Thứ Ba, 06/04/2010 10:37

Xu hướng M&A trong ngành bảo hiểm

Sau giai đoạn suy thoái kinh tế, các DN thường có nhu cầu tái cấu trúc hoạt động, đây là một trong những cú huých khiến cho làn sóng mua bán, sáp nhập DN (M&A) ở Việt Nam có khả năng nở rộ trong thời gian tới. Ngành bảo hiểm cũng không đi ngược lại với xu thế này.

Hoạt động M&A năm 2010 mở đầu bằng một thương vụ kỷ lục khi Tập đoàn Bảo hiểm Prudential (Anh) công bố quyết định mua lại Hãng Bảo hiểm AIA thuộc Tập đoàn Tài chính AIG (Mỹ). Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, sự khó khăn trong việc huy động vốn và mở rộng địa bàn khiến các cuộc M&A ngày càng nở rộ. Thông tin Prudential mua lại AIA, Chi nhánh châu Á của AIG có thể coi là một vụ sáp nhập "bom tấn" đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam, bởi hai công ty này đều có công ty con đang hoạt động mạnh mẽ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn lại các vụ M&A trong lĩnh vực bảo hiểm, việc sáp nhập này không phải là đầu tiên diễn ra tại Việt Nam. Trước đó, năm 1999 BIDV, sau khi góp vốn vào Công ty Bảo hiểm Việt - Úc thành lập Liên doanh bảo hiểm Việt - Úc hoạt động không thành công, thì ngày 28/12/2005, BIDV cũng đã chính thức mua lại Liên doanh bảo hiểm Việt - Úc và thành lập Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC). Hay như vụ Dai-ichi Life (Nhật Bản) mua lại Bảo Minh CMG, để thành lập Dai-ichi Life Việt Nam và đang hoạt động khá thành công.

Vụ sáp nhập Prudential và AIA tại thị trường Việt Nam chưa đến hồi kết, bởi vậy  cũng có một số băn khoăn về việc ở Việt Nam chưa có tiền lệ trong việc sáp nhập giữa hai công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài đang hoạt động trong nước. Tuy nhiên, những vụ M&A giữa các tập đoàn bảo hiểm lớn tại Việt Nam cũng đã từng xảy ra khi thị trường bảo hiểm mới mở cửa. Điển hình là vụ Công ty Bảo hiểm Allianz Việt Nam - công ty 100% vốn nước ngoài chuyển nhượng lại sau gần 7 năm hoạt động. Allianz Việt Nam được Tập đoàn Bảo hiểm Allianz (Đức) thành lập tại Việt Nam từ năm 1999 cùng với một đối tác Pháp, với tổng vốn đầu tư 7,5 triệu USD. Trong giai đoạn Việt Nam mới mở cửa thị trường bảo hiểm, đây là công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài đầu tiên được cấp phép kinh doanh hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ.

Năm 2005, Allianz Việt Nam đã đệ đơn lên Bộ Tài chính xin rút lui khỏi Việt Nam và nhượng lại toàn bộ Công ty cho Công ty Bảo hiểm QBE (Australia). Sau vụ chuyển nhượng khá đình đám vào thời kỳ đó, toàn bộ khách hàng và hợp đồng đang còn hiệu lực của Allianz đã được QBE bảo đảm chuyển giao mà không gây ra xáo trộn. Các điều khoản, điều kiện và việc bồi thường theo các hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực sẽ được QBE Việt Nam tôn trọng. Các chủ hợp đồng bảo hiểm sẽ không phải làm bất cứ thủ tục nào, nếu họ muốn các hợp đồng bảo hiểm của họ tiếp tục có hiệu lực cho đến khi đáo hạn tại Công ty TNHH Bảo hiểm QBE Việt Nam.

Đối với vụ sáp nhập giữa Prudential và AIA, dù đã đạt được thỏa thuận mua bán, nhưng thực tế, thương vụ này còn phải trải qua nhiều công đoạn, có thể là cuối năm 2010 hoặc xa hơn nữa, mới hoàn tất. Prudential sẽ phải phát hành cổ phiếu mới để lấy tiền mặt trả cho AIG, rồi phải thành lập một pháp nhân mới bao trùm cả Prudential hiện hữu và AIA. Tất cả những điều này phải được ĐHCĐ thông qua. Chính vì thế, hiện tại, cả Prudential Việt Nam và AIA Việt Nam vẫn hoạt động bình thường cho đến khi thương vụ của hai công ty mẹ kết thúc, rồi sẽ sáp nhập như các công ty trực thuộc khác.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, vụ mua bán đình đám này có thể sẽ là khởi đầu cho nhiều vụ M&A trong lĩnh vực bảo hiểm tại Việt Nam thời gian tới, đặc biệt đối với các DN bảo hiểm phi nhân thọ. Thiếu vốn và khó khăn trong việc mở rộng địa bàn của các DN vẫn là những nguyên nhân chính sẽ tạo ra các cuộc M&A trong lĩnh vực này.

Theo thông tin từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, tính đến thời điểm 31/12/2009, vẫn còn một số DN bảo hiểm phi nhân thọ đang trong quá trình thực hiện tăng vốn lên 300 tỷ đồng theo quy định như Bảo Long, Bảo Tín, Hùng Vương, UIC, Samsung Vina… Đặc biệt, khả năng thanh toán của một số DN trong năm 2009 chưa thực sự bền vững. Trong đó, khả năng thanh toán của Công ty Bảo hiểm Liberty thấp hơn quy định tối thiểu do DN này thua lỗ 182 tỷ đồng (năm 2009). Liberty cũng vừa hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 20 triệu USD lên 40 triệu USD trong tháng 3/2010. Các DN như Bảo Việt và Pjico cũng chỉ có biên khả năng thanh toán tối thiểu cao hơn không đáng kể so với quy  định. Năm 2010, Bảo Việt có kế hoạch tăng vốn thêm 500 tỷ đồng và Pjico tăng thêm gần 200 tỷ đồng.

Sự phát triển nhanh về số lượng công ty bảo hiểm tập trung vào giai đoạn gần đây đã dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực có trình độ và kỹ năng. Bên cạnh đó là hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh như giảm phí, tăng hoa hồng, khuyến mãi, mở rộng điều khoản bảo hiểm… Tất cả những vấn đề này đang xảy ra trong ngành bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm phi nhân thọ cũng đang khiến các cơ quan chức năng phải đặt ra vấn đề cần cơ cấu lại thị trường. Việc siết chặt hoạt động giám sát, kiểm tra với các DN kinh doanh bảo hiểm không những sẽ hạn chế rủi ro cho DN, mà còn bảo đảm an toàn cho hệ thống tài chính trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động hiện nay.

Ngọc Lan

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   BIC tung ra sản phẩm bảo hiểm cho chung cư (05/04/2010)

>   Thị trường bảo hiểm: Lỗ... để có thị phần (05/04/2010)

>   Bảo hiểm chung cư: Tiềm năng và thực tế (03/04/2010)

>   Doanh nghiệp bảo hiểm chật vật tăng vốn (01/04/2010)

>   Bảo hiểm bưu điện bước chân sang thị trường Lào (31/03/2010)

>   Bảo hiểm đầu tư (30/03/2010)

>   Lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm đến từ đâu? (29/03/2010)

>   Doanh nghiệp bảo hiểm trước áp lực… làm sạch mình (25/03/2010)

>   Sẽ thanh tra một loạt doanh nghiệp bảo hiểm (23/03/2010)

>   AIA Việt Nam hợp tác thu phí bảo hiểm với BIDV (22/03/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật