Dominic Scriven: "Đoán chỉ số lúc này chẳng khác gì cá độ”
Thị trường chứng khoán đã đi được hơn nửa chặng đường của năm 2010. Tuy nhiên, không riêng gì nhà đầu tư mà giới chuyên gia đều cho rằng, rất khó để nắm bắt đường đi của VN-Index. Ông Dominic Scriven, Tổng Giám đốc Quỹ Dragon Capital, nói vui: “Đoán chỉ số lúc này chẳng khác gì cá độ”.
Có nhiều lý do để giới chuyên gia thận trọng và né tránh việc dự báo về chỉ số. Thứ nhất, kinh tế thế giới tuy đã có dấu hiệu phục hồi (kinh tế thế giới quý I/2010 tăng trưởng 5%) nhưng nhà đầu tư vẫn chưa hết lo ngại. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại Mỹ đã xuống 66,5, thấp hơn mức dự báo là 75. Các chỉ số sản xuất chung của Mỹ cũng giảm, báo hiệu sự tăng trưởng đang chậm lại.
Trong nước, các chỉ số kinh tế vĩ mô đang tốt lên: GDP quý II/2010 tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ, lạm phát tiếp tục duy trì ở mức thấp... Tuy nhiên, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định: “Các con số lạc quan chưa hẳn là niềm tin của thị trường đã lạc quan”. Chẳng trách dù đón nhận thông tin vĩ mô ổn định nhưng VN-Index vẫn lình xình quanh mức 500 điểm từ đầu năm đến nay.
Tại Hội nghị Đầu tư 2010, thay vì đưa ra dự báo về VN-Index, ông Dominic tìm cách vẽ lại bức tranh thị trường chứng khoán giai đoạn 2010 - 2011 thông qua xu hướng phát triển của từng ngành.
Nghiên cứu của Dragon Capital tại 50 doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán đã chỉ ra 2 nhóm ngành triển vọng nhất và cần thận trọng nhất trong giai đoạn 2010 - 1011.
Thực phẩm lên ngôi
Dù đứng sau ngành bảo hiểm và dịch vụ phần mềm về mức tăng giá cổ phiếu từ đầu năm đến nay, theo tính toán của Dragon Capital, nhưng phân tích sâu hơn cổ phiếu ngành thực phẩm có nhiều yếu tố hấp dẫn.
Thứ nhất, đà tăng giá của cổ phiếu ngành thực phẩm không dựa vào sự bứt phá của một vài cổ phiếu. Trong khi cổ phiếu bảo hiểm tăng mạnh là nhờ đà tăng của cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt (từ đầu năm đến nay giá BVH đã tăng 51%, sau khi có tin Ngân hàng HSBC tăng vốn vào BVH) thì các doanh nghiệp thực phẩm hầu như đều thể hiện kết quả kinh doanh tốt.
Nhiều doanh nghiệp ngành thực phẩm, cụ thể như Vinamilk (VNM) đang ra sức mở rộng thị trường, tiếp thị hiệu quả để nắm bắt nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng mạnh. Dragon Capital dự báo, tăng trưởng doanh thu năm nay của các doanh nghiệp thực phẩm sẽ đạt đến 48%. Ngoài ra, việc quản lý tốt chi phí, chuỗi giá trị và tận dụng cơ hội mua bán - sáp nhập cũng hứa hẹn giúp doanh nghiệp thực phẩm đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao.
Nhìn xa hơn, đến năm 2011, Dragon Capital cho rằng, thực phẩm sẽ tiếp tục tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ấn tượng, nhất là VNM. Tuy nhiên, Dragon Capital cũng lưu ý, đối với những doanh nghiệp có mức lợi nhuận đột biến ngoài ngành (như Kinh Đô - KDC) hay một số công ty thủy sản gặp khó khăn trong xuất khẩu lợi nhuận sau thuế có thể giảm đáng kể.
Tài chính thất sủng
Giảm giá mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm 2010 phải kể đến nhóm cổ phiếu ngân hàng. Ngành ngân hàng đang trải qua một năm nhiều thách thức. Lợi nhuận của ngân hàng bị ảnh hưởng do tăng trưởng tín dụng hạn chế, tỉ lệ lãi biên (NIM - chỉ số đo tỉ lệ sinh lời từ lãi suất cho vay của ngân hàng) bị thu hẹp, các mảng kinh doanh như vàng, chứng khoán không còn khởi sắc. Đặc biệt, các ngân hàng còn phải chịu áp lực tăng vốn để đảm bảo vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỉ đồng đến cuối năm 2010.
Vì thế, theo báo cáo của Dragon Capital, tính đến thời điểm này hoạt động tăng vốn diễn ra mạnh nhất ở ngành này (chiếm 53% tổng vốn tăng). Riêng 21 ngân hàng buộc phải tăng vốn trong năm nay đã “ngốn” khoảng 30.000 tỉ đồng. Vì thế, dù các ngân hàng đang kinh doanh có lãi nhưng nguy cơ pha loãng cổ phiếu (tăng trưởng EPS dự báo sẽ kém đi nhiều) khiến nhà đầu tư chưa muốn bỏ vốn vào cổ phiếu ngành này.
Ngành dịch vụ tài chính - chứng khoán, theo Dragon Capital, cũng không mấy sáng sủa. Lợi nhuận năm 2010 của các công ty chứng khoán có thể giảm mạnh do không còn các khoản hoàn nhập dự phòng và thị trường chứng khoán đã đi ngang từ đầu năm đến nay. Chưa kể, công ty chứng khoán phải cạnh tranh giành khách hàng rất gay gắt.
Nhìn rộng ra toàn thị trường, tỉ suất lợi nhuận của hầu hết các ngành sẽ khó đột biến, do chi phí đầu vào tăng, cạnh tranh ngày càng khốc liệt và thuế thu nhập doanh nghiệp tăng do đã qua giai đoạn ưu đãi thuế. Và vì thế, VN-Index cuối năm 2010 vẫn là ẩn số.
Ngọc Thủy
Nhịp cầu đầu tư
|