Chỉnh sửa thông tư 13: Nâng đỡ tâm lý thị trường
Sau nhiều chờ đợi trong mù mờ, ngày 8.9 NHNN đã chính thức thông tin liên quan đến hai thông tư, nghị định quan trọng có tác động đến TTCK: Thông tư 13 về nâng tỉ lệ an toàn vốn và Nghị định 141 yêu cầu các ngân hàng tăng vốn trong năm 2010.
Thông tư 13: Những điểm rà soát
Thị trường đã đặt kỳ vọng lớn vào khả năng chỉnh sửa thông tư 13 kể từ khi Chính phủ có văn bản yêu cầu NHNN kiểm tra và rà soát lại một số quy định sau khi các ngân hàng và tổ chức tín dụng phản hồi về một số vướng mắc. Tuy nhiên từ ngày 19.8 đến nay, thị trường luôn trong trạng thái phỏng đoán và chờ đợi, cả về khả năng chỉnh sửa lẫn lùi thời hạn áp dụng.
Ngày 8.9, NHNN chính thức cho biết đã chỉ đạo đơn vị chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung thông tư này để đảm bảo thống nhất cách hiểu và triển khai thực hiện. Một số điểm được nêu cụ thể bao gồm rà soát kỹ về các khái niệm, cách xác định các tỉ lệ đảm bảo an toàn, xử lý những bất cập và đảm bảo hài hòa trong quá trình thực hiện của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, NHNN cũng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo, giám sát các tổ chức tín dụng thực hiện tăng vốn điều lệ theo Nghị định số 141/2006/NĐ-CP. Đặc biệt, NHNN sẽ nghiên cứu phương án xử lý đối với các tổ chức tín dụng không đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Theo kiến nghị của 14 tổ chức tài chính, một số vấn đề bất cập cần xem xét lại như điều 18 về tỉ lệ cấp tín dụng so với vốn huy động. Theo đó quy định vốn huy động sử dụng để cho vay không bao gồm tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội và các tổ chức khác là chưa hợp lý. Điều 5 quy định về tỉ lệ an toàn vốn riêng lẻ của tổ chức tín dụng với các tài sản có hệ số rủi ro đồng loạt là 250%....
Ông Fiachra Mac Cana - GĐ điều hành bộ phận nghiên cứu của CTCK HSC - cho rằng thông tư 13 có thể sẽ được chỉnh sửa theo hai hướng: Thứ nhất là cho phép kéo dài thời hạn thực hiện tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) và tỉ lệ cho vay trên vốn huy động (LDR). Thứ hai là chỉnh sửa định nghĩa tiền gửi, bao gồm cả tiền gửi không kỳ hạn. Theo chuyên gia này, nếu tiền gửi không kỳ hạn được tính vào trong định nghĩa tiền gửi thì tỉ lệ LDR của 18 ngân hàng lớn nhất khoảng 85% và hầu hết các ngân hàng có thể thỏa mãn yêu cầu về tỉ lệ LDR. Ngoài ra, các ngân hàng có thể chuyển tiền gửi thanh toán từ các ngân hàng khác thành tiền gửi kỳ hạn để tăng dư nợ tiền gửi.
Liên quan đến Nghị định 141, yêu cầu tăng vốn của các ngân hàng gây sức ép không nhỏ lên nguồn tiền đầu tư nói chung vì quy mô vốn cần tăng thêm theo ước tính của CTCK SME khoảng trên 30.200 tỉ đồng. Phương án chung vẫn là huy động vốn từ cổ đông hiện hữu, chào bán ra bên ngoài. Đây đều là các phương án hút tiền từ thị trường. Tuy nhiên trong bối cảnh khách quan, không thể chắc chắn các phương án tăng vốn đều thành công.
Thị trường đi trước?
Mặc dù các nội dung cụ thể về sửa đổi hai văn bản quan trọng trên vẫn chưa rõ ràng, nhưng thị trường đang đánh cược với phương án tích cực là các chỉnh sửa sẽ “dễ thở” hơn cho các ngân hàng. Do thông tư 13 sẽ có hiệu lực vào ngày 1.10 tới đây nên thời gian cho kết cục cuối cùng cũng không còn nhiều.
Liên tiếp hai tuần giao dịch gần đây, thị trường đã phản ánh khá rõ kỳ vọng này. Đặc biệt trong 2 phiên điều chỉnh giảm của tuần này, sức cầu vẫn tiếp tục mạnh cho thấy xu hướng lạc quan đang chiếm ưu thế. Theo CTCK HSC, giá trị giao dịch tăng là biểu hiện của sự chấp nhận rủi ro cao, đặc biệt ngay cả khi giá giảm. Giá trị giao dịch khớp lệnh của cả hai sàn trong 4 phiên điều chỉnh của tuần này đã lên tới trên 9.776 tỉ đồng, cao nhất trong 7 tuần gần đây.
Theo CTCK FPT, diễn biến giao dịch trong phiên ngày 9.9 đã khẳng định rõ hơn xu hướng đi lên của thị trường trong thời gian tới. Việc thị trường dễ dàng tăng khá trở lại ở những phút cuối phiên sau khi đã chùng xuống vào giữa phiên cho thấy tâm lý mua gom hàng giá rẻ đang phổ biến. “Chúng tôi dự báo thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng trong phiên giao dịch cuối tuần, nhưng nhiều khả năng sự gia tăng của chỉ số VN-Index và HNX-Index sẽ yếu hơn phiên ngày 9.9.2010”.
Hoàng Nguyên
lao động
|