Thứ Năm, 29/07/2010 18:54

Lãnh đạo CTCK chơi chứng khoán: Ai quản lý?

Vào những thời điểm thị trường tăng mạnh, đòn bẩy tài chính được tung ra, không chỉ các NĐT, một số nhân vật có vai trò quan trọng trong CTCK cũng tham gia.

*Bể kèo

Khi VN Index có dấu hiệu đi lên, nhiều CTCK cho phép NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ ký quỹ cao (đánh margin), thông thường 3:7, 5:5, 6:4… Nhưng riêng khách hàng đặc biệt có thể được đánh lên đến 10-15 lần, thậm chí không cần có tiền trong tài khoản.

Những nhân vật được ưu ái hơn cả NĐT VIP là các tổng, phó tổng giám đốc của chính CTCK, hoặc những người làm trong bộ phận tín dụng của CTCK. Đây là những người có thể hợp thức hóa những khoản vay ký quỹ của mình một cách dễ dàng.

Hồi tháng 10-2009, khi VN Index vượt ngưỡng 600 điểm, tại CTCK W., một vài lãnh đạo đã thông đồng với khách hàng VIP lạm dụng tiền vay từ CTCK của mình để mua ký quỹ gấp nhiều lần bình thường. Tổng tài sản của nhóm này chỉ có 20 tỷ đồng nhưng họ đã mua vào lượng CK có giá trị lên tới 170 tỷ đồng, trong đó chiếm giá trị lớn nhất là các mã VCG, GMD, KLS, CII, SJS...

Thế nhưng, thời điểm này “lạm phát” đòn bẩy tài chính khiến VN Index nhanh chóng giảm chỉ còn trên 430 điểm, số CP đó giảm đến 30-50% do nhóm này quyết giữ lại không bán ra vì sợ phải bù lỗ một khoản tiền quá lớn, chờ ngày lên trở lại.

Song trong suốt thời gian qua, thị trường luôn lình xình quanh mốc 500 điểm. Tính đến thời điểm hiện tại, giá trị của lượng CP này chỉ còn 100 tỷ đồng. Như vậy chỉ riêng khoản đầu tư danh mục này đã lỗ tới 70 tỷ đồng chưa kể tiền lãi, trong đó 20 tỷ đồng là tiền vốn, còn 50 tỷ là tiền vay. Lãi vào thời điểm cuối năm 2009 khoảng 16%/năm, với 150 tỷ đồng sẽ tương đương với số tiền lãi 24 tỷ đồng trong vòng một năm.

Theo ghi nhận của ĐTTC, hiện nay nhóm khách hàng VIP đã chuyển sang giao dịch tại công ty khác, đội ngũ lãnh đạo còn lại bị xiết nợ. CTCK W. rất khó khăn trong việc thu hồi nợ bởi quá trình xét duyệt và thẩm định cho vay đã được nhóm lãnh đạo này trực tiếp thẩm định qua ủy quyền của CTCK.

Trách nhiệm chồng chéo, họ chỉ có cách không cho nhóm nhân sự liên quan tới sự việc này nghỉ việc và liên tục đòi nợ trong nhiều tháng, đã phải dùng nhiều biện pháp như thương thuyết, đe dọa…, thậm chí thuê xã hội đen đòi nợ.

Trong đợt sóng penny vừa qua, một lãnh đạo CTCK N. cũng dùng tiền CTCK đánh ký quỹ mua 500.000 CP P. sắp niêm yết với giá 24.000-25.000 đồng/CP. Để những người khác chịu “im lặng”, vị này đem chia một lượng CP đó cho các trưởng phòng, ban…

Thế nhưng sự việc bị “bể kèo” do DN đó lại không niêm yết sớm như kế hoạch, giá CP rớt, nhanh chóng về khoảng 21.000 đồng/CP. Nhóm này đành ngậm ngùi ôm đống CP này và giải trình bằng nhiều cách nhằm che đậy những việc đã làm.

*Thanh - kiểm tra CTCK?

Một kẽ hở nữa cũng dẫn đến không ít rủi ro trong CTCK là cho phép những người ký quỹ rút khoản tiền lãi ngay sau khi tiền về tài khoản, cho dù họ vẫn chưa trả số tiền ký quỹ.

Thí dụ NĐT có 1 tỷ đồng được ký quỹ 2 tỷ đồng. Nhưng sau đó NĐT bán ra một lượng nhỏ CP, lãi được 200 triệu đồng, người này nhanh chóng rút ra 200 triệu đồng đó dù vẫn chưa trả số tiền ký quỹ ban đầu như thỏa thuận.

Hoặc như cán bộ tự doanh của CTCK S. cũng đã lạm dụng quyền tự doanh, với 2 tỷ đồng của cá nhân, họ đã yêu cầu cho đánh ký quỹ lên đến 20 tỷ đồng các mã ITC, NTB… để đẩy giá lên trước và sau đó sẽ mua vào bằng tiền tự doanh của công ty.

Thật không may, các mã này lại quay đầu giảm 30%. Cũng có không ít câu chuyện về một số nhân sự CTCK còn rút tiền tự doanh của công ty (do chính họ quản lý) để chơi cho cá nhân mình, đồng thời đánh margin với tỷ lệ lớn vào những dịp thị trường dậy sóng.

Những khoản tiền ký quỹ chủ yếu là vay ngân hàng. Thông thường, các hợp đồng này chỉ kéo dài trong khoảng 1 năm. Nếu lãnh đạo CTCK dùng đòn bẩy tài chính từ thời điểm VN Index 600 điểm vào tháng 10-2009, đến nay những khoản vay đó cũng sắp đáo hạn.

Như vậy thời điểm đang đến gần với áp lực không nhỏ cho các CTCK, hoặc phải tìm kiếm những nguồn vay mới để trả vào những khoản nợ cũ, hoặc bán đi tất cả số CP đó để trả nợ một phần. Nếu như có rất nhiều CTCK rơi vào tình cảnh như vậy, trong tình trạng ngân hàng thắt chặt tín dụng như hiện nay, việc bán ồ ạt CP ra sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường.

Thiết nghĩ, các CTCK và UBCKNN nên có những hành động kiểm soát chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn cho thị trường.

Khánh Ly

SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

Các tin tức khác

>   APS nâng bậc trong Top thị phần môi giới tại HNX (29/07/2010)

>   UPCoM-Index tăng nhẹ sau 9 phiên giảm điểm (29/07/2010)

>   Dominic Scriven: "Đoán chỉ số lúc này chẳng khác gì cá độ” (29/07/2010)

>   Cổ phiếu ngân hàng: Chờ sức bật (29/07/2010)

>   Tháng 8: Chữ “kỳ vọng” níu giữ nhà đầu tư (29/07/2010)

>   Cổ phiếu bất động sản, kỳ vọng chưa thành (29/07/2010)

>   Nhiều bất ngờ thị phần môi giới trên HNX (29/07/2010)

>   Thị trường ngày 29/07 và góc nhìn từ CTCK (28/07/2010)

>   UPCoM-Index giảm 1,68% (28/07/2010)

>   Làm giá cổ phiếu nhờ thông tin ‘vỉa hè’ (28/07/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật