Thứ Năm, 25/03/2010 10:48

Doanh nghiệp bảo hiểm trước áp lực… làm sạch mình

Nhận định về vị trí của thị trường bảo hiểm Việt Nam so với các nước trong khu vực, ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho hay, Việt Nam xếp thứ 4 trên các quốc gia Lào, Camphuchia, Myanmar. Đó là về quy mô thị trường, còn về độ quy củ, làm ăn bài bản thì Việt Nam vẫn thua... Lào. Tâm sự rất thật này của ông Hoan tại Hội nghị ngành bảo hiểm năm 2010 được tổ chức ngày 23/3 tại Hà Nội cho thấy, mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao nhưng để phát triển lành mạnh, bền vững, ngành bảo hiểm vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Tăng trưởng ấn tượng

Theo số liệu của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, năm 2009, tổng doanh thu bảo hiểm toàn ngành đạt 25.510 tỷ đồng (tăng 20% so với năm 2008), trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT) đạt 13.661 tỷ đồng, doanh thu bảo hiểm nhân thọ (BHNT) đạt 11.849 tỷ đồng. Tổng doanh thu của hoạt động môi giới đạt 221,6 tỷ đồng tăng 27% so với năm 2008.

Đến cuối năm 2009, ngành bảo hiểm đã huy động, đầu tư trở lại nền kinh tế 66.913 tỷ đồng. Trong đó các DN BHPNT đạt 19.313 tỷ đồng, các DN BHNT đạt 47.600 tỷ đồng. Tổng số tiền bồi thường, trả tiền bảo hiểm của cả ngành là 9.721 tỷ đồng (tăng 3,4% so với năm 2008).

Trong lĩnh vực BHPNT, năm 2009 có 25/27 DN tăng trưởng về doanh thu phí bảo hiểm gốc so với năm 2008. Dẫn đầu thị trường là Bảo Việt 3.682 tỷ đồng, chiếm 27% thị phần, tăng 10,1% so với năm 2008; tiếp theo là PVI đạt 2.770 tỷ đồng chiếm 20,3% thị phần, tăng 37,1% so với năm 2008; Bảo Minh đạt 1.824 tỷ đồng, chiếm 13,4% thị phần, giảm 3,28% so với năm 2008. Đạt được doanh thu kể trên là nỗ lực không nhỏ của BHPNT bởi nhiều mảng nghiệp vụ kinh doanh quan trọng đều có sự sụt giảm như bảo hiểm xuất khẩu hàng hóa giảm 20%, bảo hiểm xây dựng lắp đặt giảm 9%…

Mặc dù là năm khó khăn nhưng hoạt động khai thác mới trong lĩnh vực BHNT cũng đạt kết quả rất ấn tượng. Số lượng hợp đồng khai thác mới năm 2009 đạt 679.710 hợp đồng, tăng 22,42% so với 2008. Phí bảo hiểm bình quân hợp đồng đạt 4,17 triệu đồng/hợp đồng so với 3,72 triệu đồng/hợp đồng của năm 2008. Doanh thu khai thác mới của tất cả các hợp đồng đạt trên 3.000 tỷ đồng tăng 38,40% so với năm 2008.

Mặc dù nền kinh tế khó khăn nhưng ngành bảo hiểm vẫn đạt được kết quả khả quan, theo đánh giá của các chuyên gia là do nỗ lực của bản thân mỗi DN và tiềm năng của thị trường còn rất lớn.

Hạn chế

Đạt tốc độ tăng trưởng cao, nhưng ngành bảo hiểm vẫn bộc lộ không ít vấn đề đe dọa đến sự phát triển của mỗi DN nói riêng và của ngành nói chung. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, do các DN bảo hiểm chưa định hướng dài hạn hoạt động kinh doanh bảo hiểm, chưa đầu tư đúng mức vào phát triển nghiệp vụ bảo hiểm, nên công tác thống kê và định phí bảo hiểm, cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn phổ biến.

Về quản trị, nhiều DN bổ nhiệm chức danh không đáp ứng tiêu chuẩn quy định (bổ nhiệm giám đốc chi nhánh khi chưa có bằng đại học, bổ nhiệm trưởng phòng nghiệp vụ chưa có bằng cấp/chứng chỉ và số năm kinh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm) hoặc không bổ nhiệm một số chức danh cơ bản, không chấp hành quy định về thành lập địa điểm kinh doanh.

Trong lĩnh vực BHPNT có tình trạng DN vi phạm quy định về mức giữ lại (mức giữ lại vượt quá 10% vốn chủ sở hữu trên mỗi rủi ro). Trong lĩnh vực BHNT, có DN không xây dựng chương trình tái bảo hiểm và xem xét đánh giá điều chỉnh chương trình tái bảo hiểm định kỳ hàng năm, không ban hành quy trình hướng dẫn nội bộ về tái bảo hiểm. Do chưa được chuyên môn hóa nên trong lĩnh vực BHPNT có sai phạm liên quan đến đầu tư sai tỷ lệ nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ, không chấp hành đúng quy định đảm bảo nguồn tiền để bồi thường bảo hiểm thường xuyên trong kỳ.

Bên cạnh đó, có DN cũng vi phạm quy định về góp vốn điều lệ và hồ sơ xin tăng vốn. Một số DN BHPNT không góp đủ số vốn điều lệ theo cam kết trong hồ sơ tăng vốn, cổ đông góp vốn không theo đúng phương án góp vốn nêu tại hồ sơ thành lập hoạt động hoặc vay tiền ngân hàng để góp vốn thành lập DN.

Cũng theo ông Hoan, tình trạng trục lợi bảo hiểm tăng lên mức báo động. Bất cứ sự cố nào, sự kiện bồi thường bảo hiểm nào cũng có thể xảy ra trục lợi. Điều đáng nói là tình trạng trục lợi không chỉ đến từ khách hàng mà từ cả những nhân viên làm việc tại DN bảo hiểm. Bên cạnh đó, quy trình bồi thường do chính DN bảo hiểm đề ra với nhiều thủ tục nhiêu khê, ảnh hưởng đến khách hàng nên cần được điều chỉnh, rút ngắn lại.

Năm 2010, ngành bảo hiểm đặt ra mục tiêu tăng trưởng 20% (bằng năm 2009) với sự tham gia thêm của một số DN BHNT, BHPNT, môi giới bảo hiểm… trong đó, có các DN thuộc các công ty bảo hiểm hàng đầu thế giới và khu vực. Ngoài những lợi ích do các NĐT này mang đến như kinh nghiệm quốc tế, sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm chuyên nghiệp… các DN trong nước sẽ gặp phải sự cạnh tranh nhất định trong hoạt động kinh doanh và tiếp tục đối mặt với sự chuyển dịch nhân sự mạnh trên thị trường này.         

Đông Hải

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Sẽ thanh tra một loạt doanh nghiệp bảo hiểm (23/03/2010)

>   AIA Việt Nam hợp tác thu phí bảo hiểm với BIDV (22/03/2010)

>   Bảo Việt bán bảo hiểm qua Ngân hàng MHB (22/03/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam: “Đất lành” cho CEO! (20/03/2010)

>   AIA Việt Nam tăng vốn lên 1,035 tỷ đồng (19/03/2010)

>   Bảo Việt bán bảo hiểm du lịch qua HSBC (18/03/2010)

>   Bảo hiểm lên kế hoạch “phủ sóng” cộng đồng (16/03/2010)

>   Giáo dục là biện pháp hữu hiệu phát triển thị trường bảo hiểm (12/03/2010)

>   Thị trường bảo hiểm: Hết nạc vạc đến xương (11/03/2010)

>   Khách hàng AIA Việt Nam ít bị ảnh hưởng từ vụ sáp nhập (05/03/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật