Thứ Ba, 22/06/2010 10:22

Bảo hiểm nhân thọ sẽ đón nhận những “chiến binh” mới

Mức tăng trưởng kinh tế và thu nhập cá nhân tăng nhanh; thị trường bảo hiểm phát triển nhanh và có nhiều tiềm năng; số lượng các công ty đối thủ cạnh tranh ít và thị phần của các công ty liên doanh nước ngoài tại thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn tăng trưởng vững chắc là những nguyên nhân khiến thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ (BHNT) Việt Nam tiếp tục nằm trong tầm ngắm của các "đại gia" bảo hiểm lớn trên thế giới.

Ngoài sự hiện diện của Generali từ tháng 8/2009 khi chính thức được Bộ Tài chính trao Giấy phép đặt Văn phòng đại diện của Tập đoàn tại Việt Nam thì thị trường BHNT Việt Nam có thể sẽ tiếp tục đón nhận thêm những "chiến binh" mới theo hình thức liên doanh. Hiện tại, trong 11 công ty BHNT tại Việt Nam, hiện mới chỉ có Vietcombank-Cardif (thành lập năm 2008) là hoạt động theo hình thức liên doanh. Một nguồn tin đáng tin cậy cho biết, một số "cặp đôi" ngân hàng trong nước và hãng bảo hiểm nước ngoài nữa cũng đang trong giai đoạn đàm phán để tạo ra một liên doanh mới là Agribank với đối tác Sumitomo Life; Vietinbank với European Life… và mới đây nhất Công ty BHNT Meiji Yasuda của Nhật cũng đã có những cuộc tiếp xúc ban đầu với đối tác Việt Nam là BIDV.

Thực tế, mô hình kinh doanh ngân hàng liên kết bảo hiểm đã thực hiện rất thành công trên thế giới và chiếm tỷ trọng doanh thu phí rất lớn, đặc biệt là ở: Thái Lan, Indonesia và Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Hong Kong và Singapore. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mô hình ngân hàng liên kết bảo hiểm mới chỉ tạo ra khoảng 1% của toàn bộ mức đóng phí bảo hiểm nhân thọ, tỷ lệ này thậm chí còn thấp hơn cả xu hướng chung. Dù mới chỉ có một liên doanh ngân hàng-bảo hiểm, nhưng hiện tại hầu hết các công ty BHNT đều đã "bắt tay" với những đối tác ngân hàng có uy tín trong nước để bán sản phẩm bảo hiểm, thậm chí liên kết ngân hàng bảo hiểm cũng đã trở thành một xu hướng tất yếu của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Dù mối quan hệ kinh doanh giữa các ngân hàng và các công ty bảo hiểm đang phát triển nhưng thực tế chưa ghi nhận được kết quả rõ ràng.

Có ý kiến cho rằng, hạn chế này có thể do cơ sở nguồn lực của ngân hàng có thể chưa được chuẩn bị sẵn sàng, chẳng hạn như các chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ ngân hàng, kiến thức và kỹ năng của đội ngũ nhân viên kinh doanh, hệ thống công nghệ thông tin… Công ty bảo hiểm có thể chưa hiểu hết văn hóa ngành công nghiệp ngân hàng. Ngân hàng không muốn chia sẻ thông tin nguồn khách hàng với các công ty bảo hiểm. Trong khi đó, khoảng 90% các đơn bảo hiểm được bán dưới dạng sản phẩm tiết kiệm - trực tiếp cạnh tranh với sản phẩm tiết kiệm truyền thống của chính ngân hàng… Đó là những lý do khiến mối "lương duyên" giữa các ngân hàng và bảo hiểm chưa thực sự nồng thắm.

Về lý thuyết, sự kết hợp giữa một doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài và một ngân hàng trong nước có lợi thế khi thực hiện bán sản phẩm bảo hiểm qua các chi nhánh của ngân hàng bởi tận dụng được nhân sự và có bộ máy vận hành gọn nhẹ hơn so với công ty bảo hiểm thông thường. Tuy nhiên, mô hình sở hữu ½ vốn cũng có thể tạo ra những tranh cãi khi cả hai bên không đồng nhất một ý tưởng kinh doanh… Trong khi đó, loại hình công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài đã được Việt Nam cho phép từ lâu. Tất nhiên, xây mới hoàn toàn cũng không phải quá dễ dàng khi thị trường Việt Nam đã có những tên tuổi hiện diện hơn 10 năm có lẻ. Đến thời điểm này, mô hình liên doanh vẫn đang là đích ngắm của ít nhất 3 đối tác ngoại.

Tổng sản phẩm quốc nội tính trên đầu người tăng nhờ vào tỷ lệ tăng trưởng kinh tế bền vững; các công ty bảo hiểm vẫn làm ăn tốt ngay cả trong tình hình tỷ lệ lạm phát cao… là những lý do khiến thị trường bảo hiểm Việt Nam được dự đoán vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh với mức đóng bảo hiểm tăng 12,5% hàng năm từ 2010 đến 2020.

Dai-ichi Life Việt Nam, ACE Life, Korea Life Vietnam… mới thông báo tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý I/2010. Trong khi đó, Manulife Việt Nam cũng cho biết, vẫn giữ vị trí thứ ba trong thị trường BHNT tại Việt Nam trong quý I/2010 về doanh thu phí bảo hiểm thường niên của hợp đồng khai thác mới với hơn 88 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2009. Tổng doanh thu phí bảo hiểm và ký quỹ đạt 308 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2009. Số lượng đại lý đạt 6.655 người vào cuối quý I/2010, mức cao nhất kể từ quý II/2004 đến nay, tăng 20% tính đến thời điểm hiện tại.

Đại diện Manulife cho biết thêm, mức tăng trưởng chủ yếu trong quý I/2010 là do mệnh giá hợp đồng tăng, sự tăng trưởng mạnh của đội ngũ đại lý và đóng góp từ các kênh phân phối khác bao gồm dịch vụ bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng, tổng đại lý và bảo hiểm vi mô..

"Một thị trường đầy tiềm năng có cơ hội phát triển kinh doanh lớn" là những nhận xét không "đối ngoại" mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài nói về BHNT Việt Nam. Thực tế, trong 11 công ty BHNT tại thị trường Việt Nam, thì có tới 10 công ty BHNT là các công ty nước ngoài. Trong đó, ba công ty bảo hiểm đứng hàng đầu Prudential, Bảo Việt, Manulife hiện đang chiếm khoảng 80% thị phần. Dù các "đại gia" này cũng đã và đang giảm thị phần vào tay các công bảo hiểm mới tham gia thị trường. Tuy nhiên, xét đến lợi tức bảo hiểm, không những chỉ các công ty mới tham gia thị trường như ACE Life, Dai-ichi Life Việt Nam, Previor mà ngay cả công ty đứng đầu thị trường như Prudential vẫn đang tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng và bền vững.      

Ngọc Lan

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   AIA Việt Nam triển khai chương trình kiểm tra sức khỏe tài chính (21/06/2010)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ : Cần một sân chơi bình đẳng (20/06/2010)

>   Bảo hiểm nông nghiệp, cần cam kết của cả "ba nhà" (17/06/2010)

>   Bảo hiểm Bảo Việt tăng vốn lên 1.500 tỉ đồng (16/06/2010)

>   M&A bảo hiểm phi nhân thọ: Sóng ở Top trên (15/06/2010)

>   BMI: Bồi thường bảo hiểm qua trung tâm (15/06/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ tăng tần suất "phủ sóng" (14/06/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ: Bức tranh không chỉ toàn màu sáng (10/06/2010)

>   Thương vụ AIA bất thành không ảnh hưởng tới Prudential Việt Nam  (08/06/2010)

>   Bảo hiểm hợp tác với ngân hàng: Cần hành lang pháp lý (05/06/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật