Bảo hiểm phi nhân thọ : Cần một sân chơi bình đẳng
Thị trường bảo hiểm hiện nay có sự cạnh tranh rất gay gắt, đang có sự phân chia lại thị phần. Để tồn tại và phát triển mỗi DN Bảo hiểm cần có chiến lược phát triển lâu dài, một hướng đi riêng.
Cạnh tranh là động lực của sự phát triển, nhưng đó phải là sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Sự cạnh tranh không lành mạnh là nguyên nhân kìm hãm phát triển của DN nói riêng và thị trường nói chung.
Cạnh tranh lành mạnh
Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ VN hiện nay, sự cạnh tranh không lành mạnh còn tồn tại dưới các hình thức khác nhau. Những hành vi này trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của DN, gây tổn thất cho khách hàng và đem lại những nguy cơ tiềm ẩn cho sự phát triển của thị trường do trái với quy luật giá trị và quy luật cung cầu trong nền kinh tế thị trường. Theo ông Bùi Đức Song – TGĐ SVIC, điều quan trọng cho một DN khi tham gia thị trường là cần có một sân chơi bình đẳng, một sự cạnh tranh chính bằng nội lực của mình. Các Cty bảo hiểm ở VN cần nhìn thẳng vào thực tế, phải có cái nhìn xa hơn, rộng bơn, vì sự phát triển chung của ngành bảo hiểm. Muốn vậy, cần phải giải quyết một số vấn đề sau:
Thứ nhất, các DN cần nâng cao cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm dịch vụ, trong đó cần công khai minh bạch các chế độ quyền lợi của khách hàng. Có cơ chể kiểm soát hữu hiệu và cần tạo điều kiện để khách hàng cùng tham gia theo dõi, kiểm soát quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
Thứ hai, các DN cần tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh, phát luật kinh doanh bảo hiểm, các chính sách về cạnh tranh, chống độc quyền... bởi trước hết làm theo cách này cũng là một cách để xây dựng thương hiệu của DN mình trên thị trường.
Thứ ba, Hiệp hội bảo hiểm cần đóng vai trò là đơn vị kết nối, tuyên truyền và giám sát các DN thuộc hiệp hội trong công tác liên kết chống lại cạnh tranh thiếu lành mạnh trên thị trường bảo hiểm.
Thứ tư, Nhà nước cần hoàn thiện các quy chế, quy định nhằm giảm thiểu các hiện tượng cạnh tranh thiếu lạnh mạnh trên thị trường đồng thời thường xuyên theo sát diễn biến thị trường, tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm khắc các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trục lợi, không tuân thủ các yêu cầu tài chính…
Cuối cùng, để có một sân chơi bình đẳng hơn, thì sự cố gắng nỗ lực của từng cơ quan, đơn vị chưa đủ. Nó đòi hỏi phải có sự quan tâm phối hợp từ nhiều phía như: Nhà nước, các DNBH - Hiệp hội BH VN - và quan trọng là sự tham gia của khách hàng. Có vậy mới giảm thiểu được hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh và tạo ra một sân chơi ngày càng Công bằng - Bình đẳng - và phát triển bền vững.
Hướng đi riêng
Yếu tố cốt lõi đầu tiên đem lại những thành công trên của SVIC là việc chú trọng công tác xây dựng một đội ngũ nhân sự có chất lượng: chính trực, tận tâm với khách hàng, kỷ luật, đồng tâm và sáng tạo trong công việc vì mục tiêu phát triển chung của DN. Đến nay, đội ngũ nhân sự của SVIC có trên 85% cán bộ, chuyên viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm, trong đó ½ số cán bộ trên có thâm niên làm việc trong ngành bảo hiểm trên 10 năm và 100% cán bộ, chuyên viên có trình độ đại học và trên đại học. Với đội ngũ nhân sự trên, SVIC đã từng bước xây dựng và hình thành văn hóa doanh nghiệp với các giá trị cốt lõi mang tính khác biệt, tạo nền tảng phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Với hướng đi dó, năm 2009, vượt qua khó khăn, thử thách, SVIC từng bước chiếm lĩnh thị phần với doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 143 tỷ đồng và đứng vị trí thứ 17/27 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ VN. SVIC vinh dự có tên trong Top 100 DN Thương mại dịch vụ tiêu biểu năm 2009 (Top Trade Services Awards 2009) do Bộ Công Thương trao tặng.
Để luôn làm mới mình, SVIC đã nghiên cứu đưa ra hàng trăm sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường đồng thời có một hệ thống các chính sách quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008. Bên cạnh đó, SVIC chú trọng triển khai các chiến lược về xây dựng và phát triển thương hiệu, chiến lược mở rộng, phát triển thị trường trên nguyên tắc tiến hành phân khúc thị trường để đưa ra kế hoạch, lộ trình phát triển cụ thể nhằm từng bước xâm nhập các thị trường mục tiêu một cách hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của thị trường và nội lực của SVIC trong từng giai đoạn phát triển.
Với quan điểm hợp tác, chia sẻ để xây dựng thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển lành mạnh, SVIC đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Bảo Việt, Bảo Minh, PVI, PJICO và một số doanh nghiệp bảo hiểm khác. Những mối quan hệ hợp tác trên đã tạo cơ hội để SVIC tiếp cận, tham gia bảo hiểm cho các dự án lớn của Tập đoàn TKV và các TCty, Tập đoàn kinh tế lớn khác tại VN. Nhưng SVIC vẫn là một cty bảo hiểm còn non trẻ, do vậy vẫn cần có một triển lược phát triển lâu dài. Khi được hỏi vể kế hoạch phát triển trong thời gian tới, ông Song cho biết: SVIC sẽ tập trung hoàn thiện bộ máy tổ chức hoạt động trên cơ sở hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại. Chú trọng đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối bao gồm các chi nhánh, đại lý trên phạm vi cả nước song việc thành lập các chi nhánh được thực hiện theo nguyên tắc không dàn trải, có chọn lọc theo từng vùng và khu vực trọng điểm nhằm đảm bảo chính sách quản lý chất lượng, vấn đề nhân sự cũng như tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên viên theo hướng chuyên nghiệp và xây dựng, phát triển thương hiệu SVIC, nâng cao chất lượng dịch vụ là mối quan tâm chiến lược hàng đầu của Cty. Mục tiêu của SVIC trong giai đoạn 5 năm phát triển đầu tiên là từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh về năng lực tài chính, công nghệ và chất lượng dịch vụ, phấn đấu đứng trong Top 05 DN hàng đầu về chất lượng dịch vụ trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, đầu tư và dịch vụ tài chính tại VN.
Xuân Sơn
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|