DN bảo hiểm loay hoay tránh lỗ nghiệp vụ chính
Kinh doanh bảo hiểm là kinh doanh rủi ro nên không DN nào dám nói mạnh sẽ đạt lợi nhuận cao từ hoạt động chính của mình. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khác khiến các DN bảo hiểm kinh doanh không hiệu quả trong mảng hoạt động chính ngoài lý do rủi ro bất ngờ.
Theo ghi nhận của ĐTCK, trong năm kế hoạch 2010, nhiều DN đã thay đổi chiến lược kinh doanh để có lợi nhuận trong kinh doanh bảo hiểm.
Không lỗ nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm là ưu tiên hàng đầu của CTCP Bảo hiểm Nông nghiệp trong năm 2010. Mục tiêu khiêm tốn này phù hợp với ABIC, bởi trong năm 2009, DN này lỗ khá lớn từ nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm. Vì lý do này, kế hoạch lợi nhuận trong năm 2009 của ABIC đã không hoàn thành (chỉ đạt trên 10 tỷ đồng, đạt hơn 45% kế hoạch lợi nhuận năm).
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT ABIC cho biết, nguyên nhân là do năm 2009, doanh thu kinh doanh bảo hiểm tăng khá "nóng" (vượt kế hoạch 60 tỷ đồng), nên Công ty phải thực hiện trích lập dự phòng vượt kế hoạch trên 25,5 tỷ đồng. Năng suất lao động tại Công ty còn thấp so với mặt bằng chung của thị trường, nên tỷ trọng chi phí quản lý còn ở mức cao trong điều kiện phải mở rộng thêm mạng lưới hoạt động.
Một nguyên nhân nữa là do phải đền bù thiệt hại từ các cơn bão số 9, 11 nên tỷ lệ bồi thường tăng lên so với kế hoạch.
Để không bị lỗ trong kinh doanh bảo hiểm hiểm năm 2010, ABIC sẽ không đặt mục tiêu tăng trưởng nóng theo chỉ tiêu doanh thu mà tập trung kiện toàn bộ máy và mạng lưới kinh doanh. Cùng với đó là phát triển nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng bảo hiểm, dịch vụ chăm sóc khách hàng…
Kinh doanh bảo hiểm có lãi trở thành thành tích đáng kể của CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) trong năm 2009, mặc dù con số không lớn. Điều đáng nói là năm 2008, công ty này lỗ 17,6 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Báo cáo trình ĐHCĐ năm 2010 của VASS nêu rõ, dù chưa đạt kế hoạch lợi nhuận, nhưng việc không lỗ trong kinh doanh bảo hiểm đã thể hiện sự nỗ lực khi vượt qua giai đoạn lỗ kinh doanh bảo hiểm liên tiếp của các năm trước đó, đánh dấu giai đoạn phát triển mới với mục tiêu có lợi nhuận từ mảng kinh doanh truyền thống.
Để làm được điều này, VASS đã tiết kiệm chi phí bán hàng và quản lý toàn hệ thống thông qua cơ chế giao khoán chi phí kinh doanh. Tổng chi phí bán hàng và quản lý năm 2009 là 105,4 tỷ đồng, giảm 35,6% so với năm 2008. Trong khi tăng trưởng doanh thu đạt 17,8% thì tốc độ tăng chi phí bán hàng và quản lý chỉ là 3,6%.
Để có hiệu quả trong hoạt động kinh doanh chính năm 2010, VASS sẽ vẫn tiết giảm chi phí theo hướng chuyển dịch cơ cấu sang các sản phẩm kinh doanh có hiệu quả và tiết kiệm các khoản chi phí quản lý. Đặc biệt, thay vì chạy theo các sản phẩm truyền thống đang cạnh tranh hết sức gay gắt, VASS sẽ chuyển hướng sang các sản phẩm tương đối mới như: bảo hiểm nhà tư nhân, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm cá nhân, bảo hiểm trách nhiệm lãnh đạo DN, các sản phẩm bảo hiểm trọn gói, bảo hiểm tài chính, bảo hiểm y tế, du lịch.
Năm 2010, CTCP Bảo hiểm Xăng dầu (PJICO) đặt mục tiêu tổng doanh thu kinh doanh 1.814 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí bảo hiểm gốc 1.485 tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2009), doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính 86,4 tỷ đồng.
Mặc dù chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng doanh thu, nhưng lợi nhuận từ kinh doanh bảo hiểm chỉ được PJICO đặt kế hoạch khiêm tốn ở mức 6 tỷ đồng. Gánh vác trọng trách mang lại lợi nhuận sẽ là hoạt động đầu tư tài chính chiếm trên 90% với tổng số lãi dự kiến 80,34 tỷ đồng.
Mặc dù đề ra mục tiêu khá thấp nhưng để đạt được mục tiêu này, theo PJICO, Công ty vẫn phải tăng cường công tác quản lý rủi ro, nâng cao chất lượng quản trị DN, tập trung các nguồn lực tài chính để phát triển kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường, nhất là những thị trường trọng điểm, phát triển sản phẩm bảo hiểm ở những loại hình dịch vụ có thế mạnh, các nghiệp vụ có hiệu quả.
Tại ĐHCĐ tổ chức mới đây, ông Trần Văn Quang, Tổng giám đốc CTCP Bảo hiểm Quân đội cho biết, để nâng cao hiệu quả kinh doanh nghiệp vụ chính, Công ty kiên quyết nói "không" với những sản phẩm bảo hiểm rủi ro cao như xe taxi, xe khách đường dài, xe container siêu trường, siêu trọng… Theo ông Quang, đã đến lúc không thể chạy theo doanh thu mà bỏ qua lợi nhuận.
Với 28 DN đang hoạt động, 2 - 3 DN có thể được thành lập trong năm 2010 và hơn 100 loại sản phẩm, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và sự cạnh tranh khốc liệt về chất lượng, dịch vụ và uy tín thương hiệu.
Điều dễ nhận thấy trong năm nay là các DN bảo hiểm đã nhận thức rõ tác động tiêu cực của việc chạy theo doanh thu, giảm phí, mở rộng điều kiện bảo hiểm… Đặc biệt, có DN sẵn sàng từ chối bảo hiểm đối với những nghiệp vụ quá rủi ro.
Trao đổi với ĐTCK, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, việc các DN bảo hiểm lỗ nghiệp vụ kinh doanh chính là do nhiều nguyên nhân dồn tích trong nhiều năm. Đến nay, các DN đã nhận ra và mạnh tay chấn chỉnh. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm trong 1 - 2 năm những vấn đề đã tồn đọng quá lâu là điều hết sức khó khăn, nên các DN đặt mục tiêu không lỗ hoặc lãi ít từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2010 là điều dễ hiểu.
Đông Hải
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|