Thị trường bảo hiểm: Hết nạc vạc đến xương
Trong khi các DN kinh doanh bảo hiểm hiện vẫn chủ yếu tập trung vào các sản phẩm truyền thống không khó về nghiệp vụ, dễ khai thác, thì vẫn còn nhiều mảng bảo hiểm đầy tiềm năng bị lãng quên. Tuy nhiên, với chủ trương khuyến khích phát triển và hỗ trợ tích cực của Nhà nước, nhiều DN sẽ triển khai các sản phẩm mới trong năm 2010.
Trước những rủi ro thiên tai gây hậu quả ngày một lớn, tần suất gia tăng, bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) bắt đầu được người nông dân quan tâm. Trao đổi với ĐTCK, ông Đỗ Minh Hoàng, Quyền tổng giám đốc CTCP Bảo hiểm Nông nghiệp (ABIC) cho biết, DN này đang hoàn thiện các thủ thủ tục để có thể triển khai sản phẩm BHNN trong năm nay.
Trên thực tế, trước đây đã có một số DN bán BHNN. Tuy nhiên, do rủi ro nhiều, phí thấp, kinh doanh không hiệu quả nên sản phẩm này tồn tại không được bao lâu. Có thể nói, BHNN ở Việt Nam đến nay vẫn là con số không. Sở dĩ các DN chưa thành công là do không có thị trường bảo hiểm truyền thống trong lĩnh vực nông nghiệp để đủ số đông người tham gia bảo hiểm. Bên cạnh đó, các sản phẩm chỉ triển khai theo loại hình bảo hiểm truyền thống mang tính đơn lẻ, nên với nông dân sẽ có vô vàn yếu tố rủi ro tác động, phí bảo hiểm rất cao, người dân không thể chịu đựng được.
Theo tính toán của các chuyên gia, hàng năm thiên tai và dịch bệnh làm Việt Nam thiệt hại 1,5% GDP, không có DN bảo hiểm Việt Nam nào dám và có tiềm lực chấp nhận bảo hiểm cho khoản rủi ro lên tới khoảng 10 tỷ USD như vậy. Vì vậy, khi triển khai BHNN, ABIC sẽ phải tái bảo hiểm ra nước ngoài. Đối tác được lựa chọn là Swiss Reinsurance - tập đoàn tái bảo hiểm của Thụy Sĩ, có tổng nguồn vốn cao gấp 30 lần nguồn vốn của Agribank. Hiện tập đoàn này đã cử chuyên gia cùng phối hợp với ABIC để xây dựng các sản phẩm BHNN. ABIC sẽ triển khai bảo hiểm đến nông dân, rồi bán những đơn bảo hiểm nguyên bản đó cho Swiss.
Có 3 dòng sản phẩm BHNN có thể triển khai tại Việt Nam. Một là, tính trên giá trị thu hoạch của từng cây trồng vật nuôi, thiệt hại bao nhiêu thì DN bảo hiểm sẽ trả cho nông dân bấy nhiêu. Thứ hai là dòng bảo hiểm theo chỉ số thời tiết. Thứ ba là bảo hiểm theo chỉ số sản lượng. Chẳng hạn, một giống lúa thường cho năng suất 7 tấn/héc-ta. Khi bất kỳ một thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, khô hạn, cháy… nào đó tác động vùng trồng giống lúa này khiến sụt giảm sản lượng thu hoạch, thì phần chênh lệch giữa sản lượng lúa lý thuyết và thu hoạch thực tế sẽ được bồi thường. Được biết, ABIC sẽ triển khai sản phẩm bảo hiểm theo chỉ số sản lượng ngay từ vụ Đông Xuân năm nay. Nếu thành công đối với cây lúa, ABIC sẽ triển khai tới một chuỗi sản phẩm: hạt tiêu, điều, ca cao, cà phê, chè, sắn, tôm, cá tra... Bất kỳ cây, con nào mang tính chất sản xuất hàng hóa thì đều có thể trở thành đối tượng bảo hiểm.
Không ít DN đang kỳ vọng vào sản phẩm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sắp được Bộ Tài chính cho phép triển khai. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, những rủi ro trong thanh toán, gian lận thương mại quốc tế là điều khó tránh khỏi, thì bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ở một góc độ nào đó là cứu cánh cho các DN xuất khẩu. Đây là hình thức bảo đảm tài chính cho nhà xuất khẩu trong các hợp đồng xuất nhập khẩu có điều kiện thanh toán theo hình thức tín dụng mở trước rủi ro nợ xấu, mất khả năng thanh toán của nhà nhập khẩu hoặc vì bất ổn chính trị tại quốc gia nhập khẩu. Được biết, Bảo Việt là đơn vị đi đầu trong việc nghiên cứu triển khai cung cấp sản phẩm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, sẽ ra mắt thị trường vào quý II/2010. Một trong những mục đích của chính sách nới rộng biên độ tỷ giá vừa được NHNN áp dụng đó là việc khuyến khích xuất khẩu. Đi cùng với đó là việc đẩy mạnh bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nhằm củng cố sự tự tin của các DN khi vươn ra làm ăn với thế giới. Tuy nhiên, việc triển khai sản phẩm này cũng gặp không ít thách thức, khi khả năng đánh giá rủi ro của DN bảo hiểm còn hạn chế. Không chỉ khó khăn về địa lý, trình độ nhân lực cũng là một thách thức, bởi đây là loại hình bảo hiểm mới mẻ tại Việt Nam.
Một sản phẩm nữa được Nhà nước chủ trương thúc đẩy phát triển trong năm 2010 là bảo hiểm vi mô. Với đa số người dân có thu nhập thấp sống ở nông thôn, khả năng tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm thông thường là rất khó khăn. Năm 2009, Bộ Tài chính đã cho phép một số DN triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô hướng đến người nghèo ở nông thôn. Các sản phẩm này bao gồm bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm y tế. Công ty Manulife đã triển khai thí điểm tại Hải Phòng và Kiên Giang các sản phẩm này. Với mức phí 100.000 - 280.000 đồng/năm, khi xảy ra ốm đau, tai nạn, rủi ro…, người dân có thể được bồi thường từ 10 đến 20 triệu đồng. Mặc dù đang trong quá trình thí điểm, nhưng hiện đã có 4.000 hợp đồng bảo hiểm được ký. Triển khai bảo hiểm vi mô có đối tượng khách hàng tiềm năng rộng lớn. Tuy nhiên, để đảm bảo kinh doanh có lãi duy trì lĩnh vực này đòi hỏi DN có kinh nghiệm triển khai tiềm lực tài chính lớn và sự hỗ trợ không nhỏ của Nhà nước.
Đông Hải
Đầu tư chứng khoán
|