấp nhận khó khăn để cạnh tranh. Ngồi lại với nhau để giữ thị phần, thà được 30% dịch vụ hơn là chiến đấu đến cùng để giành giật. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào các doanh nghiệp bảo hiểm có thể ngồi lại với nhau để đưa ra mức phí tốt, mọi doanh nghiệp đều có phần và có thu nhập”.

Ông Đức cũng đề xuất rằng, thị trường nên chuyên môn hóa khâu giải quyết bồi thường và cần có những mẫu đơn chuẩn để thị trường chấp nhận cạnh tranh lành mạnh.

Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, ông Trịnh Thanh Hoan, nhất trí: trong năm 2010 cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hoàn thiện và ban hành mới các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, tạo khung pháp lý minh bạch để thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, an toàn và ổn định, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là Luật sửa đổi, bổ sung Luật kinh doanh bảo hiểm.

“Cạnh tranh trong bảo hiểm chủ yếu bằng giảm phí, vì vậy trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa ra mức phí tối thiểu, doanh nghiệp sẽ không thể hạ thấp hơn thế, một mặt đảm bảo doanh nghiệp không bị phá sản, mặt khác đảm bảo quyền lợi khách hàng. Trong tương lai sẽ yêu cầu lập quỹ dự phòng bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi khách hàng”, ông Hoan nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Hoan cũng đề nghị các doanh nghiệp nên tăng cường hợp tác với nhau, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Xuân Hà cho biết, ông ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp để nghiên cứu, chỉ đạo xây dựng các quy định mới, hoàn thiện chính sách, thể chế về kinh doanh bảo hiểm cũng như để chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, giám sát.

Ông Hà cũng nhất trí với giải pháp tăng cường quản trị doanh nghiệp và từng bước áp dụng nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế, mà Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm cũng như các doanh nghiệp đề ra trong năm 2010. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, có gắn với lợi ích công chúng, yêu cầu về quản trị càng coi trọng.

Ông Hà cũng nhắc nhở các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2010 cần củng cố văn hóa kinh doanh, tăng cường hợp tác với nhau, tránh cạnh tranh không lành mạnh.

“Cơ quan quản lý thị trường bảo hiểm đã thực hiện tương đối tốt chức năng quản lý và giám sát thị trường, trong năm 2009 chưa phạt ai, nhưng chúng tôi sẽ xử lý cạnh tranh không lành mạnh một cách nghiêm khắc, công bằng trong năm 2010”, ông Hà nói.

Lan Hương

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Bảo hiểm chung cư: Tiềm năng và thực tế (03/04/2010)

>   Doanh nghiệp bảo hiểm chật vật tăng vốn (01/04/2010)

>   Bảo hiểm bưu điện bước chân sang thị trường Lào (31/03/2010)

>   Bảo hiểm đầu tư (30/03/2010)

>   Lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm đến từ đâu? (29/03/2010)

>   Doanh nghiệp bảo hiểm trước áp lực… làm sạch mình (25/03/2010)

>   Sẽ thanh tra một loạt doanh nghiệp bảo hiểm (23/03/2010)

>   AIA Việt Nam hợp tác thu phí bảo hiểm với BIDV (22/03/2010)

>   Bảo Việt bán bảo hiểm qua Ngân hàng MHB (22/03/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam: “Đất lành” cho CEO! (20/03/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật