Liên kết bảo hiểm - ngân hàng: Xu hướng tất yếu
Tại hội thảo quốc tế bảo hiểm/ bảo hiểm liên kết ngân hàng do VCCI và một số tổ chức bảo hiểm (BH) - ngân hàng (NH) - tài chính tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia khẳng định: Ngành BH và NH phải liên kết với nhau chặt chẽ hơn nữa để cùng phát triển.
Phát biểu tại hội thảo, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI khẳng định: Tốc độ, trình độ của hai ngành BH và NH - các tổ chức tài chính tại VN hiện đã rất cao. Vì vậy, việc liên kết chặt chẽ hai ngành với nhau là vấn đề tất yếu, tạo động lực cho cả hai ngành này và khách hàng cùng có lợi.
Ba bên cùng có lợi
Ông Trịnh Thanh Hoan - Cục trưởng Cục quản lý giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính cho biết: Ngành BH VN phát triển rất nhanh, trong vòng chưa đầy 10 năm, từ chỗ chỉ có một Cty BH, hiện tại thị trường VN đã có đến 50 Cty, trong đó có 28 Cty BH phi nhân thọ, 11 Cty BH nhân thọ... Năm 2009 dù kinh tế toàn cầu khó khăn nhưng doanh thu phí BH tăng khoảng 1,5 tỷ USD, ngành BH nhân thọ tăng trưởng khoảng 15%, BH phi nhân thọ tăng khoảng 25%. Dự báo năm 2010, BH phi nhân thọ sẽ tăng khoảng 30%, BH nhân thọ tăng trên 10%.
Tuy nhiên, ông Hoan cũng nhận định, tổng doanh thu ngành BH VN như nêu trên vẫn còn thấp so khả năng của nền kinh tế VN. Theo dự báo, ngành BH sẽ còn tăng trưởng rất nhanh, năm 2010 sẽ tăng trưởng khoảng 17% và các năm sau sẽ tăng trưởng cao hơn.
Hiện nay nhìn chung hai ngành BH và NH tại VN chưa kết nối tương thích cả về trang bị lẫn nguồn nhân lực.
Nguồn vốn từ kênh BH là nguồn vốn dài hạn nên rất phù hợp dùng đầu tư vào các dự án lớn quốc gia. Trong khi đó, nguồn vốn hiện nay của các NH phần lớn là vốn vay trung và ngắn hạn, nên NH vay vốn từ BH sẽ rất thuận tiện. Hơn nữa, do tình hình cạnh tranh huy động vốn ngày càng gay gắt, nên khi BH liên kết với các NH- tổ chức tài chính, sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của mình. Ngoài ra, khi liên kết chặt chẽ với NH, ngành BH sẽ có thêm được một kênh bán sản phẩm bởi hệ thống NH đang có chi nhánh rộng khắp cả nước. Như vậy, liên kết chặt chẽ sẽ có lợi cho cả Cty BH, NH và người mua dịch vụ BH.
Bà Yoko Ogimoto - Viện nghiên cứu Nomuara Nhật Bản cho biết: Hiện nay, sự liên kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau giữa hai ngành BH và NH đã phổ biến toàn thế giới và ngày càng chiếm ưu thế hơn hình thức hoạt động riêng rẽ. Tại Châu Á, loại hình liên kết NH- BH hiện đã đạt trung bình khoảng 30% thị trường BH và NH. Cụ thể là 35% tại Trung Quốc, 25% tại Singapore, 30% tại Hàn Quốc, gần 30% tại Thái Lan... Ở Ấn Độ, từ năm 2000, NH trung ương đã cho phép các NH trở thành đại lý BH. Hình thức NH- BH là một dấu mốc thay đổi cơ cấu thị trường BH - NH Ấn Độ, và BH là một sản phẩm chủ chốt của các tổ chức tài chính nước này...
VN còn thiếu hành lang pháp lý, thiếu nhân lực
TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, để liên kết chặt chẽ giữa hai ngành BH và NH, cần phải nâng cao trình độ về cơ sở hạ tầng tương thích của cả hai ngành, nhằm kết nối một cách phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay nhìn chung hai ngành BH và NH tại VN chưa kết nối tương thích cả về trang bị lẫn nguồn nhân lực. Hầu như tại VN chưa có trường đào tạo ngành tổng hợp BH - NH. Hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang muốn đầu tư vào thị trường BH - NH tại VN, thì vấn đề thiếu nhân lực sẽ là trở ngại chính. Vấn đề về thiết bị, công nghệ có thể trang bị trong một thời gian ngắn, nhưng trình độ của nhân lực trong quản lý công việc, quản lý thiết bị thì phải học trong nhiều năm, - TS Vũ Tiến Lộc nhận xét.
Theo ông Trịnh Thanh Hoan, đến nay việc hợp tác giữa hai ngành BH và NH tại VN mới phát triển chủ yếu là nhân viên NH bán sản phẩm BH theo cách kiêm nhiệm và hưởng hoa hồng. Còn tất cả các vấn đề khác do Cty BH chịu trách nhiệm.
Nhiều chuyên gia tại hội thảo cho rằng, ngành BH và NH VN có thể phát triển tốt hơn nếu cả hai ngành liên kết với nhau trên cơ sở hòa trộn hoạt động với nhau. Tuy nhiên, để có thể liên kết sâu sắc theo cách mà thế giới đã và đang thực hiện, VN cần phải vượt qua một số trở ngại: Về mặt pháp lý, hiện Bộ Tài chính chưa có quy định nào về loại hình BH liên kết NH. Do Luật kinh doanh BH vẫn chưa cập nhật, chưa đầy đủ nên vẫn thường xảy ra nhiều vụ kiện tranh chấp về quyền lợi BH, giữa Cty bán BH và người mua BH. Thực tế vướng mắc về pháp lý nêu trên đã hạn chế phát triển của dịch vụ BH, hạn chế nguồn vốn huy động từ kênh BH. Hiện đang có nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia lĩnh vực này, nhưng do pháp lý tại VN chưa rõ ràng nên các nhà đầu tư e ngại.
Một số giải pháp đã được ra tại hội thảo, trong đó, đáng chú ý là TS Vũ Tiến Lộc cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể là Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP HCM rất quan tâm vấn đề hỗ trợ VN đào tạo nhân lực BH và NH. Còn Ông Trịnh Thanh Hoan cho biết, Cục quản lý giám sát BH Bộ TC đã có văn bản đề nghị Quốc hội chỉnh sửa, bổ sung Luật Kinh doanh BH trong kỳ họp gần nhất.
Phạm Nguyễn
diễn đàn doanh nghiệp
|