Thị trường bảo hiểm: Luật chưa theo kịp thực tiễn
Kể từ khi có hiệu lực (1/4/2001), Luật Kinh doanh bảo hiểm (Luật KDBH) đã tạo khung pháp lý, giúp thị trường bảo hiểm tăng trưởng cao. Tuy nhiên, thực tiễn đang đòi hỏi Luật KDBH phải được sửa đổi để tháo gỡ những vấn đề phát sinh.
Theo Điều 7 Luật KDBH hiện hành, có 2 loại hình bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ, với 11 nghiệp vụ bảo hiểm cơ bản. Thực tế cho thấy, hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát triển rất nhanh, việc quy định chi tiết các nghiệp vụ bảo hiểm không phản ánh kịp sự phát triển này. Chẳng hạn, trên thị trường có nhiều sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh, nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm, nhưng chưa được quy định trong Luật. Vì vậy, quy định mới cần theo hướng khái quát hơn, phân theo các nhóm loại hình bảo hiểm cơ bản, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Về nhượng tái bảo hiểm bắt buộc, theo quy định hiện hành, DN bảo hiểm có thể tái bảo hiểm cho các DN khác, kể cả DN bảo hiểm ở nước ngoài. Trong trường hợp tái bảo hiểm cho các DN nước ngoài, DN bảo hiểm phải tái một phần trách nhiệm đã nhận bảo hiểm cho DN kinh doanh tái bảo hiểm trong nước theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, theo các hiệp định hợp tác đa phương, song phương và cam kết gia nhập WTO, Việt Nam không còn quy định phải tái bảo hiểm bắt buộc cho CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam. Vì vậy, cần thiết phải quy định, DN bảo hiểm có thể nhượng và nhận tái bảo hiểm cho các DN bảo hiểm khác, kể cả các DN bảo hiểm ở nước ngoài.
Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay đó là bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm. Luật hiện hành quy định, "trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết hoặc khi có bằng chứng DN bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm". Trong thời gian qua, có những cách hiểu và vận dụng khác nhau, từ cả phía DN bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đối với quy định này nhằm trục lợi, gây phát sinh tranh chấp. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, Luật sửa đổi lần này cần khắc phục nhược điểm kể trên bằng cách quy định trách nhiệm hợp đồng phát sinh khi hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết giữa DN bảo hiểm và bên mua bảo hiểm; bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm hoặc hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết, DN bảo hiểm có thỏa thuận cho bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm.
Quyền lợi của bên mua bảo hiểm ra sao khi DN bảo hiểm phá sản cũng là vấn đề đang được quan tâm. Theo quy định hiện nay, "DN bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm phải lập quỹ dự trữ bắt buộc để bổ sung vốn điều lệ và bảo đảm khả năng thanh toán. Quỹ dự trữ bắt buộc được trích hàng năm theo tỷ lệ 5% lợi nhuận sau thuế. Ngoài quỹ dự trữ này, DN môi giới bảo hiểm có thể lập các quỹ dự trữ khác từ lợi nhuận sau thuế của năm tài chính, theo quy định trong điều lệ của DN bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm".
Theo Bộ Tài chính, để đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm trong trường hợp DN bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính, các thị trường trong khu vực như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan đều quy định lập quỹ bảo đảm bảo hiểm. Tuy nhiên, quỹ này thường do một tổ chức thứ 3 hoặc cơ quan quản lý về bảo hiểm quản lý. Ở thời điểm hiện tại, việc thành lập quỹ này tại Việt Nam chưa phù hợp. Do đó, để đáp ứng mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng, ngoài việc trích lập dự phòng nghiệp vụ trên cơ sở phí bảo hiểm giữ lại, dự thảo Luật sửa đổi đã bổ sung yêu cầu trích lập quỹ bảo vệ bên mua bảo hiểm, lấy từ nguồn phí bảo hiểm của DN bảo hiểm.
Thực tế cho thấy, bảo hiểm là lĩnh vực "nhạy cảm", cần quản lý thận trọng nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của hàng triệu người đang tham gia. Nhiều ý kiến cho rằng, Luật cần bổ sung quy định, DN bảo hiểm phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản khi thay đổi một số nội dung như chuyên gia tính toán, đầu tư ra nước ngoài. DN bảo hiểm báo cáo Bộ Tài chính khi thay đổi một trong các chức danh như thành viên HĐQT, phó tổng giám đốc, trưởng văn phòng đại diện, kế toán trưởng…
Được biết, Dự thảo sửa đổi Luật KDBH đã được Bộ Tài chính hoàn thiện, lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ và Quốc hội xem xét ban hành.
Đông Hải
Đầu tư chứng khoán
|