Ì ạch cổ phiếu bảo hiểm
Tương tự cổ phiếu ngân hàng (CPNH), cổ phiếu các ngành bảo hiểm (CPBH) cũng thiếu sức bật trong một thời gian dài. Nếu CPNH khiến nhà đầu tư “chán” vì số lượng lưu hành quá lớn nhưng không có sóng, CPBH lại khiến nhà đầu tư “ngán” vì xác định hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngành này không hề đơn giản.
*Lỗ sổ sách
Hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay đều lỗ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm và phải dựa vào đầu tư để sinh lời. Nhưng không như các doanh nghiệp sản xuất do làm ăn thất bại, doanh nghiệp bảo hiểm lỗ bắt nguồn nhiều từ các khoản trích dự phòng nghiệp vụ với 3 khoản chính bao gồm dự phòng phí, dự phòng bồi thường, dự phòng dao động lớn.
Trong đó dự phòng phí thường chiếm đến 15-20% trên doanh thu và nguyên nhân quan trọng khiến doanh nghiệp bảo hiểm bị lỗ. Chỉ khi nào dự phòng phí tương đương với vốn điều lệ, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không trích lập nữa, lợi nhuận từ kinh doanh bảo hiểm sẽ tích cực hơn, bởi lúc này chỉ còn trích lập 2 loại phí còn lại nhưng không đáng kể vì chỉ chiếm khoảng 3% doanh thu.
Mặc dù vậy, với quy mô vốn điều lệ lớn, thời gian để dự phòng phí tương đương vốn điều lệ không thể thực hiện được trong một sớm một chiều. Khoản dự phòng phí của BMI (Bảo Minh) đã tăng đáng kể từ 595 tỷ đồng vào đầu năm lên 715 tỷ đồng khi kết thúc quý II năm nay nhưng vẫn còn thấp hơn so với vốn điều lệ 755 tỷ đồng.
Như vậy, trong thời gian sắp tới khi dự phòng phí tương đương vốn điều lệ, lợi nhuận từ kinh doanh bảo hiểm của BMI sẽ có những chuyển biến tích cực. Điều này đã phần nào được thể hiện qua việc lợi nhuận thuần trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm của BMI trong quý II đạt 1,28 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2009 bị lỗ đến 27,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên cũng cần phải nói thêm rằng việc doanh nghiệp bảo hiểm lỗ còn bắt nguồn từ cuộc cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt, thậm chí còn hơn cả ngành ngân hàng. Những năm gần đây dù xuất hiện nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, sản phẩm bảo hiểm cũng tăng lên đáng kể nhưng cuộc đua chủ yếu nằm ở việc giảm giá thay vì nâng cao chất lượng dịch vụ.
Bên cạnh đó, việc liên tục đua tranh, mở rộng thị phần cũng làm gia tăng các khoản chi phí, hoa hồng cho nhân viên môi giới. Vì thế đối với nhà đầu tư thông thường, việc xác định hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm rất khó khăn nên việc mạnh dạn mua vào và nắm giữ CPBH đương nhiên sẽ khó có khả năng xảy ra.
Theo một số chuyên gia, nếu không thể đánh giá kỹ toàn bộ, nhà đầu tư nên cố gắng xem xét dòng tiền của các doanh nghiệp bảo hiểm như thế nào, tăng hay giảm, để từ đó tìm ra điểm tích cực.
*Băn khoăn đầu tư
Thực tế, các khoản dự phòng của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không “nằm im” tại doanh nghiệp mà sẽ được sử dụng để đầu tư và đây cũng là hoạt động sinh lợi chính. Từ đó có thể hiểu mặc dù “lỗ” hoạt động kinh doanh chính nhưng doanh nghiệp bảo hiểm lại được bù đắp bằng nguồn tiền lớn để đem đi đầu tư kiếm lời trở lại.
Như trường hợp của BMI, trong 126,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận từ hoạt động tài chính đã đóng góp đến 125,3 tỷ đồng. Nếu sử dụng phương pháp P/E để định giá cho CPBH, chữ E được tạo ra từ hoạt động đầu tư chứ không phải từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Nhưng vấn đề ở đây là việc sử dụng tiền để đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm phải được quản trị rủi ro ở mức độ cao nhất. Như vậy, các khoản đầu tư có khả năng đem lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp bảo hiểm cũng hiếm khi xảy ra.
Chính điều này đã góp phần quan trọng khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm thường không có tính đột biến, nên khả năng cổ phiếu nổi sóng đương nhiên cũng sẽ giảm.
Những khoản đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm nếu có sinh lợi cũng sẽ đòi hỏi thời gian dài như trường hợp Bảo Minh thành lập CTCK Bảo Minh, hay Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VNR) góp vốn vào TienPhongBank.
Ngoài ra, việc VN Index lình xình từ đầu năm đến nay chắc chắn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như giá trị danh mục mà các doanh nghiệp này đang nắm giữ.
Đối với các cổ đông lớn, việc tiếp cận doanh nghiệp bảo hiểm cũng không hề đơn giản. Thông thường chỉ những tập đoàn bảo hiểm lớn mới tiến hành mua vào các doanh nghiệp bảo hiểm, như trường hợp Tập đoàn Bảo hiểm AXA của Pháp nắm giữ 16,65% vốn điều lệ của BMI, hoặc Tập đoàn Bảo hiểm Swiss Reinsurance của Thụy Sĩ mua 25% cổ phần của VNR. VNR một thời gian dài quanh quẩn tại khu vực 2.3-2.4. Tại mức giá 1.9-2.0, P/E của BMI chỉ xấp xỉ 6 lần và giá trị sổ sách của cổ phiếu này cũng lên đến 3.0.
Tuy nhiên thời gian qua cổ phiếu này đi xuống nhiều hơn đi lên. Điểm cuối cùng ngăn cản nhà đầu tư tiếp cận với CPBH chính là khối lượng cổ phiếu lưu hành quá lớn. Thấp nhất là VNR và BMI nhưng khối lượng lưu hành cũng lần lượt là 67,21 và 75,5 triệu cổ phiếu, cao nhất như BVH lên đến 626,7 triệu cổ phiếu.
Hoạt động kinh doanh chính khó đánh giá chính xác, hoạt động đầu tư bấp bênh, nhà đầu tư khó tiếp cận và khối lượng cổ phiếu lớn đang tiếp tục là những rào cản khiến CPBH chưa thể bật lên trong ngắn hạn.
Đại Dũng
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|