Thứ Ba, 24/08/2010 07:47

Bảo hiểm phi nhân thọ, “sóng ngầm” cạnh tranh

Bên cạnh bề nổi là con số doanh thu 8.241 tỷ đồng và tăng trưởng 28% trong 6 tháng đầu năm 2010 (theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm), trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, “con sóng ngầm” cạnh tranh vẫn tiếp tục diễn ra gay gắt bất chấp bài học thua lỗ về kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm trong những năm 2008 - 2009 cũng do cạnh tranh bằng hạ phí, mở rộng điều khoản điều kiện bảo hiểm để giành giật khách…

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (đề nghị không nêu tên) thừa nhận, tình hình cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam đang ngày càng khó kiểm soát. Nếu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đa phần là công ty 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh, sử dụng các chương trình định phí bảo hiểm theo chuẩn công nghệ quốc tế thì với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lại khác hẳn. Có đến 19/28 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường là doanh nghiệp Việt Nam, thị trường phát triển tương đối tự phát và chưa có tiêu chuẩn nhất định để định phí. Việc chào phí bảo hiểm cho một dịch vụ thường chỉ dựa trên kinh nghiệm thị trường và chiến lược của từng công ty để chiếm lĩnh thị phần.

Trong khi đó, như một tiền lệ, những doanh nghiệp nhỏ mới ra đời, để đảm bảo được mục tiêu giành khách hàng và chiếm lĩnh thị phần, không có biện pháp nào khác là hạ phí đến mức phi kỹ thuật. Việc này ảnh hưởng rất nhiều đến sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, phá vỡ tính kỹ thuật trong việc định phí và nhiều khi gây ảnh hưởng đến chính bản thân khách hàng, vì phí thấp không đồng nghĩa với việc có chất lượng dịch vụ khách hàng tốt, cũng như không đảm bảo có chương trình tái bảo hiểm an toàn để đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp trong trường hợp xảy ra tổn thất lớn. Tổng giám đốc một công ty bảo hiểm thuộc Top 10 hiện nay từng chia sẻ rằng, mức phí một số sản phẩm của doanh nghiệp này đã được tính toán sát sàn trước khi áp dụng, nhưng có những doanh nghiệp khác còn lấy mức phí này rồi trừ thêm 20 -30% nữa để làm mức phí áp dụng cho đơn vị mình.

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng tiết lộ, tỷ lệ phí bảo hiểm hiện nay đã giảm tới mức phi kỹ thuật. Đơn cử, phí bảo hiểm cho nghiệp vụ xây dựng lắp đặt đã giảm khoảng 20 - 30% so với mức phí áp dụng cho cùng loại công trình cách đây 5 năm; phí áp dụng cho sản phẩm bảo hiểm mọi rủi ro tài sản cũng đã giảm khoảng 30 - 40%. Tương tự như vậy, mức phí áp dụng cho bảo hiểm xe cơ giới và tai nạn cá nhân cũng giảm khoảng 30 - 40% và thấp hơn mức phí bình quân của các nước trong khu vực khoảng 50%. Tuy nhiên, xét về mặt dòng sản phẩm, đối với nghiệp vụ tài sản kỹ thuật, việc định phí còn phụ thuộc vào mức phí tiêu chuẩn đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của các công ty nhận tái bảo hiểm nước ngoài, nên việc cạnh tranh vẫn nằm trong giới hạn cho phép và có thể kiểm soát được.

“Nhưng đối với nghiệp vụ xe cơ giới và tai nạn con người, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể chủ động hơn trong việc định phí, vì các rủi ro của các nghiệp vụ này nằm trong mức giữ lại của các doanh nghiệp. Thêm vào đó, đây là 2 nghiệp vụ có số đông và chiếm phần lớn doanh thu của các doanh nghiệp (trên 40%). Chính vì vậy, bảo hiểm xe cơ giới và tai nạn con người là dòng sản phẩm có sự cạnh tranh về phí gay gắt nhất”, vị này chia sẻ.

Thực tế, việc định phí bảo hiểm theo đúng yêu cầu về kỹ thuật nghiệp vụ phải tính đến rất nhiều yếu tố: tính chất và địa điểm của từng rủi ro, lịch sử tổn thất của nghiệp vụ và của khách hàng, chương trình tái bảo hiểm, bên cạnh đó là chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp bảo hiểm. Nếu chỉ quan tâm đến việc giành giật khách hàng mà bỏ qua các yếu tố về kỹ thuật nghiệp vụ, chắc chắn doanh nghiệp sẽ bị lỗ kỹ thuật. Tất nhiên, khi mới thành lập, để đáp ứng yêu cầu chiếm lĩnh thị phần và có được nguồn khách hàng ban đầu, một số doanh nghiệp buộc phải lựa chọn biện pháp cạnh tranh bằng cách hạ phí. Tuy nhiên, khi đã có nguồn khách hàng tương đối ổn định và hướng đến sự phát triển bền vững, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ phải chú trọng đến tính hiệu quả. Trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam hiện nay, chỉ có khoảng 50% doanh nghiệp có lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, các doanh nghiệp còn lại hầu như chỉ lấy thu nhập từ hoạt động đầu tư bù lỗ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Các doanh nghiệp lớn trong top 10 đã chuyển hướng từ phát triển theo quy mô sang phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững. Chính vì vậy, tình trạng cạnh tranh bằng việc hạ phí sẽ không thể tồn tại lâu dài và không phải là hướng cạnh tranh có hiệu quả.

Thêm vào đó, tỷ lệ phí bảo hiểm đã giảm đến mức phi kỹ thuật và các doanh nghiệp khó có thể chấp nhận mức phí bảo hiểm thấp hơn so với đặc thù rủi ro của thị trường Việt Nam. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng cảnh báo, hạ phí bảo hiểm thì dễ nhưng tăng phí là việc vô cùng khó khăn, một doanh nghiệp bảo hiểm tăng phí đi liền với giảm doanh thu, mất khách hàng, nếu đồng loạt tăng phí thì vi phạm Luật Cạnh tranh.

Ngọc Lan

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp bảo hiểm phải lập quỹ rủi ro (23/08/2010)

>   Công ty bảo hiểm “sợ” bảo hiểm nông nghiệp (23/08/2010)

>   Bảo hiểm: Hấp dẫn mức lãi suất  (21/08/2010)

>   AIA Việt Nam khai trương văn phòng tại Phú Thọ (20/08/2010)

>   Gia tăng các doanh nghiệp hầu tòa do nợ bảo hiểm xã hội (20/08/2010)

>   Cơ quan nào chủ trì soạn thảo luật Bảo hiểm tiền gửi? (19/08/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ: 6/10 yêu cầu bồi thường bị từ chối (19/08/2010)

>   Nhiều người Việt mua bảo hiểm triệu đô (17/08/2010)

>   Bảo hiểm 6 tháng đầu năm: Những gam màu tối (16/08/2010)

>   Ngôi đầu doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ có chủ mới: PVI (14/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật