Chứng khoán đảo chiều bất ngờ: Có nên tiếc?
Với một nhà đầu tư lướt sóng lão luyện trong khi từ 48x - 50x là cả một quãng đường cần phải tranh thủ để gặt hái, thì nhiều nhà đầu tư lại bỏ qua để bây giờ hối tiếc.
Thị trường (TT) vừa qua diễn biến không như đa số NĐT (cả với tổ chức và các “đại gia”) mong đợi. Ảnh hưởng của TTCK quốc tế mà khởi đầu từ vấn đề nợ công Hy Lạp cùng với sự liên tuởng đến những khó khăn mà nền kinh tế Việt Nam (VN) đang vướng phải chỉ là một lý do. Nhưng lý do này chưa đủ sức nặng để TTCKVN sụt giảm thê thảm về 483 với hàng loạt mã CK giảm sàn dư bán tăng đột biến. Ai hưởng lợi từ đợt giảm giá vừa qua?
Sự tháo chạy của một vài nhóm “lái tàu” sau khi đã đạt lợi nhuận kỳ vọng trùng hợp vào thời điểm khủng hoảng nợ Hy Lạp xảy ra với những lệnh bán “khủng” là nguyên nhân chính khởi đầu cho sự hoảng loạn của TT. Khi nhóm này tháo chạy tác động rất lớn đến tâm lý của các NĐT nhỏ lẻ, và bản thân các “nhóm lái tàu” cũng không ngờ rằng biến động tâm lý của TT lại lớn đến như vậy, khiến cho các nhóm khác dù cố chống đỡ cũng không thể, đành phải cắt bán theo. Việc chất bán giá sàn với khối lượng lớn cho thấy CP nhỏ có số lượng đầu cơ nhiều hơn với blue-chips.
Phiên vừa qua có vẻ như kịch bản cũ hình như đang được tái diễn. blue-chips với chỉ số tốt vẫn chỉ có khối ngoại mua ròng với giá cả chẳng đột biến trong khi CP nhỏ nhiều mã lại tăng trần với dư mua rất lớn. Đặc biệt các mã CK “hàng nóng” được làm giá thời gian qua vẫn giữ được đà tăng. Có những mã nhỏ mà các thành viên trong ban lãnh đạo, ban kiểm soát hay các tổ chức bán ra rất nhiều mà lại cứ tăng trần.
Những hiện tượng bất thường trên, nhiều NĐT biết nhưng do ma lực tăng 5% hay 7%/phiên giao dịch, cộng với tâm lý mình sẽ là kẻ may mắn thoát hàng trước nên nhiều NĐT vẫn tham gia giao dịch, dù giao dịch với thái độ đầy cảnh giác bởi họ không biết được rõ ràng khi nào thì chiếc bẫy “xả hàng” sập xuống.
Hai vấn đề nan giải của TT
TTCK thế giới có thể tốt lên nhanh hơn so với dự báo do sự đồng thuận của các quốc gia trong một cộng đồng khi cùng tháo gỡ khó khăn. Mặt khác, do đặc điểm nội tại của nền kinh tế các nước phát triển chứa đựng các yếu tố tích cực cho việc ra khỏi khó khăn bất ngờ khi xảy ra sự cố (ví dụ: ICOR thấp, cơ cấu kinh tế hợp lý; xuất khẩu có lượng chất xám và giá trị gia tăng cao chứ không thuần tuý xuất khẩu nguyên liệu và hàng gia công...). Với VN thì TTCK không thể hồi phục nhanh và mạnh mẽ được, dù nền kinh tế thực có tốc độ tăng GDP cao hơn nhiều.
Hiện tại, TTCKVN vẫn đang đối diện với hai vấn đề nan giải:
(i)Tiền giải ngân từ tín dụng ra nền kinh tế tiếp tục thấp (tốc độ tăng dư nợ cuối tháng 5 mới đạt khoảng 29% kế hoạch năm) trong khi LS cho vay vẫn ở mức cao (15%-17%/năm). Một khi tín dụng còn tăng trưởng chậm và lãi cao thì các BCs với đặc điểm kinh doanh là tiêu thụ nguồn vốn lớn cũng không dám vay để mở rộng kinh doanh, điều này ảnh hưởng đến lợi nhuận kế hoạch, như thế giá CK của BCs khó mà lên được.
(ii) Về tỉ giá, việc giữ tỉ giá VND/USD ổn định như vừa qua khi USD lên giá so với nhiều ngoại tệ mạnh có nghĩa VND còn lên giá hơn so với USD. Điều này không hề tốt cho xuất khẩu cũng như không có lợi cho việc giải ngân các dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh hơn nữa (ví dụ: 1USD = 19.000VND mua được 1 CP X., nếu giá thay đổi thành 1USD = 19.200VND thì NĐT nước ngoài có thể mua lượng hơn 1CPX. VN không thuộc nhóm các quốc gia XK vàng nên nhập siêu giảm do XK vàng không mang nhiều ý nghĩa thực tế. Xuất lúc này, lại sẽ bị áp lực nhập lúc khác để cân bằng giá ổn định thị trường mà thôi.
Tỉ giá sẽ là một vấn đề nhức đầu khi mà xuất khẩu các mặt hàng đã vay VND với lãi suất USD (hay vay USD) không tăng như dự kiến. Do dự trữ ngoại hối của quốc gia đang ở mức thấp nên khả năng bán USD dự trữ để can thiệp cho TT ngoại hối là có hạn, trong khi chỉ cần ách tắc một lượng nhỏ nhu cầu USD không được đáp ứng kịp thời, hay chỉ được đáp ứng nhỏ giọt sẽ khiến cho TT ngoại tệ phản ứng thái quá ngay.
Chọn CP lợi nhuận cao
Việc giảm lãi suất vay tín dụng NH đang ngày càng trở nên xa vời. Tỉ giá có biến động hay không phải chờ cho một vòng quay vốn chậm nhất là 6 tháng (nghĩa là đến cuối tháng 8.2010) mới biết rõ. Như vậy các khó khăn nội tại của nền kinh tế không dễ tháo gỡ, TTCK sẽ còn nhiều gập ghềnh.
Quý II/2010 dự đoán chỉ những DN có lợi nhuận ấn tượng thì giá CP mới tăng. Những DN này thuộc các ngành: Xây dựng; sản xuất các mặt hàng cần thiết cho việc sản xuất hàng hóa trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ thương mại; một số các DN BĐS đã có đất sạch, có dự án đã thu xếp xong nguồn tài chính và đang thi công.
Với các NĐT lướt sóng thì không nên phân biệt CP và cũng không nên đánh đồng tất cả các CP nhỏ thời gian qua được bơm thổi đều là hàng “dỏm”, bởi trong đó có không ít những CP mà chỉ số cũng như khả năng lợi nhuận cao còn hơn nhiều blue-chips. Tuy nhiên, với các NĐT theo trường phái giá trị sẽ thấy nhiều blue-chips đang gặp phải những khó khăn chỉ là tạm thời.
Theo thời gian, vấn đề sẽ được giải quyết, lúc đó giá blue-chips sẽ tiến vượt xa so với mức tăng bình quân chung của TT. Có thể đây là lý do chính khiến khối ngoại mua ròng tập trung vào các DN có tầm ảnh hưởng lớn đến TT chung. Cơ hội không chỉ đến một lần và nếu kiên nhẫn, NĐT vẫn có thể nắm lấy cơ hội với mức độ rủi ro thấp hơn.
Cẩm An
lao động
|