Đến hạn lo soát xét báo cáo bán niên
Nhằm nâng cao chất lượng báo cáo tài chính, bắt đầu từ năm 2010, các DN niêm yết phải thực hiện báo cáo soát xét bán niên (6 tháng đầu năm), bởi một công ty kiểm toán được chấp thuận. Đến thời điểm này, DN đã chuẩn bị như thế nào cho việc soát xét?
CTCP Thủy sản Minh Phú (MPC) là DN không ít lần xin gia hạn nộp báo cáo tài chính kiểm toán. Điều này do MPC có nhiều công ty con, nằm rải rác nhiều nơi. “Với những DN là công ty mẹ có nhiều công ty con, cần cho phép thêm thời gian để thực hiện soát xét. Nếu không, việc chậm nộp sẽ lại diễn ra”, ông Lê Văn Điệp, Phó tổng giám đốc MPC nói. Trong khi đó, các công ty kiểm toán cũng phải thực hiện soát xét nhiều công ty khác, nên thiếu nhân lực để làm.
Theo Thông tư 09/2010/TT-BTC về công bố thông tin trên TTCK, tổ chức niêm yết phải lập và công bố thông tin về báo cáo tài chính bán niên, được soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày kết thúc quý 2 hàng năm. Trường hợp tổ chức niêm yết là công ty mẹ phải lập báo cáo tài chính hợp nhất thì thời hạn công bố thông tin là 60 ngày kể từ ngày kết thúc quý 2 hàng năm. Báo cáo tài chính bán niên được công bố trên phương tiện công bố thông tin của UBCK, Sở GDCK và trang thông tin điện tử của tổ chức niêm yết và phải lưu trữ ít nhất trong vòng 10 năm tiếp theo tại trụ sở chính của tổ chức để NĐT tham khảo. |
Ông Điệp cho biết, hiện Công ty tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực kế toán hiện hành, chỉ có điểm khác biệt giữa DN và công ty kiểm toán là việc trích lập giảm giá chứng khoán cho những cổ phiếu trên thị trường OTC không có giao dịch.
Việc soát xét bán niên giúp DN giảm được công việc vào cuối năm, đồng thời chấn chỉnh kịp thời những phát sinh về kế toán, kiểm toán. Để công ty kiểm toán thực hiện soát xét bán niên, phía DN phải chuẩn bị đầy đủ như cho một cuộc kiểm toán.
Theo ông Phạm Văn Toán, Kế toán trưởng CTCP Sông Đà 3 (SD3), việc tuân thủ yêu cầu thực hiện soát xét báo cáo tài chính bán niên theo Thông tư -09/2009/TT-BTC khiến Công ty gặp một số khó khăn. Do SD3 có nhiều đơn vị thành viên nằm rải rác trên cả nước, nên khi thực hiện soát xét phải tập hợp kế toán của mỗi xí nghiệp tại trụ sở chính của Công ty. Trong khi đó, SD3 là đơn vị xây lắp, dòng tiền thường về vào cuối năm, nên việc soát xét bán niên cũng không có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, do là yêu cầu bắt buộc về công bố thông tin đối với một DN niêm yết, nên SD3 vẫn tuân thủ. Thực hiện soát xét, mức phí dành cho kiểm toán của Công ty sẽ tăng từ 100 triệu đồng lên khoảng 140 triệu đồng.
Đại diện CTCP Khoáng sản Mangan cho biết, mặc dù có quy mô vốn nhỏ (trên 12 tỷ đồng), nhưng ngay từ năm 2009 Công ty đã thực hiện soát xét hàng quý. Do đó, việc đáp ứng yêu cầu soát xét bán niên đối với DN không phải là vấn đề lớn. Chỉ có điều, DN sẽ phải dành nhiều thời gian cho việc xác nhận công nợ và hồ sơ đầy đủ cho việc soát xét.
Ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam cho biết, việc thực hiện soát xét báo cáo tài chính bán niên không tạo ra áp lực lớn với các công ty kiểm toán. Bởi vào thời điểm giữa năm cũng là lúc công việc kiểm toán báo cáo tài chính năm trước đó của các DN kết thúc. Báo cáo soát xét bán niên đơn giản hơn báo cáo kiểm toán, nên công ty kiểm toán đáp ứng được nhanh hơn.
Tuy nhiên, theo ông Mai, có ít nhất 3 điểm làm ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính soát xét, cũng như báo cáo kiểm toán hiện nay. Trước hết là mức phí kiểm toán hiện rất thấp, khiến các công ty kiểm toán không thể thực hiện hết quy trình thủ tục của một cuộc kiểm toán và soát xét. Ngay cả khi tăng phí lên 20 - 30% do thực hiện thêm soát xét bán niên thì cũng vẫn là thấp so với yêu cầu. Việc thu phí thấp sẽ khiến công ty kiểm toán không có điều kiện trả lương cao, giữ chân người giỏi và chất lượng báo cáo kiểm toán sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ hai, cần khuyến khích các DN thay đổi niên độ tài chính, thay vì dồn hết vào ngày 31/12 như hiện nay. “Đây chỉ là một thói quen, nhưng lại gây ra không ít hệ lụy. Không chỉ các công ty kiểm toán thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm, mà những hoạt động khác như ĐHCĐ, quyết toán thuế…, cũng dồn vào thời điểm đầu năm. Khi khối lượng công việc lớn, lại chịu sức ép về thời hạn nộp báo cáo, thì khó đảm bảo được chất lượng báo cáo kiểm toán cao”, ông Mai nói.
Điểm thứ ba, để nâng cao chất lượng kiểm toán, các DN niêm yết cần ký sớm hợp đồng kiểm toán, giúp công ty kiểm toán có kế hoạch chuẩn bị về nhân lực và nắm bắt sớm các hoạt động của DN.
Đông Hải
Đầu tư chứng khoán
|