Chứng khoán mệt mỏi với dòng tiền
Mặc dù lãi suất cơ bản hiện không còn nhiều ý nghĩa trên thực tế nhưng quyết định giữ nguyên lãi suất vừa qua của NHNN vẫn khiến thị trường thất vọng. Lãi suất huy động và cho vay vẫn cao, tăng trưởng tín dụng tiền đồng chậm chạp khiến TTCK ngày càng thiếu lửa.
Thị trường trước đó vẫn kỳ vọng vào một quyết định đột phá từ NHNN mặc dù lãi suất cơ bản chỉ mang tính danh nghĩa khi có cơ chế thỏa thuận lãi suất. Nguyên nhân là nhiều tháng nay, chuyện chỉ đạo hạ lãi suất cho vay và huy động vẫn nằm trong cuộc họp chứ biểu hiện trên thị trường vẫn không có gì thay đổi. Thị trường cần một thông điệp kiên quyết và mạnh mẽ. Thời điểm giữa quý III cũng được xem là phù hợp với chu kỳ kinh doanh khi DN cần vốn để đẩy mạnh sản xuất phục vụ cuối năm.
Mặt khác, các quyết định giữ nguyên lãi suất nhiều tháng trước đó, nguyên nhân cơ bản vẫn được đưa ra là lo ngại lạm phát. Vì vậy khi các quan chức khẳng định, cũng như số liệu thực tế 3 tháng gần đây cho thấy lạm phát không còn là mối lo nữa, thị trường càng kỳ vọng nhiều hơn. Trước thời điểm quyết định về lãi suất cơ bản tháng 8, thậm chí còn có thành viên hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ phát biểu “khuyên” nên hạ xuống 7%...
Quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản trong tháng 8 của NHNN không chỉ gây thất vọng, mà có thể còn được thị trường diễn giải rằng, nguyên nhân không hạ được lãi suất nằm ở vấn đề khác. Khả năng mở “kênh” vay liên ngân hàng khỏi giới hạn 20% cũng không được “đả động” đến. Ngay sau khi có quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản, NHNN cho đăng tải định hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Theo đó, NHNN xác định điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường theo hướng giảm dần thông qua các biện pháp: (i) Tăng lượng tiền cung ứng; (ii) Ổn định các mức lãi suất cơ bản và lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất nghiệp vụ thị trường mở và lãi suất hoán đổi ngoại tệ; (iii) Tăng thêm khối lượng vốn giao dịch qua thị trường mở với kỳ hạn và lãi suất hợp lý; (iv) Tiếp tục cho vay tái cấp vốn để hỗ trợ các ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng đối với nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa; (v) Phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng thúc đẩy các ngân hàng thương mại thực hiện đồng thuận về lãi suất huy động và cho vay theo hướng giảm.
Các giải pháp này thực ra không có gì mới và thị trường cũng đã “chán” với các giải pháp nếu biểu hiện thực tế không chuyển biến. Báo cáo mới nhất về hoạt động ngân hàng tuần đến 22.7 vẫn chưa ghi nhận một thay đổi nào trong lãi suất thị trường. Các hoạt động giao dịch trên thị trường liên ngân hàng chủ yếu là với kỳ hạn ngắn (qua đêm, 1-2 tuần) nhằm giải quyết thiếu hụt thanh toán, trong khi lãi suất vay kỳ hạn dài rẻ hơn lãi suất huy động vẫn không thu hút được giao dịch.
Hoạt động bơm ròng liên tục gần đây qua thị trường mở có vẻ khả quan nhất và nhiều tháng qua vẫn là kênh bơm vốn chủ đạo. Theo số liệu của CTCK Thăng Long, tuần từ 20-23.7, lượng vốn bơm ròng khoảng 5.597 tỉ đồng. Như vậy tính từ đầu tháng 7 đến nay, lượng bơm ròng khoảng 10.700 tỉ đồng. Tuy nhiên bơm vốn qua thị trường mở cũng chỉ giúp giải quyết nhu cầu ngắn hạn.
Cụm từ “nới lỏng chính sách tiền tệ” vẫn đang treo lơ lửng cùng kỳ vọng của thị trường. CTCK Thăng Long cũng đưa ra nhận xét đáng chú ý: “Khi NHNN tiếp tục mở rộng cung tiền, các ngân hàng có thể dùng chiến lược hoàn trả rồi vay lại liên tục để kéo dài thời gian vay”. Tuy nhiên điểm mấu chốt của vấn đề là dòng vốn vào (huy động) của các ngân hàng còn thu hẹp, lãi suất đòi hỏi cao thì khả năng hạ lãi suất cho vay khó khăn.
Trong khi chính sách tiền tệ vẫn chưa được nới lỏng, TTCK lại “gặp hạn” khi quá nhiều hoạt động hút tiền, trong đó đáng kể nhất là hoạt động phát hành thêm và cổ đông phải trả tiền dù được mua ưu đãi (không tính thưởng CP và trả cổ tức bằng CP). Hoạt động phát hành trái phiếu cũng khá rầm rộ gần đây. Áp lực tăng vốn của khối ngân hàng lên 3.000 tỉ đồng và từ tháng 10 tới đây là yêu cầu nâng tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) từ 8% lên 9%.
Điều không tốt với TTCK là tiêu chuẩn mới nâng cao hệ số rủi ro đối với các hoạt động như cho vay đầu tư CK, cho vay với các CTCK... khiến tỉ lệ CAR của ngân hàng giảm. Muốn tăng trở lại các ngân hàng phải cơ cấu lại vốn, bán bớt các khoản đầu tư hay hạn chế cho vay CK.
Dòng tiền hiện hữu trên thị trường hiện tại là bao nhiêu thì không ai có thể xác định được. Tuy nhiên, một điều khá rõ là thị trường đang rất mệt mỏi với sự “đỏng đảnh” của dòng tiền khi thanh khoản ngày càng thấp và lượng cung tăng mạnh mỗi khi có diễn biến phục hồi.
Hoàng Nguyên
LAO ĐỘNG
|