CTCK 100% vốn ngoại sắp tới “giờ G” vào Việt Nam
Theo cam kết WTO, tháng 1/2010, CTCK, công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài, chi nhánh của CTCK nước ngoài sẽ chính thức được phép đặt chân vào TTCK Việt Nam. Tính ra, chỉ hơn 1 năm nữa, CTCK "nội" sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các đôi thủ "ngoại" ngay trên sân nhà. Khả năng giành thế chủ động của các CTCK trong nước đến đâu, cơ quan quản lý có đối sách gì để giúp CTCK hội nhập thành công là nội dung cuộc trao đổi giữa ĐTCK với ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).
Xin ông cho biết lộ trình thực hiện cam kết WTO trong lĩnh vực chứng khoán. Việc triển khai các cam kết này tác động ra sao đến TTCK?
Theo Biểu cam kết về dịch vụ chứng khoán của Việt Nam, ngay khi gia nhập WTO vào đầu năm 2007, các CTCK, công ty quản lý quỹ nước ngoài được phép góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty liên doanh với mức vốn tham gia tối đa 49%.
Lộ trình mở cửa mà Việt Nam cam kết là cho phép thành lập CTCK, công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam sau 5 năm kể từ ngày gia nhập. Theo đó, tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ chứng khoán sẽ được mở ở mức tối đa vào năm 2012.
Gia nhập WTO là một sự kiện quan trọng góp phần gia tăng dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Sự hiện diện và vai trò của NĐT nước ngoài, đặc biệt là các NĐT chuyên nghiệp, có tổ chức là yếu tố tích cực đối với sự phát triển của TTCK. Giá trị danh mục của NĐT nước ngoài, trong đó có một số tổ chức tài chính lớn như JP Morgan, Menyll Lynch, Citigroup..., hiện đạt gần 6 tỷ USD.
Sự có mặt của các quỹ đầu tư NĐT nước ngoài có tổ chức đã góp phần giúp chuyên nghiệp hóa TTCK Việt Nam, nhờ đó các kinh nghiệm về kỹ thuật đầu tư, kỹ năng phân tích, quản trị công ty... được nâng cao.
Việc thực thi các cam kết trên mang lại cơ hội và thách thức nào đối với CTCK Việt Nam, thưa ông?
Khi mở cửa thị trường dịch vụ tài chính theo cam kết WTO, các CTCK, công ty quản lý quỹ trong nước phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt với các CTCK nước ngoài. Thách thức đặt ra cho các tổ chức dịch vụ chứng khoán trong nước là: khả năng về vốn rất hạn chế, bởi các CTCK hiện có quy mô vốn quá nhỏ so với các tập đoàn kinh doanh chứng khoán nước ngoài; thiếu chiến lược kinh doanh bài bản, phần lớn thua kém về kỹ năng quản lý so với các tổ chức dịch vụ chứng khoán nước ngoài; công nghệ nghèo nàn, lạc hậu do khó khăn về vốn và nhân lực...
Theo ông, các CTCK cần lưu ý những gì để chủ động hội nhập thành công?
Các CTCK cần hiểu và phát huy thế mạnh của mình, biến những thế mạnh đó thành lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập. Các CTCK nên tranh thủ sự am hiểu đặc tính về văn hóa, thị trường và môi trường đầu tư để chiếm lĩnh thị trường trước khi tổ chức nước ngoài thâm nhập. Cần phát huy thế mạnh là gần gũi với các DN và NĐT trong nước, để tạo lập hệ thống khách hàng ổn định, đặc biệt là các CTCK có công ty mẹ là các ngân hàng, công ty bảo hiểm... Đây là một lợi thế mà các CTCK cần triệt để phát huy, vì các tổ chức dịch vụ nước ngoài không thể thiết lập được mạng lưới khách hàng trong thời gian ngắn. CTCK cũng cần tập trung củng cố chất lượng nguồn nhân lực, tiếp cận các sản phẩm mới của thế giới, hiện đại hoá công nghệ, nâng cao tiềm lực tài chính...
Về phần mình, UBCK có những đối sách gì để hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh?
Việc thực thi các cam kết WTO không chỉ tạo sức ép đối với DN, mà cả cho cơ quan quản lý. Cụ thể, đó là thách thức trong quản lý dòng vốn nước ngoài, để vừa tăng thu hút dòng vốn này cho TTCK, vừa sử dụng đúng mục đích, phòng tránh khủng hoảng trong trường hợp dòng vốn đảo chiều tác động bất lợi lên ổn định kinh tế vĩ mô.
Bởi vậy, cùng với nâng cao năng lực quản lý, UBCK luôn tích cực củng cố khung pháp lý, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Ngoài ra, hệ thống văn bản dưới Luật Chứng khoán đã được ban hành tương đối đầy đủ tạo hành lang pháp lý minh bạch cho các DN, NĐT nước ngoài tham gia TTCK.
Hiện UBCK đang triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho các định chế trung gian thị trường trong nước, tiến tới mở rộng hoạt động ra thị trường khu vực và thế giới.
Cơ quan quản lý khuyến khích các công ty cung cấp dịch vụ chứng khoán gia tăng tiềm lực tài chính, yêu cầu DN áp dụng các tiêu chuẩn quản trị công ty theo thông lệ quốc tế tăng cường năng lực công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Hệ thống giám sát, thanh tra để phát hiện, xử lý vi phạm trên TTCK cũng được tăng cường.
Đặc biệt, UBCK đang nghiên cứu để đưa ra nhiều sản phẩm tài chính mới, nhất là sắp tới có thể xem xét cho phép thành lập quỹ mở hoạt động tại Việt Nam để nâng cao tính thanh khoản và chuyên nghiệp cho TTCK.
Hữu Hòe
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|