Thứ Ba, 07/09/2010 07:36

Bancassurance vẫn ở dạng thăm dò thị trường

Trong một vài năm gần đây, các sản phẩm bảo hiểm theo loại hình bancassurance đã nhanh chóng trở nên rất phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn châu Á.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong tình hình nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, các DN bảo hiểm sẽ quan tâm đến việc lợi nhuận họ thực sự thu được từ kênh phân phối này là bao nhiêu hơn là việc chỉ để mở rộng thị phần; đồng thời, một số DN bảo hiểm cũng có cách nhìn mới về mối quan hệ hợp tác bán sản phẩm với ngân hàng.

Hiện ở Việt Nam vẫn chưa có khái niệm chuẩn về bancassurance. Thông thường, các công ty bảo hiểm ở Việt Nam định nghĩa, cứ khai thác thị phần qua hệ thống ngân hàng thì gọi là bancassurance, dẫn tới việc không phản ánh đúng thực tế phát triển của loại hình này.

Đối với khối bảo hiểm nhân thọ, bancassurance đang được phát triển mạnh tại các đơn vị như AIA Việt Nam, Prudential... Tuy nhiên, đây mới chỉ là hình thức sơ khai của kênh bán bảo hiểm này như: đặt quầy giao dịch tại các ngân hàng, cho phép khách hàng thanh toán phí bảo hiểm và vấn tin phí bảo hiểm qua hệ thống tài khoản ngân hàng... Một số ít công ty đã triển khai được các sản phẩm kết hợp giữa sản phẩm ngân hàng và bảo hiểm nhân thọ, nhưng doanh thu mang lại không nhiều mà chỉ mang ý nghĩa quảng bá và mở rộng thị phần là chính.

Đối với các DN bảo hiểm phi nhân thọ, bancassurance đã phát triển mạnh tại Bảo Việt và BIC, mới đây PTI và Bảo Minh đã tuyên bố bước vào cuộc đua này. Tuy nhiên, một chuyên gia trong ngành cho rằng, do việc định nghĩa bancassurance khác nhau giữa các công ty nên khó so sánh đơn vị nào mạnh hơn trong việc phát triển mảng này.

Ở các nước phát triển, ngân hàng chỉ có nhiệm vụ cung cấp thông tin, còn các công ty bảo hiểm phải là người đi cấp đơn bảo hiểm. Trong khi ở Việt Nam, việc này chưa được phân định rạch ròi. Chẳng hạn như, Bảo Việt định nghĩa tất cả các sản phẩm bán qua kênh ngân hàng đều được gọi là bancassurance; trong khi BIC chỉ định nghĩa các sản phẩm được khai thác bởi phần mềm bán bảo hiểm qua ngân hàng mới được gọi là kênh bancassurance (thực tế, nếu tính chung cả kênh khai thác qua ngân hàng của BIC thì chiếm hơn 50% doanh thu của công ty này, vì BIC là thành viên của BIDV, nên ngay từ khi Công ty được thành lập, nguồn thu qua kênh ngân hàng đã chiếm phần lớn). BIC đang triển khai 8 sản phẩm qua kênh bancassurance tại 109 chi nhánh của BIDV trên toàn quốc, mạng lưới ngân hàng liên kết cũng đã mở rộng thêm các ngân hàng khác như Seabank, Bắc Á, Phương Đông, VRB, VP Bank…

Từ ngày 1/9 đến ngày 29/11/2010, BIC sẽ triển khai chương trình tặng quà mang tên "Nhận quà may mắn cùng Bancas" dành cho khách hàng cá nhân khi mua bảo hiểm BIC tại hệ thống BIDV trên toàn quốc. Theo đó, khi khách hàng mua các sản phẩm bảo hiểm do BIC cung cấp tại bất kỳ điểm giao dịch nào của BIDV như: bảo hiểm xe máy, bảo hiểm ô tô (phần tự nguyện), bảo hiểm con người 24/24, bảo hiểm nhà tư nhân, bảo hiểm cho người vay vốn BIC Bình An, với mức cứ mỗi 300.000 đồng phí sẽ nhận được một mã số dự thưởng để tham gia chương trình khuyến mại dự thưởng "Nhận quà may mắn cùng Bancas"…

Prudential hiện đang hợp tác với khoảng 5 - 6 ngân hàng thương mại trong nước để bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng, nhưng thời gian gần đây, các hoạt động mở rộng hợp tác với ngân hàng có vẻ như đang chững lại. Từ đầu năm đến nay, công ty này chưa ký kết thêm với ngân hàng nào. Prudential đang đẩy mạnh phát triển hệ thống tổng đại lý và kênh bán hàng qua điện thoại. Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2010, kênh hợp tác phát triển kinh doanh của Công ty tăng trưởng rất mạnh với doanh thu phí bảo hiểm quy năm từ hoạt động mới phát hành là 46 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, kênh bancassurance tăng 120% và kênh bán hàng qua điện thoại tăng 73%. AIA cũng đang có dự định hợp tác thêm với một số ngân hàng trong tương lai gần.

Chưa từng hợp tác với "nhà băng" nào và từ đầu năm 2010 đến nay, Dai-ichi Life Việt Nam cũng liên tục phát triển các văn phòng và văn phòng tổng đại lý mới. Nhưng theo một nguồn tin, Dai-ichi Life Việt Nam cũng đang có kế hoạch "bắt tay" với những ngân hàng uy tín để phát triển kênh bán hàng bancassurance. Những DN mới vào thị trường như Korea Life Vietnam cũng đang rất quan tâm đến kênh phân phối này. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là kế hoạch, vì theo một nguồn tin thì trong năm nay, Korea Life Vietnam vẫn chưa có kế hoạch hợp tác với ngân hàng nào.

Thực tế, đối với các DN bảo hiểm đang có quan hệ hợp tác chiến lược với ngân hàng theo hướng theo hướng có sở hữu cổ phần của nhau thì việc kinh doanh theo kênh này sẽ gặt hái nhiều thành công hơn. Còn những DN bảo hiểm mà đối tác ngân hàng đơn thuần chỉ là người phân phối sản phẩm thì thu được ít lợi nhuận hơn, bởi họ ít có quyền kiểm soát việc bán hàng của ngân hàng. Chính vì vậy, tập trung cho việc duy trì và tăng cường hệ thống đại lý bảo hiểm truyền thống vẫn là chiến lược mà các DN theo đuổi trong thời buổi khó khăn này.

Ngọc Lan

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Đại lý bảo hiểm: 80% bỏ việc từ năm đầu tiên (02/09/2010)

>   Cạnh tranh khai thác bảo hiểm xe cơ giới vào hồi khốc liệt (31/08/2010)

>   Bảo hiểm con người: Mỗi “nhà” một lối đi riêng (28/08/2010)

>   Tránh “mắc cạn” khi mua bảo hiểm (26/08/2010)

>   “Nóng” chuyện mở quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm (26/08/2010)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ, “sóng ngầm” cạnh tranh (24/08/2010)

>   Doanh nghiệp bảo hiểm phải lập quỹ rủi ro (23/08/2010)

>   Công ty bảo hiểm “sợ” bảo hiểm nông nghiệp (23/08/2010)

>   Bảo hiểm: Hấp dẫn mức lãi suất  (21/08/2010)

>   AIA Việt Nam khai trương văn phòng tại Phú Thọ (20/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật