Bảo hiểm xe cơ giới: Thấy gì từ những con số?
Theo thống kê chưa đầy đủ, mấy năm trở lại đây, mỗi năm ở nước ta xảy ra trung bình gần 15.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ, khiến trên 12.500 người tử vong và cũng gần bằng ấy người bị thương tật.
Điều đáng quan tâm là đa số những người bị tử vong do tai nạn giao thông đường bộ nằm trong lứa tuổi 15 - 45, độ tuổi làm ra nhiều của cải nhất cho xã hội, là trụ cột về kinh tế của các gia đình và trong số người bị chết có gần 2.000 là trẻ em.
Để giảm bớt tai nạn giao thông, bên cạnh việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng phương tiện vận tải, tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành luật lệ giao thông, Nhà nước đã áp dụng các biện pháp chế tài mạnh mẽ đối với những hành vi cố tình vi phạm pháp luật về giao thông. Cùng với đó, về mặt tài chính, Nhà nước đã tổ chức và khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN bảo hiểm tiến hành và phát triển các dịch vụ bảo hiểm xe cơ giới.
Trong các loại hình bảo hiểm xe cơ giới thì ngay từ ngày 10/3/1988, Nhà nước đã ban hành chế độ bảo hiểm bắt buộc đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe. Còn bảo hiểm thân xe hay vật chất xe, bảo hiểm tai nạn lái phụ xe và người ngồi trên xe… là các loại hình bảo hiểm tự nguyện.
Đối với một đất nước có tới trên 20 triệu xe gắn máy, thu nhập của người lao động chưa cao, ý thức chấp hành luật lệ của đa số người tham gia giao thông còn thấp, thì việc bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới nhằm đảm bảo quyền được bồi thường của người bị nạn trong mọi trường hợp là cần thiết . Các quy định về chế tài, xử phạt đối với chủ xe cơ giới tham gia giao thông không mua bảo hiểm đã khiến cho số người tham gia bảo hiểm ngày càng nhiều.
6 tháng đầu năm 2010, doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới tại 28 DN bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam đạt trên 2.516 tỷ đồng, thị phần cao nhất thuộc về Bảo Việt 25,92%, kế tiếp là PJICO 14,86%, Bảo Minh 11,97% và PVI 11,61%. Đây là loại hình bảo hiểm có doanh thu cao nhất trong số các nghiệp vụ bảo hiểm mà các DN bảo hiểm tại Việt Nam triển khai.
Để có được trên 10 triệu xe gắn máy được bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe, các DN bảo hiểm đã sử dụng một lượng lớn lao động không chuyên, gọi là đại lý, để phân phối sản phẩm bảo hiểm này đến người sử dụng xe. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đã có hàng ngàn người có thu nhập thêm từ việc cộng tác với các DN bảo hiểm.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, các DN bảo hiểm đã chi 1.074 tỷ đồng để bồi thường cho các đối tượng được bảo hiểm xe cơ giới không may bị tai nạn. Đây là tỷ lệ tương đối cao nếu biết rằng trách nhiệm bồi thường của các DN bảo hiểm cho các chủ xe mua bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2010 còn kéo dài tới giữa năm 2011 và còn hàng ngàn hồ sơ tai nạn chưa được giải quyết do chưa hoàn thiện thủ tục hay tai nạn mới xảy ra. Điều này giải thích tại sao các DN bảo hiểm triển khai dịch vụ bảo hiểm này có khả năng sẽ không có lãi trong năm tài chính 2010.
Vì sao số chủ xe tham gia bảo hiểm đông như vậy, doanh thu phí bảo hiểm cao, mà các DN bảo hiểm vẫn không có lãi từ hoạt động này?
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến đó là tần suất xảy ra tai nạn quá lớn, nhất là đối với bảo hiểm vật chất xe. Không ít chủ xe ôtô con, chỉ trong một năm đã tới công ty bảo hiểm 3 lần để đề nghị được “làm bảo hiểm” do xe bị nạn, nhỏ thì xước vỏ, vỡ kính, lớn thì méo bẹp…, số tiền mà DN bảo hiểm phải bồi thường gấp nhiều lần số phí mà các chủ xe này đã nộp khi mua bảo hiểm. Xe bị nạn là do tay lái của không ít người còn kém, tự gây hư hại xe ngay cả khi đưa xe vào “chuồng”. Nhưng đa phần, đáng buồn cho các DN bảo hiểm bị “chi tiền oan”, là khi xe ôtô được bảo hiểm dừng chờ đèn tín hiệu giao thông, bị các chủ xe máy cố len lách lao lên trước va quệt.
Số người thiệt mạng, số xe bị hư hại nặng do lái xe cố tình vi phạm luật lệ giao thông, vượt đèn đỏ, vượt đường ngang đường dành cho tàu hỏa cũng gia tăng, với mức độ trầm trọng hơn. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, việc bồi thường thiệt hại về con người đa phần không tính tới lỗi của chủ xe, lái xe. Trách nhiệm của các DN bảo hiểm trong trường hợp chết người là 50 triệu đồng/người.
Một nguyên nhân khác đó là các garage tăng giá dịch vụ sửa chữa khi biết xe được bảo hiểm mà chủ xe không phản ứng như khi không được bảo hiểm. Có những chi tiết, bộ phận có thể sửa chữa, nhưng chủ xe và garage đồng thuận yêu cầu thay để garage bán được phụ tùng, xe cũ được thay phụ tùng mới, chất lượng hơn. Mặc dù bị trừ chi phí khấu hao, nhưng nhìn chung, thiệt hại vẫn thuộc DN bảo hiểm.
Hiện tượng trục lợi bảo hiểm từ phía chủ xe diễn ra ngày càng nhiều, khi xe bị tai nạn mới mua bảo hiểm, rồi tìm mọi cách để ghi lùi ngày xảy ra tai nạn; xe bị tai nạn do nguyên nhân không được bảo hiểm, nhưng lại tạo hiện trường giả hay tìm cách để được bồi thường với sự tiếp tay của cán bộ bảo hiểm và những người có trách nhiệm khác.
Hiện tượng khác cũng đáng lo ngại là tình trạng tranh chấp tại Tòa án giữa các DN bảo hiểm và người được bảo hiểm xe cơ giới ngày càng tăng, mà phần thua thiệt chủ yếu là các công ty bảo hiểm. Chẳng hạn, chủ xe chưa nộp phí bảo hiểm thì chưa phát sinh trách nhiệm bảo hiểm, nhưng Tòa vẫn phán bảo hiểm phải bồi thường. Xe bị tai nạn do lỗi kỹ thuật, không đủ điều kiện lưu hành, DN bảo hiểm cũng bị buộc phải bồi thường. Có những vụ mà DN bảo hiểm rất khó xử lý khi người lái xe máy lơ đãng tự lao vào xe ôtô đỗ trên đường, chết người, có kết luận của cảnh sát giao thông, nhưng chủ xe vẫn đòi bồi thường. Không ít trường hợp xe ôtô tự gây tai nạn, nhưng chủ xe không thông báo cho cảnh sát giao thông, cũng có trường hợp cảnh sát giao thông được thông báo nhưng không tới để lập biên bản hiện trường, với lý do xe không gây thiệt hại cho người thứ ba, khiến cho các DN bảo hiểm không nắm được nguyên nhân và không có cơ sở để bồi thường, làm vụ việc kéo dài, gây tranh cãi, kiện tụng.
Để hoạt động bảo hiểm xe cơ giới ngày càng tốt hơn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các DN bảo hiểm và lực lượng cảnh sát giao thông. Lực lượng cảnh sát giao thông nên tăng cường kiểm tra việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe bằng các hình thức kiểm tra tại các bãi giữ gửi xe, cổng các công sở khi tan tầm…, xử phạt nghiêm khắc những người không mua bảo hiểm, tạo thói quen chấp hành pháp luật của công dân.
Các DN bảo hiểm, thông qua Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn người tham gia bảo hiểm các thủ tục cần thiết khi yêu cầu bảo hiểm bồi thường, tránh việc mua bảo hiểm thì dễ, nhưng khi bị nạn thì mỏi mắt chờ không thấy bảo hiểm.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nên sớm cùng các DN bảo hiểm có trang thông tin về giá cả sửa chữa xe cơ giới một cách chi tiết, tránh để DN bảo hiểm bị lợi dụng hay trục lợi.
Điều quan trọng là các DN bảo hiểm phải thay đổi phong cách phục vụ, để người được bảo hiểm không may bị nạn thấy được ý nghĩa thiết thực của việc mua bảo hiểm, phối hợp với công ty bảo hiểm, không ỷ lại và có ý thức hơn trong khi tham gia giao thông.
Thái Văn Cách, Phó tổng giám đốc CTCP Bảo hiểm Viễn Đông
Đầu tư chứng khoán
|