TTCK hay sới bạc?
TTCK Việt Nam từ đầu năm đến nay giảm khoảng 5%, một mức tăng trưởng đáng thất vọng. NĐT theo trường phái đầu tư dài hạn, đa số không có được mức lợi nhuận bằng gửi tiết kiệm. Trong khi đó, vô số CP tăng giá không thể giải thích dựa trên những yếu tố cơ bản nhất.
Một CTCK đã phải nhận định trong báo cáo hàng ngày rằng “một thời gian dài đầu tư theo dòng tiền đầu cơ dẫn dắt vào các CP thiếu các yếu tố cơ bản, khiến thị trường đang mất dần niềm tin và TTCK đang diễn ra giống như một sới bạc nhiều hơn là một kênh đầu tư”.
Điều này hoàn toàn đúng nếu nhìn vào hàng loạt CP được “bơm thổi” lên mức giá trên trời, nhưng hoàn toàn thoát ly khỏi giá trị cơ bản của DN. Chẳng hạn VKP từ tháng 5 đến nay có tới hai đợt tăng với tỉ lệ tăng tương ứng 36% và 30,3%. Trong khi DN này lỗ cả hai quý đầu năm với mức -8,9 tỉ đồng và -12,1 tỉ đồng. Cả năm 2009, Cty này đã lỗ 50,3 tỉ đồng. TRI trước khi ra tin lỗ quý thứ bảy liên tiếp cũng kịp tăng 67%. TLT tăng đến 90% trong tháng 5 và 6, được giải thích là nhờ kỳ vọng quý II lãi to, nhưng thực tế chỉ là 2,06 tỉ và lũy kế 6 tháng vẫn lỗ hơn 1,3 tỉ đồng. PTM tăng 68% “nhờ” 4 quý lỗ liên tục từ năm 2009...
Hàng loạt CP có nền tảng cơ bản chẳng có gì triển vọng, nhưng nếu đầu cơ thì mức lợi nhuận lại khó tưởng tượng nhờ “yếu tố thị trường”. Thực tế do TTCK lình sình đi ngang quá lâu nên một bộ phận vốn đầu cơ chuyển sang chiến thuật “ăn quẩn” ở những con sóng nhân tạo một cách thô thiển. Tuy nhiên, điều này lại đánh trúng tâm lý “tham lam” của số đông NĐT đang “bí” cách kiếm lời trên thị trường và phong trào đầu cơ theo các “đội lái” trở nên ngày càng rầm rộ. Dòng vốn đầu cơ khi thoát khỏi một CP để tìm kiếm địa chỉ mới đều bỏ lại đằng sau một “bãi chiến trường” tan hoang và giá rơi tự do.
Bất kỳ ai tham gia thị trường hằng ngày đều hiểu rất rõ yếu tố làm giá trong các diễn biến tăng như vậy. Làm giá là vi phạm pháp luật, nhưng khó có thể xử phạt hay hạn chế. Điều đó khiến NĐT có cảm giác cơ quan quản lý đang bất lực trước hiện tượng này. Niềm tin đang ngày càng bị xói mòn.
Để hạn chế các hiện tượng làm giá, điều quan trọng nhất là phải khiến NĐT tự ý thức được rủi ro. Không gì tốt hơn và dễ dàng hơn là công khai tối đa thông tin liên quan đến các CP tăng giá bất thường. Hầu hết NĐT cho rằng các bản giải trình thông tin của DN khi CP tăng trần quá 5 phiên đều hời hợt và vô nghĩa.
Đã đến lúc cơ quan quản lý phải đưa ra yêu cầu giải trình chi tiết hơn. Cụ thể, có thể yêu cầu DN điền đầy đủ các thông tin sau: DN có hợp đồng giá trị lớn nào mới ký kết trong vòng 1 tuần/tháng vừa qua (hoặc sắp tới) hay không; DN có chuẩn bị đưa vào khai thác/thực hiện dự án nào mới có khả năng đem lại lợi nhuận mà trước đó chưa có hay không; DN có triển vọng đạt được nguồn thu bất thường nào trong thời gian tới hay không (chẳng hạn định giá lại tài sản, bán tài sản, chuyển nhượng dự án, thu hồi vốn góp)...
Tất cả các CP tăng giá bất thường đều dựa trên nguyên lý tạo kỳ vọng cho NĐT. Để tạo được kỳ vọng tăng giá, phải xuất phát từ kỳ vọng thông tin lợi nhuận và kỳ vọng giá tăng thực tế trên thị trường (làm giá lên). Tạo kỳ vọng thông tin thường bắt nguồn từ các tin đồn về DN có khả năng lợi nhuận đột biến. Do đó nếu nắm được thông tin chính thống một cách nhanh chóng, NĐT sẽ cảnh giác với các thông tin được “bơm thổi” vô tội vạ trên các diễn đàn.
Về giải pháp kỹ thuật, đã đến lúc cả hai sàn công bố đầy đủ tất cả các mức giá chào mua chào bán đối với một CP. Hiện tượng che giá diễn ra phổ biến hằng ngày do bảng điện chỉ hiện 3 mức chào mua, 3 mức chào bán. Hạn chế này tạo điều kiện cho hiện tượng làm giá vào các phiên khớp lệnh định kỳ.
Đối với các CP tăng trần và có khối lượng đặt mua trần nhiều phiên liên tục quá 2 phiên, kết thúc ngày giao dịch, các sở có thể công bố số lượng các tài khoản đặt mua giá trần và số lượng tài khoản chiếm trên 50% tổng khối lượng đặt mua giá trần. Thông thườn các “đội lái” liên kết với nhau qua một số tài khoản để chặn mua khối lượng lớn trong thời gian đầu. Chỉ khi giá đã tăng cao, hoạt động làm giá mới trở nên “bình thường” nhờ lôi kéo được các NĐT khác tham gia.
Nam Nguyễn
LAO ĐỘNG
|