Thứ Bảy, 28/08/2010 15:05

Bảo hiểm con người: Mỗi “nhà” một lối đi riêng

Đứng thứ 4/12 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ về doanh thu khai thác, nghiệp vụ bảo hiểm con người (bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm sức khỏe) vẫn tiếp tục là một trong những sản phẩm chủ lực của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2010, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã đạt doanh thu 931 tỷ đồng, tăng trưởng 30,5%. Dẫn đầu là Bảo Việt với 371 tỷ đồng; tiếp đến là Bảo Minh, 170 tỉ đồng; PVI, 100 tỷ đồng; Chartis, 36 tỷ đồng và PJICO, 35 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng phát triển sản phẩm bảo hiểm mới gắn quyền lợi về chăm sóc y tế, thương tật, tử vong cao hơn, hấp dẫn với khách hàng có thu nhập khá giả, muốn bổ sung cho chế độ bảo hiểm y tế của Nhà nước, hoặc người sử dụng lao động (doanh nghiệp) muốn quan tâm đến người lao động nhiều hơn để động viên, giữ chân họ.

Dù hiện tượng trục lợi bảo hiểm vẫn xảy ra khi các doanh nghiệp bảo hiểm chưa thể kiểm soát chặt chẽ khâu điều trị như có người vẫn đi làm mà vẫn có được hồ sơ nằm viện, có người cho người thân mượn thẻ điều trị chất lượng cao mà chưa được kiểm soát... Nhưng nhìn chung, tỷ lệ bồi thường toàn thị trường đã giảm đáng kể và tỷ lệ bồi thường của từng doanh nghiệp bảo hiểm đã có chuyển biến theo hướng tích cực do có sự thận trọng hơn trong khai thác bảo hiểm. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, số tiền đã giải quyết bồi thường là 284 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 31%. Các doanh nghiệp có tỷ lệ bồi thường cao là Bảo Long (83%), PJICO (74%), BIC (74%), Bảo Minh (63%), Liberty (60%), Vass (60%), AAA (52%), MIC (45%), SVIC (41%).

Đối với nghiệp vụ bảo hiểm tai nạn, nghiệp vụ này có thị phần khá lớn là bảo hiểm học sinh, hiện chủ yếu do 3 công ty khai thác là Bảo Việt, Bảo Minh và Pjico. Thị phần đã được phân chia và ổn định, tình hình tổn thất bảo hiểm học sinh sau thời kỳ không kiểm soát cũng dần được ổn định hơn nhờ các công ty bảo hiểm siết chặt quản lý bồi thường, tách bảo hiểm giáo viên ra khỏi bảo hiểm học sinh.

Trong khi đó, đối với nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, theo một nguồn tin, đa số công ty có doanh thu lớn về loại hình bảo hiểm này đều lỗ, trong đó, nhiều đơn riêng lẻ lỗ nặng. Nguyên nhân là các đơn bảo hiểm sức khỏe trách nhiệm cao có tỷ lệ bồi thường không kiểm soát được do không có hạn chế cụ thể trong các điều kiện bảo hiểm, các đơn vị tham gia bảo hiểm dần nắm được cách truy đòi bảo hiểm, các đơn bảo hiểm người thân có phạm vi bảo hiểm rộng quá, các đơn vị khám chữa bệnh lợi dụng bảo hiểm để tăng doanh thu, các môi giới bảo hiểm làm nhiệm vụ giải quyết bồi thường tìm cách lấy tiền của công ty bảo hiểm, lương cho thời gian nghỉ bị lạm dụng, như tăng lương đột biến trước khi nằm viện, câu kết với bác sỹ khai tăng thời gian nằm viện… Vấn nạn này khiến một số công ty bảo hiểm đang muốn tự lập một trung tâm giải quyết bồi thường bảo hiểm sức khỏe để quản lý chi phí và tiền bồi thường. Trong khi đó, các công ty bảo hiểm khác cũng đang cố gắng tiếp cận bảo hiểm theo thế mạnh riêng, vừa để phát triển mạnh mảng dịch vụ này nhưng một phần để hạn chế tối đa tổn thất bồi thường.

Chartis triển khai bảo hiểm du lịch trách nhiệm cao và bảo hiểm sức khỏe cho người nước ngoài với mức trách nhiệm cố định, điều kiện bảo hiểm cố định, không thêm thắt, bổ sung để dễ quản lý, nên tuy lượng khách hàng ít nhưng doanh thu cao.

Mô hình khai thác của ABIC là lấy các cán bộ tín dụng làm cơ sở, chỉ bán bảo hiểm tai nạn cho các đối tượng vay ngân hàng. Do đội ngũ tín dụng quản lý số lượng khách vay lớn (2.000 khách/cán bộ), lao động vất vả, lương thấp nên họ rất tích cực trong bán bảo hiểm tai nạn kèm gói vay, đồng thời do gắn trách nhiệm khoản vay với bảo hiểm nên họ lựa chọn khách hàng rất cẩn thận.

MIC có gói sản phẩm bảo hiểm tai nạn quân nhân (thực chất là đơn bảo hiểm tai nạn), bán cho các quân nhân tại vùng sâu, vùng xa, phi công… Sau 1 năm triển khai, có nhiều vụ bồi thường khá nổi, nên khả năng tăng doanh thu khi tái tục là rất cao…

Thời gian gần đây, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng "đá lấn" sang sân của bảo hiểm phi nhân thọ như AIA Việt Nam bảo hiểm tai nạn xe gắn máy, ACE Life bảo hiểm tai nạn toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang nỗ lực đa dạng các sản phẩm để tiếp cận mọi đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, người Việt Nam vẫn chỉ nghĩ đến bảo hiểm nhân thọ như một phương thức tiết kiệm dài hạn hơn là những quyền lợi bảo vệ đi kèm khác, mặc dù ý thức về các quyền lợi kèm theo này đã tăng lên. Do đó, chưa thể khẳng định các công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ thành công khi đưa ra những sản phẩm thuần túy bảo vệ như vậy.

Ngọc Lan

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Tránh “mắc cạn” khi mua bảo hiểm (26/08/2010)

>   “Nóng” chuyện mở quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm (26/08/2010)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ, “sóng ngầm” cạnh tranh (24/08/2010)

>   Doanh nghiệp bảo hiểm phải lập quỹ rủi ro (23/08/2010)

>   Công ty bảo hiểm “sợ” bảo hiểm nông nghiệp (23/08/2010)

>   Bảo hiểm: Hấp dẫn mức lãi suất  (21/08/2010)

>   AIA Việt Nam khai trương văn phòng tại Phú Thọ (20/08/2010)

>   Gia tăng các doanh nghiệp hầu tòa do nợ bảo hiểm xã hội (20/08/2010)

>   Cơ quan nào chủ trì soạn thảo luật Bảo hiểm tiền gửi? (19/08/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ: 6/10 yêu cầu bồi thường bị từ chối (19/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật