Thứ Tư, 28/07/2010 23:18

DN bảo hiểm chủ động chống “thủy kích”

Do đặc thù dễ triển khai, số lượng xe cơ giới tại Việt Nam tham gia bảo hiểm ngày càng tăng, cơ chế chính sách về mảng bảo hiểm này ngày càng hoàn thiện và được thực hiện khá nghiêm túc.

Cho tới nay, bảo hiểm xe cơ giới vẫn là mảng nghiệp vụ chủ đạo của hầu hết DN bảo hiểm, đặc biệt là những công ty mới gia nhập thị trường.

Số liệu của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2010, doanh thu từ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm hơn 31% doanh thu phí của các DN bảo hiểm phi nhân thọ, đạt 2.489 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm 2009.

Các DN bảo hiểm dẫn đầu thị trường về mảng bảo hiểm xe cơ giới gồm: Bảo Việt, PJICO, Bảo Minh,  PVI.  Một số DN mới như MIC, Liberty, Bảo Long, SVIC có tốc độ tăng trưởng rất cao… Bên cạnh một số DN trong nước có lượng khách hàng trong ngành lớn như MIC, SVIC, hiện nay các DN bảo hiểm ngoại đang từng bước tạo nên sự khác biệt bằng cách chú trọng chất hơn lượng, nhằm thu hút khách hàng, mở rộng thị phần. Các DN này đã đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ hỗ trợ bán hàng qua mạng (collaborator), phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), mở rộng mạng lưới cứu hộ 24/24h trên phạm vi toàn quốc.

Mùa mưa đến cũng là lúc các công ty bảo hiểm bước vào một cuộc đua mới trong việc mang lại sự tin tưởng và hài lòng của khách hàng về bảo hiểm xe cơ giới. Cơn mưa lớn vừa qua xảy ra tại Hà Nội tuy chưa có số liệu thống kê chính xác từ các công ty bảo hiểm, nhưng theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, thiệt hại với chủ xe có thể lên tới nhiều tỷ đồng. Tuy nhiên, so với đợt mưa ngập năm 2008 (với với tổng chi trả đợt mưa năm 2008 của các DN bảo hiểm lên tới khoảng 50 tỷ đồng), thiệt hại này đã giảm đi rất nhiều bởi các DN bảo hiểm đã có sự chuẩn bị phòng tránh từ trước.

Tất nhiên, năm nay số người tham gia bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm thủy kích cũng tăng đáng kể. Dù Hiệp hội Bảo hiểm đã khuyến cáo các DN Bảo hiểm nên thận trọng với rủi ro thủy kích, vì khi bán bảo hiểm thủy kích, các đơn vị này phải nhận rủi ro rất lớn. Tuy nhiên, do sự cạnh tranh rất khốc liệt của thị trường, các DN đều phải tạo thêm quyền lợi để thu hút khách. Trên thị trường hiện nay, các công ty bảo hiểm đều bán bảo hiểm thủy kích dưới dạng gói bảo hiểm phụ, khách hàng phải trả tiền mua thêm nếu muốn. Hiện cũng có một số ít DN đưa gói bảo hiểm thủy kích vào điều khoản chuẩn của hợp đồng bảo hiểm vật chất xe mà khách hàng không cần phải mua bổ sung, nhằm chia sẻ rủi ro với khách hàng. Các công ty bảo hiểm cũng thừa nhận, bảo hiểm thủy kích là rủi ro và bản thân họ cũng có những giải pháp cùng khách hàng hạn chế tối đa mức tổn thất gây ra.

Là một DN có nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng 70 - 75% tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc, Liberty cũng là DN bán bảo hiểm thủy kích được thiết kế sẵn trong sản phẩm bảo hiểm ô tô Liberty AutoCare - đây là thế mạnh trong thu hút khách hàng mua bảo hiểm xe cơ giới của Liberty, nhưng gói sản phẩm này cũng có thể mang đến nhiều rủi ro cho Công ty. Chính vì thế, Liberty cũng phải không ngừng chạy đua với thời tiết để tư vấn thông tin, giúp khách hàng bảo vệ "xế". Không chỉ liên tiếp mở nhiều đợt tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Liberty đã ra mắt tổng đài đa năng (call center) với đầy đủ thông tin chi tiết về từng khách hàng. Tổng đài này đã hoạt động rất hiệu quả trong việc giúp khách hàng giải quyết tình huống khi sự cố xảy ra. Cũng nhờ vậy mà Liberty có thể giảm thiểu chi phí bồi thường cho khách hàng.

Sáu tháng đầu năm 2010, tỷ lệ bồi thường của Bảo Minh có xu hướng giảm ở tất cả các nhóm nghiệp vụ. Tổng số tiền bồi thường là 397 tỷ đồng, chiếm 34,5% doanh thu (tỷ lệ này cùng kỳ năm trước 49,3%). Tỷ lệ bồi thường xe cơ giới cũng giảm 49,1% (so với cùng kỳ năm 2009 là 54,7%). Để chuyên nghiệp hóa trong lĩnh vực giải quyết bồi thường xe ô tô tại TP. HCM, Bảo Minh cũng chính thức ra mắt Trung tâm bồi thường bảo hiểm xe ô tô TP. HCM và sẽ tiếp tục thành lập thêm trung tâm bồi thường tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng…

Đại diện BIC cho biết, tính tới ngày 26/7/2010, Công ty chỉ nhận được thông báo 2 vụ bồi thường xe cơ giới với tổn thất nhỏ và thiệt hại không đáng kể tại địa bàn Hà Nội do cơn mưa vừa qua. Sở dĩ có tỷ lệ khá nhỏ này do dựa trên dự báo qua các phương tiện thông tin đại chúng, BIC đã có thông báo, gọi điện trực tiếp cho khách hàng (đặc biệt là các khách hàng có mua bổ sung điều kiện thủy kích) để khuyến cáo họ cẩn thận khi sử dụng xe, hướng dẫn biện pháp phòng tránh hợp lý và xử lý tình huống nếu chẳng may có tổn thất. Thêm vào đó, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc quản lý rủi ro, BIC đã thực hiện đánh giá, lựa chọn rủi ro trước khi chấp nhận bảo hiểm.

"Mặc dù doanh thu bảo hiểm xe cơ giới chiếm 32% tổng doanh thu phí bảo hiểm của BIC, nhưng các đối tượng khách hàng tham gia bảo hiểm đều đã được tư vấn rõ ràng về điều kiện, điều khoản bảo hiểm, được tư vấn để phòng tránh rủi ro, nhờ vậy thiệt hại sau các cơn bão không đáng kể", đại diện BIC chia sẻ.

Ngọc Lan

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   DN bảo hiểm: Chân ngoài dài hơn chân trong! (27/07/2010)

>   AIA Việt Nam ra mắt loại hình bảo hiểm mới (25/07/2010)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ tìm “cú hích” (25/07/2010)

>   Cathay Life Việt Nam đạt doanh thu gần 51 tỷ đồng (24/07/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ đón nhận nhiều khách VIP (17/07/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ “tăng tốc” cuối năm (15/07/2010)

>   Mưa lớn khiến bảo hiểm xe hơi thiệt hại nhiều tỷ đồng (13/07/2010)

>   Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (13/07/2010)

>   Sản phẩm bảo hiểm “made in Vietnam”: Bao giờ phong phú hơn? (13/07/2010)

>   Thách thức trong kinh doanh bảo hiểm cháy nổ và rủi ro đặc biệt (10/07/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật