Cổ phiếu nhỏ lại "dậy sóng”: “Vòng hai” - hay cái bẫy?
Liên tiếp 5-6 phiên gần đây, thanh khoản toàn thị trường sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, nhóm CP nhỏ sau một đợt lao dốc không phanh lại bắt đầu tăng nóng trở lại. Liệu dòng tiền đầu cơ đang muốn đẩy giá lên để làm “vòng” thứ hai, hay chỉ nhằm lôi kéo số đông để có thể thoát lượng hàng bị kẹt lại?
Quá khứ lặp lại?
Thanh khoản sụt giảm là diễn biến đáng chú ý nhất. Trên sàn HoSE, tính chung 4 phiên giao dịch tuần này, lần đầu tiên sau gần 4 tháng thị trường mới lại chứng kiến quy mô khớp lệnh bình quân dưới 1.300 tỉ đồng/phiên. Tính chung cả hai sàn, đến nay lượng vốn vào cũng chỉ đạt bình quân 2.156 tỉ đồng/phiên sau 7 tuần liên tục trước đó duy trì ở mức 3.000-4.000 tỉ đồng/phiên.
Theo nhận xét của CTCK Sacombank, khi thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh với thanh khoản ở mức trung bình thấp thì khả năng dòng tiền quay trở lại với các mã CP nhỏ là rất cao. Đây có thể là kịch bản cũ của thị trường như đợt đầu tháng 4 vừa qua khi dòng tiền chưa thực sự mạnh.
Một suy luận phổ biến hiện nay là các CP lớn thường có quy mô vốn hóa cao, tuy tác động mạnh lên Index nhưng để đẩy giá lên cần một lượng tiền đủ lớn. Hiện tại lượng tiền sẵn sàng mua trên thị trường không dồi dào nên cơ hội nhiều nhất lại thuộc về nhóm CP nhỏ, cũng giống thời điểm tháng 4 vì dòng vốn hiếm khi chịu nằm yên.
Quả thực hai phiên gần đây khi đa số blue-chips lình sình thì hàng loạt CP nhỏ lại bắt đầu tái diễn cảnh tăng giá kịch trần, được chặn mua lớn và thanh khoản thấp. Ngày 27.5, tại HoSE có 27 mã kịch trần (phiên trước có 83 mã) và tại HNX có 52 mã (phiên trước là 105 mã), trong đó hầu hết là các CP nhỏ. Đơn cử một số mã đáng chú ý tăng trần hai phiên liên tục như MCG, ATA, MCV, PTC, VSP, BTH, DCS, PDC, PVA, PVC, MAC...
Nổi sóng để thoát hàng?
Một thực tế là đa số các CP nóng trong tháng 4 vừa qua đều đem về một tỉ suất lợi nhuận quá “khủng” nếu NĐT nào may mắn vào đúng đáy và thoát ra đúng đỉnh (xem bảng). Dĩ nhiên cơ hội “ăn” trọn con sóng tăng là rất thấp, nhưng mức lợi nhuận này cũng đủ làm hoa mắt và không ít NĐT. “Khó NĐT nào cưỡng lại được một cơ hội sinh lời cao như vậy. Nếu lại có một con sóng thứ hai NĐT đã bỏ lỡ chịu sao nổi?” - một NĐT chia sẻ trên diễn đàn.
Cùng chung nhận định này, khối phân tích của CTCK Âu Việt cho rằng thị trường đang bị chi phối chủ yếu bởi các NĐT cá nhân Việc các CP rớt giá mạnh thời gian qua từ 30-50% là một yếu tố kích thích rất lớn cho nhiều NĐT lướt sóng và tâm lý dường như chuyển dịch nhanh từ sợ khủng hoảng sang sợ “lỡ sóng”.
Theo nhận xét của CTCK Vincom, hiện tượng “nóng” trở lại ở nhiều mã CP nhỏ khiến NĐT có xu thế nghĩ rằng vẫn là thời của các CP penny. “Chúng tôi cho rằng đây là nhóm CP mà lượng hàng “kẹp” giá cao khá nhiều và việc mua bình quân để kéo giá lên không phải là điều quá ngạc nhiên trong bối cảnh thị trường có tín hiệu phục hồi.
Ngoài ra, có một số mã trong nhóm này xuất hiện hiện tượng “tua” vòng 2 và hiện tượng đánh đẩy lên để đẩy nhóm đánh xuống phải mua lại với giá cao hơn. NĐT nếu có ý định mua vào nhóm CP này cần cân nhắc thật kỹ bởi rất có thể sẽ dính “bẫy” tăng giá”.
Cũng theo phân tích này, một số CP nhỏ cũng tiến gần về vùng giá chấp nhận dựa trên các yếu tố cơ bản. Tuy nhiên do lượng NĐT mắc kẹt trên các vùng giá cao khá nhiều nên có thể sẵn sàng cắt lỗ giá tiếp tục tăng.
Ngoài ra, có một số trường hợp NĐT cháy tài khoản khi mua CP nhỏ ở mức giá cao, thậm chí là nợ lại các CTCK, thì áp lực cung với nhóm này là rất lớn. Chỉ cần có tín hiệu đảo chiều, nhóm CP này khả năng sẽ sớm “đứt gánh giữa đường”. “Một lần nữa chúng tôi khuyên NĐT nên thận trọng trong việc “đua trần” nhóm CP nhỏ nếu hiện tượng tiết cung vẫn xảy ra”.
Thống kê với một số mã đang tăng trần trên cả hai sàn gần đây có thể thấy nhiều CP gần như đã trở về điểm xuất phát. Một số lớn khác giảm trở về mức hỗ trợ cơ bản theo phân tích kỹ thuật. Do đó việc quay đầu phục hồi là có thể dự đoán được.
Tuy nhiên, nếu phân tích theo khối lượng, lượng CP tích lũy trong chiều giá lên đều lớn hơn nhiều khối lượng được giải phóng trong chiều giá xuống. Điều đó có nghĩa là một bộ phận lớn NĐT vẫn đang chấp nhận lỗ hoặc không thể thoát ra hết do lực cầu đối ứng không đủ.
Cơ hội thắng trong “vòng hai” vẫn có nếu sóng đủ dài và NĐT đủ tỉnh táo để kiềm chế lòng tham. Lợi nhuận luôn đi cùng với rủi ro và điều quan trọng là NĐT phải biết khi nào lợi nhuận không đủ bù đắp lại rủi ro để chấp nhận chủ động “lỡ sóng”.
Hoàng Nguyên
lao động
|