Thứ Sáu, 28/05/2010 06:58

Mua thiếu, bán khống

Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) liên tục từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5 đã cảnh cáo một số công ty chứng khoán (CTCK) bị thiếu tiền khi đến hạn thanh toán bù trừ. Chuyện một số CTCK ưu ái cho khách hàng mua chứng khoán khi không có tiền vẫn liên tiếp xảy ra.

Cam kết khắc phục?

CTCK An Thành (ATSC) là đơn vị bị VSD nhắc nhở đến hai lần trong thời gian qua. Cụ thể ATSC đã thiếu số tiền gần 35 tỉ đồng trong tài khoản môi giới trong nước. Do đó khi đến ngày thanh toán bù trừ, VSD phải làm thủ tục cho ATSC vay tiền từ Quỹ hỗ trợ thanh toán để bù đắp số tiền thiếu hụt trên. Tương tự CTCK An Phát (APSI) cũng bị nhắc nhở vì lỗi vi phạm tương tự.

Trong khi đó, CTCK châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lại bị VSD cảnh cáo vì thiếu số dư của nhiều mã chứng khoán (CK) khi đến thời điểm thanh toán. Thiếu tiền nay thiếu chứng khoán trong tài khoản môi giới trong nước đồng nghĩa với việc các CTCK này đã cho khách hàng mua CK nhưng không có tiền và bán “khống” CK. Rõ ràng đây là việc làm vi phạm các quy định về giao dịch CK hiện nay.

Bà Phương Hoàng Lan Hương - Giám đốc VSD - cho biết trong trường hợp các công ty trên vì mức độ vi phạm chưa lớn, chưa ảnh hưởng đến tình hình thanh toán bù trừ của toàn hệ thống nên chỉ mới cảnh cáo. Hiện các CTCK này đã có công văn giải trình và cam kết khắc phục. “Nếu tần suất vi phạm gia tăng, mức độ ảnh hưởng lớn thì VSD sẽ có các biện pháp chế tài mạnh hơn theo quy định. Thậm chí đề nghị Ủy ban Chứng khoán nhà nước tiến hành thanh kiểm tra quy trình hoạt động của các CTCK vi phạm”, bà Phương Hoàng Lan Hương nói.

Liên quan đến vấn đề cho phép bán CK trước ngày T+4, bà Phương Hoàng Lan Hương khẳng định hiện nay CTCK nào vi phạm sẽ bị phát hiện ngay. Bởi VSD đã áp dụng việc quản lý đến tài khoản CK của nhà đầu tư (NĐT) từ tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, việc quản lý tài khoản tiền của các NĐT thì lại không thuộc phạm vi của VSD.

Chưa triệt để

Trên thực tế, khá nhiều CTCK hiện vẫn đang quản lý tài khoản tiền của NĐT, mặc dù quy định chuyển tài khoản tiền của NĐT sang ngân hàng đã hết hạn từ cuối năm 2008. Lý do mà các CTCK đưa ra là do quá trình đầu tư cho công nghệ chưa hoàn tất. Nguyên nhân chính của việc này là do nhiều CTCK muốn sử dụng tài khoản chung của mình để dễ dàng cho việc thanh toán bù trừ vào cuối mỗi phiên giao dịch. Khi đó, CTCK có thể ưu ái cho một số khách hàng mua CK khi chưa đủ tiền. Bởi đến cuối ngày, tài khoản chung của CTCK đó vẫn đảm bảo số dư để thực hiện thanh toán bù trừ thì VSD cũng khó phát hiện. Trong trường hợp nếu như áp dụng quy trình thanh toán trực tiếp từ tài khoản NĐT thì rõ ràng sẽ không có chuyện được mua thiếu. Tất nhiên trong trường hợp tài khoản NĐT được quản lý bởi ngân hàng thì cũng không được phép mua CK nếu không có đủ tiền trong tài khoản. Đó là chưa kể số dư tiền của NĐT đang nằm tại tài khoản ở các CTCK lại không được hưởng mức lãi suất như trên tài khoản ở ngân hàng.

Một môi giới CK cho biết ngay cả CTCK không có nghiệp vụ tự doanh cũng có thể cho khách hàng bán khống CK. Đơn giản các CTCK chỉ cần lập ra một tài khoản C khác để giao dịch và thực hiện thanh toán bù trừ sau đó. Những rủi ro như khi CTCK bị mất khả năng thanh toán về cả tiền hay CK đều có thể xảy ra. Khi đó việc ảnh hưởng đến giao dịch của toàn thị trường cũng không tránh khỏi.

Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM cho rằng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần phải thực hiện triệt để quy định chuyển tài khoản tiền của NĐT sang ngân hàng. Từ đó cũng sẽ kiểm soát được nguồn tín dụng từ ngân hàng chạy vào CK là bao nhiêu để có thể kiểm soát rủi ro. Việc thực hiện cho vay cầm cố CK, thanh toán tiền mua, tiền gửi... là nghiệp vụ riêng của ngân hàng với NĐT và  cũng ít rủi ro hơn khi CTCK thực hiện. Bản thân CTCK chỉ nên thuần túy làm hoạt động môi giới CK. Từ đó sẽ tránh được những rủi ro liên quan đến hoạt động thanh toán. Hơn nữa, khi quy định đã ban hành thì cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra kiểm soát để đảm bảo các thành viên tham gia thực hiện đúng. Nếu thực hiện “nửa mùa” như hiện nay thì càng thể hiện rõ sự mất công bằng trong quy trình giao dịch CK và NĐT sẽ cảm thấy bị thiệt thòi.

Mai Phương

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   Thị trường ngày 28/05 và góc nhìn từ CTCK  (28/05/2010)

>   NVC ra khỏi diện cảnh báo từ ngày 28/05 (28/05/2010)

>   FPT và Mekong Capital cùng đầu tư vào VAS (27/05/2010)

>   Cho nhà đầu tư bán trước ngày T+4, APG bị phạt 70 triệu đồng  (27/05/2010)

>   SJM: Thông báo nhận giấy chứng nhận sở hữu cp (27/05/2010)

>   PHC thành lập công ty thương mại vốn 10 tỷ đồng (27/05/2010)

>   MEC lấy ý kiến tăng vốn điều lệ lên 143.5 tỷ đồng (27/05/2010)

>   Cofico chốt danh sách họp ĐHĐCĐ thường niên  (27/05/2010)

>   FPT dự kiến năm 2011 phóng vệ tinh đầu tiên (27/05/2010)

>   TTCK: Vẫn vắng bóng nhiều “đại gia” (27/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật