Thứ Sáu, 21/05/2010 21:23

Sẽ còn sửa đổi quy định về bảo hiểm thất nghiệp

"Việc tiếp nhận và giải quyết trợ cấp thất nghiệp mới được thực hiện từ đầu năm 2010, vì vậy Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vẫn đang tiếp tục theo dõi, lắng nghe các ý kiến, nếu phát hiện những điểm bất cập sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp với thực tế".

Đó là ý kiến của ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khi trả lời phỏng vấn TBKTSG Online về vấn đề chi trả bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian qua,

TBKTSG Online: Sau 4 tháng thực hiện, tình hình đăng ký và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp đến nay ra sao, thưa ông?

- Ông Lê Quang Trung: Theo báo cáo của các địa phương, tính đến hết tháng 4-2010 cả nước có 43.818 người lao động đến các trung tâm giới thiệu việc làm thuộc các Sở Lao động Thương binh và Xã hội đăng ký thất nghiệp. Trong số này có 28.100 người đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp và 18.317 người đã có quyết định hưởng trợ cấp.

Các địa phương có số người đăng ký thất nghiệp, nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhiều là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... và tập trung nhiều nhất ở nhóm tuổi từ 25-40 với 59,7%, nhóm tuổi dưới 25 chiếm 22,8%.

Số người đăng ký thất nghiệp ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai khá cao, trong khi các địa phương này lại đang trong tình trạng thiếu lao động. Phải chăng vì mức lương thấp nên người lao động nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp chứ không phải họ bị mất việc?

- Trước hết, phải khẳng định rằng đây là những địa phương có thị trường lao động lớn và phát triển so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Nhu cầu tuyển lao động hiện nay ở TPHCM là 110.000 lao động (60% lao động phổ thông), Bình Dương và Đồng Nai mỗi địa phương cần tuyển khoảng 45.000- 50.000 lao động (80% lao động phổ thông), tập trung vào nhiều công việc, ngành nghề có tính ổn định không cao, lao động thường xuyên biến động như may mặc, giày da, điện tử...

Ở các địa phương này, số người đăng ký thất nghiệp lớn nhưng vẫn khó tuyển lao động do các nguyên nhân sau: tiền lương thấp không đảm bảo cuộc sống ở các thành phố, khu công nghiệp tập trung; điều kiện làm việc không tốt, lại hay tăng ca, tăng giờ làm việc; người lao động về quê làm việc do địa phương có nhiều khu công nghiệp mới; người lao động tiếp tục ở lại thành phố nhưng tìm những công việc khác có thu nhập cao hơn.

Sau 4 tháng tiếp nhận đăng ký và giải quyết chế độ thất nghiệp, có ý kiến cho rằng có nhiều bất cập về thủ tục và thời gian làm hồ sơ dài khiến người lao động chậm nhận được tiền trợ cấp thất nghiệp, theo ông có đúng không?

- Về trình tự và thủ tục giải quyết trợ cấp thất nghiệp được quy định cụ thể trong Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12-12-2008 của Chính phủ và Thông tư số 04/2009/TT- BLĐTBXH ngày 22-1-2009 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Theo đó, người lao động cần chú ý trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày bị mất việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động phải đến trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội để đăng ký theo mẫu và trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp phải nộp đủ hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Đến nay, chúng tôi vẫn chưa phát hiện được trường hợp nào khi người lao động đăng ký và nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp đúng thời hạn mà không được hưởng trợ cấp theo quy định. Trong thực tế nếu phát hiện trường hợp giải quyết không đúng theo quy định thì sẽ yêu cầu các địa phương khắc phục.

Việc tiếp nhận và giải quyết trợ cấp thất nghiệp mới được thực hiện từ đầu năm nay, vì vậy Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vẫn đang tiếp tục theo dõi, lắng nghe các ý kiến, nếu phát hiện những điểm còn hạn chế, bất cập sẽ có kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp với thực tế.

Trong thời gian tới bộ cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp với nhiều hình thức đến với người lao động, người sử dụng lao động. Về phía người lao động, cần chủ động tìm hiểu quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc đóng và hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đối với người sử dụng lao động phải xác định rõ trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc, đóng đúng và đủ bảo hiểm thất nghiệp, khi có người lao động chấm dứt hợp đồng lao động phải khẩn trương làm các thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội, các giấy tờ cần thiết và hướng dẫn người lao động đến trung tâm giới thiệu việc để đăng ký và nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Xin cảm ơn ông.

Thanh Thương

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Kinh doanh bảo hiểm: Thanh tra đụng đâu sai đấy (17/05/2010)

>   Liên kết bảo hiểm - ngân hàng: Xu hướng tất yếu (16/05/2010)

>    Bancassurance: Xu hướng mới trong kinh doanh bảo hiểm   (15/05/2010)

>   Thị trường bảo hiểm: Luật chưa theo kịp thực tiễn (13/05/2010)

>   Quỹ Bảo hiểm xã hội: Làm sao để... lời nhiều? (11/05/2010)

>   "Thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh" (09/05/2010)

>   Chỉ tiêu thu BHXH năm 2010 gần 90 nghìn tỷ đồng (07/05/2010)

>   50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm (07/05/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ chủ động đối phó với lạm phát (06/05/2010)

>   “Chợ chiều” bảo hiểm rủi ro tỷ giá (06/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật