“Chua” như bồi thường bảo hiểm
“Chúng tôi đã gửi 16 công văn yêu cầu Công ty Bảo hiểm Nhà Rồng (Bảo Long) bồi thường 1,8 triệu USD nhưng đã hơn 6 tháng chỉ nhận được tạm ứng 10 tỉ đồng. Do thiếu hụt nguồn vốn sản xuất nên việc Bảo Long chậm trễ bồi thường đã gây thiệt hại cho chúng tôi”. Đó là nội dung phản ánh của Công ty Tôn Phước Khanh với Báo Người Lao Động.
Hứa hẹn
Ông Đỗ Văn Tơ, Giám đốc Công ty Tôn Phước Khanh, cho biết đã mua bảo hiểm loại A (bảo hiểm mọi rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng) của Bảo Long cho 2.589 tấn thép cuộn, giá trị 1,644 triệu USD. Ngày 3-11-2009, tàu Lucky Dragon vận chuyển lô hàng trên bị chìm tại vùng biển Đà Nẵng. Do thép cuộn khi gặp nước sẽ bị gỉ sét không sử dụng được nên Công ty Tôn Phước Khanh từ chối nhận hàng, yêu cầu Bảo Long bồi thường theo hợp đồng số 1A1011/0012/09-HSP5, số tiền bảo hiểm là: 1,644 triệu USD x 110% = 1,8 triệu USD. Tuy nhiên, Bảo Long chỉ hứa hẹn sớm hoàn tất hồ sơ giải quyết bồi thường vì chính quyền TP Đà Nẵng, chủ tàu chưa có ý kiến về việc trục vớt hàng hóa.
Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, thời hạn trả tiền bồi thường là trong vòng 15 ngày, kể từ ngày công ty bảo hiểm nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường. Điều 250 và 253 Luật Hàng hải cũng quy định bên được bảo hiểm có quyền từ bỏ hàng hóa trong trường hợp tàu biển bị chìm để nhận tiền bồi thường; trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được tuyên bố từ bỏ hàng hóa, công ty bảo hiểm phải có nghĩa vụ thông báo chấp nhận hay từ chối việc từ bỏ của bên được bảo hiểm.
Chôn vốn khách hàng
Thực tế, Công ty Tôn Phước Khanh đã nộp đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường (có xác nhận của Bảo Long), hai bên đã gặp nhau để bàn kế hoạch bồi thường. Theo đó, Công ty Tôn Phước Khanh đề nghị Bảo Long tạm ứng 50% số tiền bảo hiểm. Thế nhưng, đến ngày 21-12-2009, Bảo Long chỉ tạm ứng cho Công ty Tôn Phước Khanh 5 tỉ đồng và đến ngày 3-2-2010 tạm ứng thêm 5 tỉ đồng (chuyển vào tài khoản của Công ty Tôn Phước Khanh tại Vietcombank), cho thấy Bảo Long đã chấp nhận bồi thường song có phần kéo dài thời gian. “Do toàn bộ số tiền mua hàng là vốn vay nên tôi chấp nhận cho Vietcombank “giữ chân” 10 tỉ đồng để được ngân hàng này tiếp tục cho vay để nhập khẩu lô hàng khác. Bảo Long đã chậm trễ thanh toán tiền bồi thường khiến Công ty Tôn Phước Khanh bị chôn vốn” - ông Đỗ Văn Tơ than phiền.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Phó Tổng Giám đốc Bảo Long Trịnh Văn Hinh thừa nhận công ty phải có trách nhiệm bồi thường cho Công ty Tôn Phước Khanh trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, tàu Lucky Dragon chứa hàng chục ngàn tấn dầu, ảnh hưởng đến môi trường; chủ tàu và thuyền trưởng bỏ trốn nên việc giải trình nguyên nhân chìm tàu, xin phép trục vớt hàng hóa rất khó khăn. Ngày 21-5-2010, Bảo Long mới được UBND TP Đà Nẵng cho phép trục vớt, dự kiến hoàn tất trong vòng 15 ngày, sau đó sẽ thông quan để xác nhận số lượng hàng hóa. Ông Hinh cam kết trong tháng 6 và tháng 7-2010 sẽ tạm ứng thêm cho Công ty Tôn Phước Khanh một số tiền nhất định. Ngay khi đơn vị tái bảo hiểm chấp nhận hồ sơ tàu Lucky Dragon bị chìm do bão Miriane (tháng 11-2009), Bảo Long sẽ thanh toán dứt điểm số tiền bảo hiểm cho Công ty Tôn Phước Khanh.
Kêu cứu nhà quản lý
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, nếu công ty bảo hiểm bồi thường không đúng luật định, bên được bảo hiểm có thể khiếu kiện ra tòa.
Mới đây, tại hội nghị ngành bảo hiểm năm 2010, lãnh đạo Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết có quá nhiều vụ bồi thường bảo hiểm phải nhờ cục can thiệp, thời gian giải quyết bồi thường quá chậm, khách hàng thường phải gánh chịu thiệt hại. Các công ty bảo hiểm cũng đề xuất Bộ Tài chính quy định về quan hệ giữa doanh nghiệp bảo hiểm với khách hàng tại Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đây là quan hệ dân sự nên điều chỉnh trong Luật Dân sự.
|
Thy Thơ
Người lao động
|