Thứ Năm, 29/07/2010 11:22

Cổ phiếu ngân hàng: Chờ sức bật

Báo cáo quý 2 của các ngân hàng đang dần “lộ sáng”, và dù tăng trưởng lợi nhuận không có nhiều đột biến nhưng cũng đã có những con số khả quan. Dẫu vậy, cổ phiếu ngành này vẫn chưa nhận được sự quan tâm từ phía các nhà đầu tư (NĐT).

Thống kê giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong phiên giao dịch ngày 27/7/2010

Điều này được lý giải bởi, ngành tài chính ngân hàng tuy là nhóm tiên phong trong chu kỳ hồi phục của nền kinh tế, nhưng đang gặp khó khăn về thanh khoản, cạnh tranh lãi suất và sức ép về việc tăng vốn điều lệ theo lộ trình.

Khả quan nhưng không như kỳ vọng

Nếu nhìn vào bức tranh lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm 2010 thì có thể thấy không có những đột biến nhưng cũng được xem là khá tốt. So với năm trước, các ngân hàng thường có tiến độ hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận nhanh hơn so với phần thời gian tương ứng đã qua của năm. Đặc biệt, trong năm 2009, không ít ngân hàng đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm khi còn chưa bước vào quý 3 thì đến hết tháng 6 năm nay, hầu hết ngân hàng mới hoàn thành khoảng 50% kế hoạch năm. Tỷ lệ này không thấp nhưng vẫn khiến các ngân hàng “nóng ruột”.

Chuyên gia của một Cty chứng khoán cho rằng, triển vọng của các cổ phiếu ngân hàng vẫn tốt, thế nhưng phải xét đến đặc điểm thị trường hiện tại. Các ngân hàng đều có cổ phiếu lưu hành lớn (lượng cung về cổ phiếu nhiều bao gồm cả khối lượng cổ phiếu niêm yết bổ sung cũng như các cổ phiếu mới niêm yết), trong khi đó lượng tiền để đầu tư ở mức hạn chế (cho dù tăng trưởng tín dụng có được nới rộng tới mức 25%, thì vốn hóa thị trường cũng chỉ đạt bằng 70% tổng GDP - với mức vốn hóa như vậy thị trường dự kiến chỉ tăng khoảng tới 550 điểm). Với mức tăng không quá lớn thì NĐT có xu hướng tập trung vào các mã cổ phiếu nhỏ, số lượng cổ phiếu lưu hành thấp. Vì vậy nhóm cổ phiếu ngân hàng khối lượng quá lớn sẽ không tạo được sự hấp dẫn.

Một lý do nữa cũng khiến cho cổ phiếu ngân hàng chưa nhận được sự quan tâm của giới đầu tư là do các ngân hàng đang phải chịu sức ép buộc phải tăng vốn, dẫn đến mối đe dọa các cổ phiếu này bị pha loãng. Để bảo đảm có số vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu tương đương mức vốn pháp định, tương đương 3.000 tỷ đồng nếu không muốn bị "tước" tư cách pháp nhân, một lượng lớn cổ phiếu ngân hàng sẽ được đưa ra chào bán, dự kiến ào ạt nhất là vào cuối quý 3 và đầu quý 4 tới. Thêm nữa, việc vốn điều lệ tăng nhanh trong bối cảnh phải kiểm soát mục tiêu tăng trưởng ở mức thấp hơn năm trước (bị kiểm soát ở mức 25%) cũng sẽ khó lòng đảm bảo được tỷ lệ cổ tức cho cổ đông ở mức mà NĐT trông đợi.

Việc phát hành thêm cổ phiếu đối với ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ cũng không phải dễ dàng. Bởi lẽ, việc niêm yết cổ phiếu sẽ giúp gia tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, DN lên sàn khá nhiều và dự kiến từ giờ tới cuối năm cũng còn không ít, vậy nên, các ngân hàng nhỏ nếu có lên sàn cũng khó hấp dẫn.

Lo lắng dòng tiền

Quý 3 được dự báo sẽ là “mùa” kinh doanh thuận lợi của một số ngành như bất động sản, vận tải biển, thủy sản và trong đó có ngành ngân hàng.
Thị trường vẫn đang lo lắng về dòng tiền thường trực. Khó có thể nhận biết chính xác dòng tiền này còn nhiều hay ít, nhưng nhìn vào thanh khoản yếu những phiên gần đây, NĐT có cơ sở để lo lắng. Thị trường vẫn cần một động lực đủ mạnh để thoát ra khỏi tình trạng lình xình hiện tại. Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/7, chỉ số hai sàn tiếp tục mất điểm. VN-Index đã để mất gần 7 điểm, đây là mức thấp nhất kể từ ngày 26/5 khi giảm mạnh về mức 491 điểm (-1.34%), thanh khoản của thị trường giảm nhẹ so với phiên trước khi chỉ có 39,67 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, tương ứng giá trị giao dịch đạt hơn 1.136 tỷ đồng. HNX-Index cũng mất điểm mạnh khi tụt xuống còn 152.38 điểm ( -1.64%).

Tâm lý NĐT trong nước đã và đang tỏ ra “chán nản” đối với thị trường và dần mất kiên nhẫn trước hiệu quả đầu tư. Như một số NĐT nói, thị trường đang tỏ ra “trơ” với các tin tức vĩ mô cũng như diễn biến tích cực của TTCK thế giới. Vì vậy, dòng tiền trên thị trường đang có dấu hiệu rút lui khỏi các cổ phiếu nóng và chưa có những chuyển biến cụ thể. Xu hướng đi ngang gần đây tỏ ra rất khó thay đổi do tâm lý thận trọng của phần đông NĐT. “Với tâm lý chán nản của NĐT hiện tại, cùng với sự thưa dần của các tin hỗ trợ cho DN khi mùa báo cáo quý 2 sắp kết thúc, thị trường sẽ cần phải có điểm tựa mới nếu muốn có những thay đổi tích cực hơn” – nhà đầu tư tại sàn VNS cho biết.

Diễn biến giao dịch trong một vài phiên gần đây cho thấy dòng tiền đang có sự chú ý nhất định vào nhóm bluechips (trong đó có cổ phiếu ngân hàng) để tạo lực đỡ và giảm bớt áp lực giảm giá từ nhóm cổ phiếu nhỏ đầu cơ. Tuy nhiên dòng tiền này không đủ mạnh tương quan với thanh khoản của nhóm này khiến khả năng hồi phục là khó.

Mặc dù vậy, 6 tháng cuối năm, thị trường tài chính ngân hàng VN vẫn có những thuận lợi nhất định. Các ngân hàng kỳ vọng ở tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, lạm phát sẽ giữ ở mức thấp, NHNN áp chính sách tiền tệ linh hoạt hơn để hỗ trợ khơi thông vốn và ổn định thanh khoản, và đẩy mạnh tín dụng trong cuối năm nay trong khi dư nợ tín dụng thực tế của ngành mới chỉ tăng 10,52% và dư địa còn khá lớn (định hướng cả năm 25%).

Nam Phương

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Tháng 8: Chữ “kỳ vọng” níu giữ nhà đầu tư (29/07/2010)

>   Cổ phiếu bất động sản, kỳ vọng chưa thành (29/07/2010)

>   Nhiều bất ngờ thị phần môi giới trên HNX (29/07/2010)

>   Thị trường ngày 29/07 và góc nhìn từ CTCK (28/07/2010)

>   UPCoM-Index giảm 1,68% (28/07/2010)

>   Làm giá cổ phiếu nhờ thông tin ‘vỉa hè’ (28/07/2010)

>   Cổ phiếu OTC: Giảm nửa giá (28/07/2010)

>   Mười năm nhìn lại (28/07/2010)

>   Thị trường ngày 28/07 và góc nhìn từ CTCK (28/07/2010)

>   UPCoM-Index giảm 8 phiên liên tiếp (27/07/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật