Thứ Ba, 16/03/2010 10:17

Bảo hiểm lên kế hoạch “phủ sóng” cộng đồng

Ngoài việc tăng mạnh số lượng đại lý bảo hiểm, tới đây các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ xúc tiến cho ra đời thêm nhiều kênh phân phối khác để tiếp cận thị trường rộng rãi hơn và khách hàng có thể được tiếp xúc với các sản phẩm bảo hiểm nhiều hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành này đều thừa nhận thực tế, một trong những thử thách lớn nhất hiện tại là làm cho đại bộ phận dân chúng hiểu và ý thức được tầm quan trọng của bảo hiểm nhân thọ đối với cuộc sống của họ. Và chỉ khi nào đa số người dân hiểu được tầm quan trọng này thì bảo hiểm nhân thọ mới có bước phát triển mạnh.

Trao đổi với ĐTCK mới đây, ông Takashi Fujii, Tổng giám đốc Công ty Dai-ichi Life Việt Nam nói rằng, mặc dù hiện tại nhiều sản phẩm bảo hiểm của Việt Nam khá tân tiến và không thua các sản phẩm bảo hiểm của nhiều nước trên thế giới, nhưng thực tế bối cảnh kinh tế và ý thức về rủi ro của người dân Việt Nam vẫn đang dừng ở mức rất thấp.

Ông Philip Hampden-Smith, Phó chủ tịch điều hành cấp cao và Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Manulife Financial cho biết, tại nhiều quốc gia trên thế giới, những nước có thị trường bảo hiểm phát triển, người dân không chỉ có sự định hướng giáo dục về bảo hiểm từ những công ty bảo hiểm, mà còn từ trường học, từ thị trường chung cũng như từ Chính phủ. Theo ông Philip Hampden-Smith, có nhiều cách để nâng cao nhận thức của người dân về những sản phẩm tài chính, bảo hiểm và đầu tư… Một trong những biện pháp hữu hiệu mà Chính phủ sử dụng chính là khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho người tham gia bảo hiểm. Khi người dân trả phí bảo hiểm, họ sẽ nhận được ưu đãi thuế. Ngoài ra, giáo dục cũng sẽ là một biện pháp phi tài chính rất tốt, như giáo dục khách hàng thông qua các tổ chức và có những buổi giới thiệu đơn giản về tài chính, bảo hiểm tại trường học, giới thiệu các sản phẩm bảo hiểm và tài chính đầu tư đơn giản.

"Một trong những việc mà các công ty trong ngành như Manulife thường làm chính là đi đến các trường học và tổ chức các buổi giới thiệu về vai trò của bảo hiểm, điều đó về cơ bản giúp cho giới trẻ hiểu thêm về bảo hiểm. Ngoài ra, chúng tôi cũng chung tay với các cơ quan quản lý tổ chức những buổi hội thảo với mục đích nâng cao nhận thức cho lớp trẻ trong việc trang bị cho cuộc sống của mình", ông Philip Hampden-Smith chia sẻ.

Đưa các sản phẩm bảo hiểm vào trường học hay tổ chương trình tài trợ, từ thiện hướng tới thế hệ trẻ cũng là một trong những cách thức mà các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang tiếp cận. Cùng với việc tài trợ cho "Cuộc thi trò chuyện với con", Dai-ichi Life Việt Nam còn hợp tác chiến lược với một số trường học như Đại học RMIT, Trường Ngoại ngữ Language Link Việt Nam… để trực tiếp gia tăng quyền lợi cho khách hàng cũng như gián tiếp nâng cao nhận thức của giới trẻ về bảo hiểm.

Những hợp tác trong lĩnh vực giáo dục cũng được các doanh nghiệp bảo hiểm khác thực hiện như ACE Life với chương trình học bổng "Cùng bạn vượt sóng" - học bổng dành cho những tân sinh viên nghèo học giỏi được tập thể đại diện kinh doanh của doanh nghiệp này khởi xướng từ năm 2005. Prudential cũng hướng tới giới trẻ với nhiều hoạt động thiết thực như chương trình "Prudential - Văn hay chữ tốt"…

Theo ông Philip Hampden-Smith, nói đến kinh doanh bảo hiểm nhân thọ là phải nói đến tính lâu dài và quy mô phát triển bền vững. Giai đoạn đầu có thể không mang đến lợi nhuận nhưng sẽ giúp nâng cao ý thức về bảo hiểm cho khách hàng tiềm năng. Chẳng hạn với bảo hiểm vi mô, một hợp đồng bảo hiểm có mệnh giá rất nhỏ. Trong giai đoạn tiên phong, mục tiêu của Manulife chỉ là nâng cao sự hiểu biết trong cộng đồng nông thôn Việt Nam về nhu cầu được bảo hiểm, giáo dục khách hàng và cung cấp những cơ hội bảo hiểm cho bản thân họ cũng như gia đình. Tuy nhiên, trong những năm tới, nông thôn Việt Nam sẽ phát triển hơn, nhu cầu tăng cao, thu nhập khá hơn và Manulife sẽ đa dạng hóa các sản phẩm của mình.

"Thị trường nông thôn là một thị trường rất lớn cho bảo hiểm nhưng còn đang bỏ ngỏ, hầu hết người dân đều chưa được tiếp cận và hiểu trọn vẹn về ý nghĩa của bảo hiểm nhân thọ. Chỉ trong vòng 3 tháng đầu của chương trình thí điểm phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô đã có hơn 20.000 khách hàng đến với Manulife Việt Nam. Mục tiêu của năm nay sẽ là 80.000 - 90.000 khách hàng và thực tế con số đó không đáng kể với dân số 60 triệu người tại vùng nông thôn", ông Philip Hampden-Smith tự tin. 

Ngọc Lan

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Giáo dục là biện pháp hữu hiệu phát triển thị trường bảo hiểm (12/03/2010)

>   Thị trường bảo hiểm: Hết nạc vạc đến xương (11/03/2010)

>   Khách hàng AIA Việt Nam ít bị ảnh hưởng từ vụ sáp nhập (05/03/2010)

>   AIA Việt Nam vẫn hoạt động bình thường (02/03/2010)

>   Tái bảo hiểm, làm sao để an toàn? (02/03/2010)

>   Bảo hiểm ôtô: Hết thời phí rẻ (02/03/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ chờ cơ hội (27/02/2010)

>   AIA Việt Nam sẽ thu phí bảo hiểm thông qua VNPost (26/02/2010)

>   Lạc quan thị trường bảo hiểm 2010 (25/02/2010)

>   Sẽ “bán” rủi ro bảo hiểm nông nghiệp cho nước ngoài? (21/02/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật