“Hàng nhái” trên thị trường bảo hiểm
Số lượng DN bảo hiểm trong nước được cấp phép kinh doanh ngày càng tăng dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt về thị phần trong ngành này. Ngoài việc cạnh tranh phi kỹ thuật bằng cách mở rộng điều kiện điều khoản, hạ phí, đã trở nên khá phổ biến trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, thì việc dập khuôn sản phẩm, bắt chước cách phát triển kênh phân phối của nhau cũng là hiện tượng khá phổ biến.
Đối với các DN bảo hiểm nhân thọ, các sản phẩm bảo hiểm tuy đa dạng nhưng đều được thiết kế dựa trên những dòng sản phẩm cơ bản như tử kỳ (term life), hỗn hợp - tích lũy (endowment), liên kết chung (universal life)… Các DN dựa trên các dòng sản phẩm này để thiết kế ra những sản phẩm cho DN mình và đặt ra những tên gọi khác nhau.
Đại diện Công ty Bảo hiểm Bảo Minh cho rằng, sản phẩm bảo hiểm rất dễ "copy" nên việc các DN "nhái" sản phẩm của nhau là điều khó tránh khỏi. Lãnh đạo một DN bảo hiểm phi nhân thọ khác cũng thừa nhận, các DN bảo hiểm hiện nay không chỉ đau đầu về tình trạng "copy" sản phẩm mà ngay cả việc sáng tạo ra các kênh phân phối sản phẩm mới cũng rất dễ bị "sao y bản chính". Để phân phối các sản phẩm bảo hiểm, hiện nay trên thị trường mới chỉ có một số kênh phân phối thông dụng truyền thống. Đó là bán sản phẩm trực tiếp cho khách hàng, phân phối sản phẩm thông qua hệ thống đại lý, sử dụng mạng lưới phân phối qua ngân hàng (bancassurance) hoặc cung cấp sản phẩm qua môi giới bảo hiểm… Tất cả các hình thức phân phối sản phẩm nói trên đều yêu cầu các DN bảo hiểm phải đầu tư chi phí để đào tạo nguồn nhân lực, bên cạnh đó còn phải chi phí một khoản hoa hồng khá lớn cho đại lý hoặc môi giới bảo hiểm. Bán bảo hiểm trực tuyến có thể giúp tiết kiệm được hoàn toàn các chi phí này. Tuy nhiên, những DN đi tiên phong phát triển kênh phân phối này cũng nhận định, sản phẩm dự định bán trực tuyến là các sản phẩm bảo hiểm thông dụng, đơn giản, phù hợp với đối tượng khách hàng cá nhân, nhưng rất dễ dập khuôn và bắt chước. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng có sở hữu công ty bảo hiểm trên thị trường cũng khá nhiều, nên việc sao chép cách thức triển khai là điều không tránh khỏi.
Theo phân tích của một chuyên gia trong ngành bảo hiểm, hầu hết sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam hiện nay đều có nguyên mẫu từ nước ngoài, vì liên quan đến hoạt động tái bảo hiểm. Khi nhận tái bảo hiểm, đặc biệt là theo các hợp đồng mở sẵn (treaty), các nhà tái bảo hiểm sẽ có quy định về các quy tắc mà nhà bảo hiểm gốc phải tuân thủ để được bảo vệ. Trong trường hợp nhà bảo hiểm gốc tự thiết kế ra một quy tắc, sản phẩm mới, thì nhà tái bảo hiểm sẽ phải xem xét, thỏa thuận riêng. Chính vì lý do "mở" nên các sản phẩm bảo hiểm thông thường không thực hiện đăng ký bảo hộ sản phẩm như nhiều ngành kinh doanh khác. Tùy theo phân khúc thị trường và khách hàng mục tiêu, các công ty bảo hiểm sẽ lựa chọn các sản phẩm phù hợp để tư vấn cho khách hàng.
Trên thị trường Việt Nam, quy tắc sản phẩm bảo hiểm của các công ty cơ bản là giống nhau. Các công ty có thể thêm/bớt điều kiện, quyền lợi bảo hiểm để tăng độ hấp dẫn với khách hàng, tăng khả năng cạnh tranh và có thể đặt tên khác nhau để tạo thương hiệu. Với đặc thù riêng của mình, các DN bảo hiểm ngành thời gian qua cũng đã tận dụng khá tốt "lợi thế sân nhà" để phát triển các sản phẩm bảo hiểm phục vụ ngay trong ngành mà không lo bị "đụng hàng" và cạnh tranh như: Công ty Bảo hiểm SHB - Vinacomin (SVIC) có cổ đông chính là Tập đoàn Than - Khoáng sản; Công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC), Công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI); Công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI); Công ty Bảo hiểm Hàng không (VNI)…
Tuy nhiên, một chuyên gia trong ngành cho rằng, nếu các khách hàng đang là độc quyền của một số công ty bảo hiểm (ngành dầu khí của PVI, VNPT của PTI, Vietnam Airlines của VNI, ngành than của SVIC, quân đội của MIC...) muốn có sự cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ thì nhiều DN bảo hiểm khác vẫn có thể cung cấp sản phẩm. "Vì không thể độc quyền sản phẩm bảo hiểm nào đó, nên các DN bảo hiểm khác sẽ phải đi theo hướng cải tiến cách thức bán hàng để tạo sự khác biệt. Khác biệt chính lại là cách thức tư vấn, bán hàng và chất lượng dịch vụ của từng công ty chứ không phải là sản phẩm", lãnh đạo một DN bảo hiểm phi nhân thọ chia sẻ .
Là DN bảo hiểm nhân thọ đầu tiên đưa dòng sản phẩm liên kết chung vào thị trường Việt Nam và hiện nay sản phẩm này đã được phát triển khá phổ biến, ông Lâm Hải Tuấn, Tổng giám đốc ACE Life nói, "tôi không dùng từ sản phẩm 'copy', mà chỉ tạm gọi là sản phẩm… tương tự".
"Khi giới thiệu một sản phẩm mới, điều quan tâm nhất của chúng tôi là làm sao để sản phẩm thực sự thích ứng với thị trường. Ngoài ra, để thành công với bảo hiểm không chỉ có sản phẩm mà phải có yếu tố con người rất vững, có dịch vụ tốt và sâu xa hơn là một hệ thống đủ quy chuẩn để phục vụ tốt cho mỗi khách hàng. Đó mới là vấn đề mấu chốt cho sự thành công", ông Tuấn nhấn mạnh.
Ngọc Lan
Đầu tư chứng khoán
|