Cổ phiếu Ngân hàng: Gian nan lôi cuốn nhà đầu tư
Cổ phiếu ngành ngân hàng (CPNH) lình xình trong một thời gian dài đã khiến TTCK Việt Nam chưa thể có một đợt sóng lớn trong năm 2010. Nhiều số liệu cho thấy CPNH đang được giao dịch ở mức giá hấp dẫn nhưng vẫn không thuyết phục nhà đầu tư mua vào. Phải chăng, yếu tố rẻ của CPNH vẫn chưa đủ để thu hút nhà đầu tư?
*Chật vật chạy chỉ tiêu
Cuối năm 2009 đầu năm 2010 đã có nhiều chuyên gia nhận định sau khủng hoảng, so với các ngành kinh tế khác, ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng vượt bậc và trở thành ngành kinh doanh siêu lợi nhuận.
Nhưng thực tế từ đầu năm đến nay các NHTM đang phải nỗ lực chạy đua trước hàng loạt chỉ tiêu cơ quan quản lý quy định, đã tác động không chỉ đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng mà còn ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu ngành này.
"Thời điểm này có thể sử dụng phương pháp định giá theo P/B (giá/giá trị sổ sách) cho CPNH. Thí dụ P/B của ngành ngân hàng trên thế giới đang vào khoảng 3 lần, trừ VCB có P/B trên 2 lần, các ngân hàng niêm yết còn lại đều có P/B thấp hơn 2. Dựa vào P/B có thể nói CPNH đang được định giá rẻ nhưng điểm cần lưu ý là nhà đầu tư mua cổ phiếu không chỉ dựa vào yếu tố giá rẻ"
Ông Hồ Ngọc Bạch,
Phó phòng đầu tư NHTMCP Đại Á | Một trong những gánh nặng lớn nhất đối với các ngân hàng là chỉ tiêu tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm nay. Đến nay, hàng loạt ngân hàng nhỏ đưa ra kế hoạch tăng vốn với nhiều phương án khác nhau.
Sức cung cổ phiếu ngày càng tăng trong khi tỷ suất cổ tức của các ngân hàng nhỏ vẫn ở mức thấp so với lãi suất ngân hàng, dù cổ tức ngành này tương đối ổn định.
Trước đây những thông tin tăng vốn của các ngân hàng được xem là tốt nay trở thành nỗi lo của không ít cổ đông. Thị trường gần như lãnh cảm với các thông tin chốt quyền mua cổ phiếu của hàng loạt ngân hàng như Navibank, Western Bank… dù không ngân hàng nào ấn định giá cổ phiếu trên mức 10.000 đồng/cổ phiếu.
Gần đây rộ lên thông tin Ngân hàng Mê Công (Mỹ Xuyên cũ) và Tập đoàn Temasek (Singapore) đàm phán để trở thành đối tác chiến lược. Trước đó ngân hàng này cũng công bố sẽ phát hành khoảng 20-30% vốn điều lệ tăng thêm cho cổ đông chiến lược trong và ngoài nước.
Giới đầu cơ nhận định nếu Mỹ Xuyên bán giá 1.0 cho Temaseck, cổ phiếu Mỹ Xuyên ngoài thị trường ở mức giá 1.2 sẽ được nhà đầu tư gom hàng, nhưng thực tế hàng loạt đợt chào bán cổ phiếu Mỹ Xuyên trên thị trường vẫn không được nhà đầu tư quan tâm.
Một quan chức ngân hàng từng là Chủ tịch HĐQT VIB thừa nhận CPNH vẫn luôn là lựa chọn của ông. Tuy nhiên sau những chật vật trong việc tìm nguồn vốn, buộc ông phải lựa chọn bán bớt cổ phiếu ở ngân hàng khác và đầu tư vào CPNH tiềm năng.
Thực tế không chỉ những cổ đông cá nhân thoái vốn, các ngân hàng cổ phần lớn trước đây đã mạnh tay đầu tư vốn vào các ngân hàng nhỏ cũng đang tìm cách thoái vốn để đảm bảo chỉ tiêu an toàn vốn (CAR) theo quy định tại Thông tư 13 của NHNN (có hiệu lực 1-10-2010).
Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn được xác định vốn tự có trên tổng tài sản có rủi ro, nhưng khoản phải trừ vốn tự có là có khoản vốn góp mua cổ phần của các tổ chức tín dụng khác, mua cổ phần doanh nghiệp, công ty con…
Có thể thấy thương vụ thoái vốn đầu tiên là VCB đã rút vốn khỏi GiaDinhBank. Cuộc chạy đua thoái vốn để nâng hệ số CAR của Vietcombank (VCB) nói riêng và các NHTM nói chung cũng đã có tác động không ít đến sự quan tâm của nhà đầu tư với CPNH.
*Rẻ và hấp dẫn?
Xét về thị giá, CPNH đang trở về những mức giá khá hấp dẫn. VCB “đắt” nhất cũng chỉ có giá tầm 3.7 trong khi SHB chỉ có giá hơn 1.5. Tương tự STB sau nhiều lần chia tách và điều chỉnh giá cổ phiếu hiện đã giảm xuống dưới 2.0.
Bên cạnh khối lượng cổ phiếu lưu hành lớn, mức giá rẻ đã giúp cho việc mua CPNH giờ đây cũng dễ như mua một penny chips hàng rởm. Và tác động tiêu cực là CPNH phần nào bị lẫn vào những cổ phiếu có mức thị giá thấp và điều này đã làm mất giá cổ phiếu vua. TTCK Việt Nam hiện tại vẫn chưa phản ánh hết toàn bộ giá trị của các ngân hàng vì nhiều CPNH vẫn chưa niêm yết đầy đủ như trường hợp của VCB mới chỉ niêm yết khoảng 10%.
Bên cạnh đó, việc sở hữu của nhà nước tại VCB và CTG (VietinBank) vẫn còn quá cao cũng khiến cho nhà đầu tư nước ngoài không hào hứng tham gia, vì họ chỉ có khả năng trở thành cổ đông thiểu số, không có tiếng nói trong việc điều hành ngân hàng.
Còn đối với ACB hay STB, việc hết room cũng khiến họ không thể tiếp tục gia tăng sở hữu nên việc những cổ phiếu này thiếu lực đẩy cũng là điều dễ hiểu. Một điều chắc chắn là nếu có cơ hội để gia tăng sở hữu tại các ngân hàng, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không bỏ qua.
Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, cho rằng giá CPNH hiện đang giảm xuống mức rất thấp nhưng việc nhà đầu tư nên mua CPNH ở mức giá nào là một câu hỏi không đơn giản. Chẳng hạn, giá cổ phiếu của ACB hiện khoảng 30.000 đồng/cổ phiếu và các chỉ số như ROE khoảng 30%, P/E khoảng 10 lần, là một chỉ tiêu hợp lý để đầu tư.
Nhưng câu hỏi đặt ra có đáng mua hay không còn phụ thuộc vào những yếu tố mang tính đầu cơ cũng như lượng cung cầu của thị trường. Tâm lý nhà đầu tư thấy CPNH rẻ nhưng họ vẫn e ngại mua do CPNH chưa có nhiều yếu tố hỗ trợ để tăng giá. Tuy nhiên đối với nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng vẫn là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn. Do vậy loại trừ những yếu tố trong ngắn hạn, CPNH có thể thích hợp với những nhà đầu tư lớn và dài hạn.
Theo ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch HĐQT TrustBank, năm nay khó có thể trông mong giá CPNH có những đột biến. Làm ngân hàng ai cũng muốn CPNH mình tăng giá nhưng quan trọng vẫn là sự phát triển bền vững của ngân hàng. Năm nay được đánh dấu một cuộc cải tổ lại hệ thống ngân hàng trên nhiều mặt, nên tất yếu sẽ có sự sàng lọc CPNH.
Chính vì vậy, ngay từ bây giờ các nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét lựa chọn thời điểm hợp lý đầu tư vào CPNH với giá đang rẻ và có thể tin tưởng vào tương lai tăng trưởng của cổ phiếu ngành này.
*Cổ phiếu “ma” - của để dành
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, nhận định TTCK đã bước qua năm thứ 10 và sau những biến cố lớn, nhiều người kỳ vọng nhà đầu tư sẽ tiếp cận với thị trường bài bản hơn, chủ động đầu tư giá trị, tìm sự ổn định. Nhưng hơn nửa đầu năm nay tư duy của nhà đầu tư vẫn chưa có nhiều thay đổi. Đầu tư lướt sóng, sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ cao để đánh nhanh, thắng lớn trong ngắn hạn vẫn là xu hướng chủ đạo.
Ngay cả một số quỹ đầu tư cũng lựa chọn chiến thuật này. Những biến động mạnh trong từng khoảng thời gian của VN Index là minh chứng rõ nét nhất cho xu hướng đánh sóng ngắn hạn, kẻ thắng cũng nhiều mà người thua cũng không ít.
"Thị trường CPNH có quá nhiều lựa chọn và các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến cổ phiếu các ngân hàng lớn, có tính thanh khoản cao. Những cổ phiếu của ngân hàng nhỏ dù có thông tin tốt và giá rẻ, khả năng đột biến về giá nhanh vẫn khó xảy ra trong bối cảnh hiện nay. Đó là lý do các nhà đầu tư tỏ ra thờ ơ với cổ phiếu của ngân hàng nhỏ"
Ông Phạm Linh,
Tổng giám đốc CTCK Quốc tế | Với một thị trường mà nhà đầu tư, các CTCK và quỹ đều chấp nhận chơi ngắn hạn sẽ rất khó để CPNH được ưa chuộng. Khối lượng cổ phiếu lưu hành quá lớn khiến cho những yếu tố đầu cơ rất khó “đụng” đến CPNH. Giá trị vốn hóa tại HOSE hiện đang vào khoảng 560.000 tỷ đồng thì khoảng 20% trong số đó được cấu thành từ CTG, VCB, STB và EIB.
Điều này cho thấy tầm quan trọng của CPNH đối với biến động của VN Index nhưng mặt khác cũng cho thấy sự nặng nề mà CPNH đang gặp phải.
Từ một loại cổ phiếu an toàn, vững chắc trong hiện tại, có cơ hội sinh lời trong tương lai, CPNH đang bị nhiều nhà đầu tư xem là “của nợ” với quá nhiều sức ì. Một vòng lẩn quẩn sẽ xuất hiện đối với CPNH khi nhà đầu tư nắm giữ không muốn bán vì giá quá rẻ, trong khi người mua lại không muốn mua vì thấy không có sóng.
Từ thực trạng trên, nhiều chuyên gia khẳng định không nên tìm cách “kích” CPNH trong ngắn hạn. CPNH có sức ì cũng tốt, nó là một cái đáy, cái nền của TTCK và trở thành của để dành cho nhà đầu tư.
Các ngân hàng sẽ phải nỗ lực hơn nếu muốn cổ phiếu của mình tăng trưởng, không thể cứ mãi tìm cách mở rộng mạng lưới, gia tăng tổng tài sản mà đi vào chiều sâu, tìm kiếm nguồn thu từ dịch vụ, không tiêu tốn quá nhiều vốn hoặc đòi hỏi chênh lệch giữa đầu vào đầu ra...
Cũng với những con người, hạ tầng đó nhưng nếu năng động hơn, chuyên nghiệp hơn, nguồn thu sẽ được cải thiện đáng kể. Những ngân hàng nào sớm tái cấu trúc được mô hình hoạt động của mình sẽ có lợi thế cạnh tranh, gia tăng lợi nhuận đột biến.
Thái Ca - Thanh Như
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|