Tháng 8: Chữ “kỳ vọng” níu giữ nhà đầu tư
Dù thị trường diễn biến ảm đạm nhưng nhà đầu tư vẫn hy vọng vào sự phục hồi trong tháng 8, nhất là khi cuộc thanh tra 91 ngân hàng châu Âu đã cho kết quả khá lạc quan.
Từ đầu tháng 6 đến nay, các nhà đầu tư đã nhiều lần kỳ vọng vào triển vọng tăng trưởng của chỉ số VN-Index, nhưng rồi đều thất vọng trước diễn biến èo uột của thị trường. Tuy nhiên, dù đang tham gia hay đứng ngoài cuộc chơi, hầu như ai cũng đang bám sát hai chữ “kỳ vọng”.
VN-Index đuối sức
Trong 6 tháng đầu năm 2010, kinh tế vĩ mô thế giới dù được đánh giá là đã thoát khỏi khủng hoảng nhưng những hiểm họa mới xuất hiện (khủng hoảng nợ châu Âu, bong bóng bất động sản Trung Quốc…) đang đe dọa đưa nền kinh tế toàn cầu quay trở lại thời kỳ suy thoái. Đây là lý do chủ yếu khiến VN-Index gần như đuối sức trong hơn 2 tháng qua.
Đầu năm 2010, khi cả thế giới hồ hởi trước những thông tin khả quan quý III/2009 của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh, Úc, châu Âu (nền kinh tế các nước này đã đạt mức tăng trưởng dương, từ mức tăng trưởng âm trong quý II), thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng điểm mạnh mẽ. Dow Jones tăng lại lên mức 11.200 điểm, VN-Index đã có 3 đợt tăng điểm dài, các đỉnh lần sau luôn cao hơn đỉnh trước (đỉnh 520 điểm đạt được vào ngày 8.1.2010; đỉnh 531 điểm ngày 15.3 và đỉnh 549 điểm ngày 5.6).
Dường như trong 6 tháng đầu năm 2010, VN-Index đã quá nỗ lực để chiều lòng nhà đầu tư, bù lại cho 2 năm (2008 – 2009) hứng chịu thất bại vì khủng hoảng tài chính. Bất chấp các chỉ số kinh tế vĩ mô của quý I/2010 còn bấp bênh như nhập siêu tăng, lạm phát ở mức cao, các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào triển vọng khởi sắc của nền kinh tế. Chỉ đến khi diễn biến khủng hoảng châu Âu ngày càng trầm trọng hơn, nhà đầu tư mới nhận ra rằng, nền kinh tế thế giới sẽ khó đảo chiều khi rủi ro còn hiện hữu. Với nền kinh tế Mỹ là tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao. Với châu Âu là cuộc khủng hoảng nợ công có nguy cơ lan sang cả hệ thống ngân hàng. Với Trung Quốc là tình trạng bong bóng bất động sản và sự chậm lại của đà tăng trưởng. Với Việt Nam, các nhà đầu tư nhận ra, một khi kinh tế thế giới còn bất ổn thì kinh tế trong nước chưa thể bật dậy.
Kinh tế thế giới còn bấp bênh thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, vốn chiếm 70% GDP. Đó là chưa kể những rủi ro như biến động tỉ giá, lạm phát, nhập siêu, lãi suất thực vay vẫn cao. Những áp lực này khiến Chính phủ chưa thể mạnh tay bơm vốn kích thích nền kinh tế.
Đến nay, hầu hết các nhà phân tích chứng khoán đều đồng thuận, khi những áp lực trên vẫn còn hiện hữu, dòng tiền chưa chảy vào thì thị trường chứng khoán sẽ còn tiếp tục đi ngang.
Cơ hội thoát cảnh “chết lâm sàng”
Cuối cùng, lo ngại của các nhà đầu tư toàn cầu nói chung và trên thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng về khủng hoảng nợ châu Âu đã được giải tỏa khi Ủy ban Giám sát Ngân hàng châu Âu (CEBS) công bố kết quả thanh tra 91 ngân hàng châu Âu vào ngày 23.7. Theo đó, chỉ có 7 trong số 91 ngân hàng thuộc Liên minh châu Âu đã thất bại trong đợt kiểm tra sức khỏe. Nhóm 7 ngân hàng này cần tăng vốn thêm 3,5 tỉ euro (tương đương 4,5 tỉ USD). Đó là Hypo Real Estate Holding của Đức, Agricultural Bank of Greece SA của Hy Lạp và 5 ngân hàng tiết kiệm khác của Tây Ban Nha. Những ngân hàng này không đủ khả năng duy trì được tỉ lệ vốn cấp 1 ít nhất 6% trong bối cảnh suy thoái kinh tế và khủng hoảng nợ công.
Có thể thấy, chính phủ các nước châu Âu đang cố gắng thuyết phục nhà đầu tư về sức khỏe của các tổ chức tài chính trong nguy cơ khủng hoảng nợ. Và với kết quả công bố trên, các thị trường chứng khoán đã phản ứng tích cực như Dow Jones tăng 102,32 điểm, lên 10.424,62 điểm vào cuối phiên ngày 23.7.
Rõ ràng cùng với các tín hiệu lạc quan của kinh tế Mỹ (dù chưa thực sự khỏe), kết quả từ cuộc thanh tra càng làm cho nhà đầu tư thêm tin tưởng vào khẳng định trước đó của ông Jean-Claude Trichet, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) rằng, kinh tế châu Âu mạnh hơn so với suy nghĩ của một số nhà đầu tư và nhiều người đã quá bi quan về các vấn đề tại châu Âu.
Với việc tin xấu đã được giải tỏa và sự phục hồi mạnh của chứng khoán Mỹ, các nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn, bởi sau hơn 2 tháng chịu tác động tiêu cực, giá chứng khoán đã về mức hấp dẫn, đặc biệt là cổ phiếu blue-chip. Nhà đầu tư chỉ còn đợi hai tín hiệu tích cực là lãi vay giảm và chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ.
Về tình hình tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục kiên trì giảm lãi suất. Thực tế, mặt bằng lãi suất cho vay đến tháng 6.2010 cũng đã giảm từ 0,5-1 điểm phần trăm/năm so với tháng 5. Trong khi đó, 2 quý đầu năm 2010, tăng trưởng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng chỉ mới thực hiện được hơn 1/3 kế hoạch cả năm. Như vậy, với tình hình kinh tế thế giới và trong nước đang theo chiều hướng tích cực, nhiều khả năng, ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh bơm vốn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Và thị trường chứng khoán sẽ có cơ hội thoát khỏi cảnh “chết lâm sàng” hiện nay.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Môi giới Công ty Chứng khoán Sao Việt, cho rằng: “Mọi chuyện sẽ trở nên rõ ràng hơn ở tuần giao dịch cuối tháng 7 để xét phản ứng của các thị trường chứng khoán toàn cầu về tình hình châu Âu. Nếu phản ứng đó là tích cực, tình hình lãi suất trong nước và chính sách chính phủ đi theo hướng có lợi, thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ xác lập xu hướng tăng”.
Thanh Lâm
Nhịp cầu đầu tư
|