Thứ Sáu, 10/09/2010 06:27

Học cách sử dụng “dao hai lưỡi” khi dùng đòn bẩy

Trước tín hiệu hồi phục ngắn hạn trên thị trường, diễn biến giao dịch chứng khoán đã bắt đầu sôi động trở lại, kéo theo đó là hoạt động sử dụng đòn bẩy tài chính của các nhà đầu tư cũng gia tăng.

Sau khi VN-Index xác lập đáy 423 điểm phiên ngày 25/8 (đáy sâu nhất kể từ một năm trở lại đây), thị trường chứng khoán bất ngờ hồi phục với sáu phiên tăng điểm liên tiếp đồng thời khối lượng giao dịch cũng tăng theo.

Trên sàn giao dịch Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) thanh khoản trong các phiên gần đây đạt mức bình quân trên 50 triệu đơn vị/phiên. Cộng hưởng xu thế chung, hai phiên trở lại đây tại sàn Hà Nội (HNX) khối lượng cổ phiếu chuyển nhượng cũng tăng đột biến. Phiên giao dịch ngày 7/9, thanh khoản đạt 51 triệu cổ phiếu và phiên 8/9 thì HNX đã vượt qua HoSE với thanh khoản lên tới gần 59 triệu cổ phiếu.

Theo các chuyên gia, dòng tiền đòn bẩy tài chính đang bắt đầu chảy mạnh hơn và đóng góp một phần vào kết quả giao dịch tại các phiên vừa qua.

Nhanh chóng quên ám ảnh giải chấp

Không lâu trước đó, các phiên giao dịch tại trung tuần tháng Tám, khi VN-Index giảm mạnh, không ít nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính bị rơi vào tình trạng cháy tài khoản buộc các công ty chứng khoán phải thực hiện giải chấp cổ phiếu.

Khi đó, hầu hết các thành viên trên thị trường đều thấm thía tác động kép từ hoạt động giải chấp, đã đẩy thị trường chứng khoán vào đà lao dốc không phanh.

Theo anh Tường Văn, nhân viên môi giới tại một công ty chứng khoán: “Thời điểm VN-Index rơi sâu, các nhân viên môi giới tại nhiều công ty chứng khoán đã bất đắc dĩ trở thành chuyên gia đòi nợ. Công ty chỉ biết gõ đầu nhân viên của mình, thúc giục họ liên lạc bằng được với khách hàng và mọi cách phải giải quyết các khoản nợ quá tỷ lệ an toàn cho phép”.

Trưởng bộ phận phụ trách tín dụng tại một ngân hàng cho biết, mặc dù rất chú trọng tới hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán và hiện ngân hàng có nhiều đối tượng khách VIP nhưng bất kỳ trường hợp nào có chứng khoán giảm tới tỷ lệ quy định là ngân hàng bắt buộc phải giải chấp.

Song trong thực tế, thị trường vừa có dấu hiệu hồi phục, không chỉ các nhà đầu tư cá nhân mà cả các định chế tài chính cũng nhanh chóng quên đi những nỗi ám ảnh về  giải chấp và thay vào đó là hoạt động đòn bẩy ngay lập tức được tăng tốc triển khai.

Ông Lê Trọng Nghĩa, một có tiếng nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, thời điểm này các công ty chứng khoán chủ yếu đều quy định cho vay tỷ lệ 1:1 (số tiền cho vay bằng với số vốn thực có của khách hàng), nhưng đối với các nhà đầu tư VIP thì tỷ lệ có thể là 1:2 (cho vay gấp 2 lần vốn thực có) hoặc 1:3 (cho vay gấp 3 lần), tùy vào uy tín của mỗi cá nhân.

“Cuối tháng Tám, ngay khi bắt được tín hiệu đáy của thị trường, tôi đã sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ 1:1. Các nhà đầu tư khác trong nhóm, có người đã sử dụng các mức tỷ lệ cao hơn nhất có thể,” ông Nghĩa nói.

Vị đại diện ngân hàng trên cũng cho hay, trong vài ngày trở lại đây tổng giá trị khoản vay của đầu tư chứng khoán của ngân hàng đã tăng khoảng 20% so với thời điểm trước đó.

Tuy nhiên anh Tường Văn khẳng định, hiện nay hoạt động vay đòn bẩy chưa phổ biến, hiện những người sử dụng dịch vụ này thường là những nhà đầu tư đánh lớn và bám sàn chuyên nghiệp.

Chơi “dao hai lưỡi”

Mặc dù trên thị trường chứng khoán, những sản phẩm về đòn bẩy tài chính chưa có quy định cụ thể nhưng bằng cách này hay cách khác các nhà đầu tư đều dễ dàng tiếp cận với loại dịch vụ này và nó đang trở nên ngày càng thông dụng.

Ông Lê Trọng Nghĩa cho rằng, hầu hết các nhà đầu tư bám sàn đều sử dụng dịch vụ đòn bẩy tài chính. Nhất là những người đầu tư lớn đều có sử dụng đòn bẩy và  không ai đợi đỉnh mới vay, họ thường chấp nhận mạo hiểm dùng đòn bẩy ngay khi thấy tín hiệu xu thế lên của thị trường.

Song ông Nghĩa cũng công nhận, sử dụng đòn bẩy tài chính phải chấp nhận “thuận lợi sẽ thắng lớn nhưng rủi ro thì trắng tay”.

“Đầu tư kiểu này luôn phải thật nhanh, thị trường có tín hiệu đảo chiều là lập tức phải cắt lỗ quyết liệt. Nhiều nhà đầu tư bảo thủ, tiếc lỗ mua đuổi khi thị trường xuống là chắc chắn tổn thương,” ông Nghĩa đưa ra ý kiến.

Dưới góc độ nhà đầu tư, thường xuyên sử dụng đòn bẩy, ông Nghĩa cho rằng, để hạn chế giải chấp và tránh rủi ro cho cả hệ thống, các công ty chứng khoán cần phải quyết liệt thúc ép khách hàng của mình ra hàng trong trường hợp thị trường có tín hiệu điều chỉnh. Nhất là không nên nể nang khách VIP, cho họ vay thêm, đầu tư gối đầu để duy trì tài khoản.

Nhìn rộng ra, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhấn mạnh, các công ty chứng khoán đang cho khách hàng vay vô tội vạ, tỷ lệ vay có nơi lên đến 1:4. Theo khảo sát của VAFI, thời gian gần đầy hầu hết các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính đều rơi vào tình trạng thua lỗ kép, nhiều trường hợp không những trắng tay mà còn nợ nần.

“Muốn giải quyết vấn đề phải đi từ gốc, cơ quan quản lý chức năng cần thiết phải đưa ra những quy định hạn chế tỷ lệ cho vay đối với các khoản đầu tư chứng khoán. Tiếp đến, cần phải cho phép các công ty chứng khoán xây dựng những ngân hàng danh mục chứng khoán, ưu tiên các danh mục cổ phiếu có hoạt động kinh doanh tốt. Qua đó, công ty có thể cho vay chứng khoán trước ngày T+3 (ngày chứng khoán về tài khoản). Hình thức này sẽ khuyến khích thị trường hướng tới đầu tư cổ phiếu có giá trị,” ông Hải tâm huyết nói.

Về vấn quy định tỷ lệ cho vay, Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc khối Ngân hàng đầu tư, Công ty Chứng khoán Thăng Long cũng cho hay, mới đây Hiệp hội kinh doanh Chứng khoán (VASB) và một số công ty chứng khoán lớn cũng đã có cuộc thảo luận về các giải pháp kiểm soát tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán, nhưng cuối cùng các đơn vị tham gia vẫn chưa tìm ra được tiếng nói chung.

Thực tế hơn, anh Tường Văn thẳng thắn trao đổi, thời gian chờ đợi pháp lý hóa các sản phẩm đòn bẩy có lẽ sẽ còn lâu. Biện pháp hạn chế rủi ro cho cả nhà đầu tư và công ty chứng khoán là các công ty phải nâng cao hệ thống công nghệ tự động, giúp nhà đầu tư có thế dễ dàng cập nhật, kiểm soát hoạt động đầu tư sau từng phiên. Để họ có thể chủ động ra các quyết định kịp thời ngay khi các mã chứng khoán của họ có vấn đề.

Ngoài ra, nhiều công ty chứng khoán nhỏ vì cạnh tranh, chạy theo nhà đầu tư, đang quản lý hoạt động vay đòn bẩy rất lỏng lẻo, thì cần phải nâng cấp các quy định cụ thể, tránh trường hợp thỏa thuận theo cảm tính, để cuối cùng lại thả gà ra mà đuổi.

“Trước mắt, thị trường đang xuất hiện cơ hội mới, nhà đầu tư sẽ phải tranh thủ vay thêm vốn để nâng cao kết quả đầu tư. Và các nhà đầu tư đã quyết định sử dụng đòn bẩy cũng có nghĩa là họ đang chấp nhận chơi dao hai lưỡi,” anh Tường Văn nói./.

Quang Huy

VIETNAM+

Các tin tức khác

>   Thị trường ngày 10/09 và góc nhìn từ CTCK (10/09/2010)

>   TTCK sẽ có nhiều biện pháp mới hỗ trợ (09/09/2010)

>   UPCoM-Index tăng nhẹ lên 47,94 điểm (09/09/2010)

>   PVA, VE1, HJS, SRA tăng liên tục không theo xu hướng (09/09/2010)

>   Đánh cược với Thông tư 13 (09/09/2010)

>   Tìm điểm sáng cuối năm cho chứng khoán (09/09/2010)

>   Dòng tiền trên TTCK quốc tế có ảnh hưởng gì đến Việt Nam? (09/09/2010)

>   Lựa chọn cổ phiếu chiến thắng thị trường (09/09/2010)

>   UPCoM-Index giảm còn 47,71 điểm (08/09/2010)

>   Thị trường ngày 09/09 và góc nhìn từ CTCK (08/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật