Cá tra sang Mỹ: Tra hay trơn, không nên cãi lý
Những người sản xuất và kinh doanh cá tra ở nước ta đang chờ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack, trong một quyết định chuẩn bị ban hành trả lời các câu hỏi mà họ đang rất quan tâm.
Đại loại như : “Loại cá này của Việt Nam có phải là cá da trơn hay không? Nếu phải thì, khi bán vào Mỹ sẽ bị giám sát ngặt nghèo như cá da trơn, cần làm gì trước vấn đề phức tạp này?”.
Không nên cãi lý
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Sản xuất & Tiêu thụ Cá tra Vùng ĐBSCL, Cao Đức Phát, cho biết, ông đã sang Mỹ đàm phán với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và đại diện nhiều cơ quan chức năng ở Quốc hội và Chính phủ Mỹ.
Ông đề nghị theo dõi sát tình hình thị trường Mỹ để kịp thời xử lý. “Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật kiểm tra chặt chẽ chất lượng sản phẩm và cả quy trình sản xuất cá da trơn. Tuy nhiên, cá tra của Việt Nam có bị coi là cá da trơn hay không thì Bộ Nông nghiệp Mỹ chưa quyết định”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Năm 2002, cá tra của Việt Nam bán vào Mỹ bị ngành kinh doanh cá da trơn của Mỹ buộc không được mang tên cá da trơn. Nay họ lại gây áp lực để gọi cá tra của Việt Nam là cá da trơn. Phải chăng, cũng cần đấu tranh với cách nói khi thế này khi thế khác của anh nhà giàu?
Không nên cãi lý như thế. Phía Mỹ sẽ bảo, trước đây không gọi nhưng nay gọi cá tra là cá da trơn thì làm thế nào? Nếu cãi nhau sẽ không đi đến đâu. Chúng ta đấu tranh phải trên cơ sở khoa học để bảo vệ quan điểm đúng của chúng ta.
Tôi đã đưa một quan chức của Mỹ đi thăm vùng nuôi cá tra. Vị này thừa nhận chúng ta nuôi cá tra đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, khi đàm phán thì phải có căn cứ.
Chẳng hạn, bảo nguồn nước không ô nhiễm thì phải thiết lập hệ thống quan trắc, thu thập thông tin theo quy định, rồi chủ động công bố cho toàn thế giới biết.
Thực ra, vấn đề lớn nhất của sản phẩm cá tra hiện nay là gì?
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các quá trình sản xuất, kinh doanh phải đăng ký tiêu chuẩn. Đăng ký từ hộ nuôi để cấp mã vạch, để có thể truy xuất nguồn gốc.
Nuôi cá tra là ngành kinh doanh có điều kiện. Phải khắc phục tình trạng khập khiễng là doanh nghiệp không nắm được sản lượng của người nuôi, người nuôi không nắm được thị trường. Giống, thức ăn, môi trường đều phải đảm bảo chất lượng.
Tóm lại, sản xuất và tiêu thụ phải quyết liệt tổ chức lại. Những cơ sở vi phạm phải bị xử lý, như làm ô nhiễm môi trường dứt khoát xử lý, nếu không khắc phục sẽ đóng cửa. Khi tất cả đều tốt, Bộ trưởng đi đàm phán mới nói tốt được.
Công tác quảng bá sản phẩm, bảo vệ và mở rộng thị trường, thời gian qua có vẻ còn bị động?
Đúng là chúng ta còn bị động đối phó. Nơi nào kêu ca, nói xấu thì mới lo chống đỡ, thanh minh. Việc tham gia hội chợ quốc tế cũng vậy, từng ngành từng sản phẩm còn riêng rẽ.
Các quan chức trong đoàn quảng bá cũng không nên theo quy trình cũ là ngày đầu thăm hội chợ, ngày sau gặp doanh nghiệp, ngày thứ ba dự hội thảo rồi về.
Cần phải làm có bài bản hơn, phối hợp các bộ ngành, chuẩn bị kỹ, chủ động giới thiệu nhiều mặt hàng. Việc chủ động bảo vệ và mở rộng thị trường, vừa rồi Bộ NN&PTNT đạt được kết quả rất tốt với thị trường Nga.
Khi Nga tạm ngừng xuất khẩu cá tra, muốn chỉ đàm phán với một đối tác Việt Nam, Bộ NN-PTNT thành lập “Ban Điều hành Xuất khẩu cá tra sang Nga” để chủ động đàm phán và Nga đã mở cửa trở lại.
Đừng phương hướng chung chung
Từ sản xuất nhỏ và tự phát đi lên có quá nhiều việc phải làm để nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra. Nhưng, trước mắt, quản lý nhà nước sẽ làm gì?
Trong quý 3/2009, thành lập các đoàn kiểm tra chất lượng giống, thức ăn, thuốc thú y, nhà máy chế biến. Bộ kiểm tra và các tỉnh, thành phố có diện tích nuôi cá tra cũng phải thường xuyên kiểm tra để chấn chỉnh sai phạm.
Phải kiểm tra cả quy hoạch và chính sách kích cầu của Chính phủ đối với người nuôi, xem việc hỗ trợ lãi suất vốn vay có đến được với người nuôi hay không.
Với người nuôi nhỏ lẻ, đang rất khó khăn vì thua lỗ mấy vụ trước, hầu như không thể vay mới nên cũng không được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ?
Các địa phương phải thống kê, bao nhiêu người nuôi nhỏ lẻ, bao nhiêu người vay vốn và đang nợ nần, khó khăn cụ thể như thế nào. Qua đó đề xuất giải pháp tháo gỡ. Phải cụ thể chứ đừng nói phương hướng chung chung thì mới hỗ trợ được.
Bộ NN&PTNT có quyết định ngày 17/10/2008, phê duyệt quy hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2010 định hướng đến năm 2020. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa nắm chắc được diện tích nuôi?
Nên có một nhiệm vụ trước mắt là rà soát ngay quy hoạch. Điều này, các địa phương phải quyết liệt hơn, xây dựng quy hoạch chi tiết xuống đến huyện, xã. Nuôi theo quy hoạch mới bảo vệ được môi trường.
Có quy hoạch chi tiết còn để xác định dự án đầu tư hạ tầng, dịch vụ. Chính phủ đã đặt ưu tiên đầu tư cho hạ tầng vùng nuôi cá tra.
Vì đầu tư hạ tầng cho 6.000 ha mà làm ra sản phẩm xuất khẩu một năm khoảng 1,5 tỷ USD thì rất đáng được ưu tiên. Tuy nhiên, phải có quy hoạch chi tiết, xác định cụ thể dự án mới bố trí vốn được.
Phấn đấu thuế suất bằng 0 vĩnh viễn
Trong lúc này, Cty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco, ở khu công nghiệp Trà Nóc, Cần Thơ) lại hầu như không phải lo lắng về thị trường Mỹ.
Hơn thế, Bianfishco còn mới thành lập Cty Blanfishco US trên đất Mỹ để đưa các sản phẩm chế biến cá tra sang tiêu thụ, với số lượng không hạn chế, tương tự cá da trơn của Mỹ.
Chủ tịch HĐQT, TGĐ Bianfishco, Phạm Thị Diệu Hiền cho biết, sẽ tập trung vào những sản phẩm đáp ứng nhu cầu ăn nhanh của người Mỹ. Chẳng hạn, viên chả cá, xúc xích cá, burger cá, cá tẩm bột với nhiều hình dáng phù hợp thị hiếu của người Mỹ...
Sản phẩm của Bianfishco, trước nay chủ yếu xuất sang các nước châu Âu, mỗi tháng 100 – 120 container, và đơn đặt hàng đang ngày một nhiều. Nhưng bà Diệu Hiền khẳng định, mục tiêu của Bianfishco là thị trường Mỹ.
Tại sao lại là thị trường khó tính nhất với hệ thống kiểm tra ngặt nghèo?
Bà Diệu Hiền:Qua hệ thống kiểm tra ngặt nghèo mới chứng tỏ được chất lượng của sản phẩm. Bianfishco xây dựng nhà máy, trung tâm nuôi trồng, quá tốn tiền nên từ đầu đã đặt mục tiêu vươn tới chất lượng cao để phát triển.
Khẩu hiệu của chúng tôi là chất lượng cho cuộc sống, chất lượng cho nhà máy, chất lượng vùng nuôi, chất lượng cho sản phẩm, chất lượng cho dịch vụ, chất lượng cho bạn.
Hơn hai năm hoạt động, hiện thực của khẩu hiệu trên là gì?
Chưa một lô hàng nào của Bianfishco bị khách hàng trả về hoặc làm khó dễ khi tiếp nhận. Năm đầu tiên chế biến xuất khẩu cá tra, năm 2007, chúng tôi đạt kim ngạch 30 triệu USD và năm nay đang phấn đấu 100 triệu USD.
Thị trường Mỹ, như bà nói, là mục tiêu của Bianfishco, đã đạt được những kết quả cụ thể nào chưa?
Một năm trước, Bianfishco được hưởng thuế suất bằng không cho sản phẩm xuất vào thị trường Mỹ. Năm nay, Bianfishco tiếp tục được gia hạn ưu đãi, kéo dài ba năm, từ tháng 8/2009 đến tháng 8/2012. Để được hưởng ưu đãi, các cơ quan chức năng Mỹ cử người sang kiểm tra gắt gao.
Nhưng quá trình sản xuất và chế biến của chúng tôi, từ ao nuôi đến đóng gói sản phẩm, từ chăm lo cuộc sống công nhân đến bảo vệ môi trường, chúng tôi đều đạt các tiêu chuẩn, không thua người sản xuất và kinh doanh cá da trơn ở Mỹ, có điểm còn hơn.
Chúng tôi đang phấn đấu để được hưởng thuế suất bằng không vĩnh viễn. Vào được thị trường Mỹ rồi, sẽ dễ dàng vào các thị trường khác.
Có vẻ con cá tra đối với bà không chỉ là một sản phẩm thương mại?
Vâng. Con cá tra là trời cho ĐBSCL, cho nông dân Việt Nam. Chỉ thời gian ngắn, con cá đem lại giàu có cho bao nhiêu người, cả một vùng đất. Thế nhưng, nó cũng bị một số người làm xấu, để bị trả về, bị chê bai, bị làm khó dễ.
Nên phải bảo vệ, giữ chất lượng, giành lại lẽ công bằng cho nó, cho thế giới hiểu đúng về con cá tra. Yêu quý con cá tra, theo tôi, cũng là yêu quý những dòng sông ở ĐBSCL, thương nông dân Việt Nam.
Năm 2002, cá tra vào Mỹ không được mang tên cá da trơn vì ngành kinh doanh nước này không muốn cá tra Việt Nam “ăn theo thương hiệu”.
Nhưng cá tra lại được người Mỹ ưa chuộng và năm 2003 bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá ở mức 64 phần trăm. Cá tra vẫn vào Mỹ.
Năm 2008, Quốc hội Mỹ thông qua dự luật có điều khoản kiểm tra các nông trại lớn. Trong đó, cá da trơn được tách thành loại thủy sản riêng đặt dưới sự quản lý của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Quy trình sản xuất lại là điểm yếu của cá tra Việt Nam, vì phát triển nóng, nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch. Để thiết lập được quy trình sản xuất tương đương Mỹ, Việt Nam còn mất nhiều năm.
Ông Ngô Phước Hậu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến & Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam: “Sản phẩm cá tra Việt Nam đã xuất sang 108 nước và lãnh thổ. Từ khi thả giống đến thành sản phẩm xuất khẩu, chu kỳ mất 10 – 12 tháng, cần điều hành theo tiêu chuẩn, chống tự phát, lẫn lộn tốt xấu”.
Cục Nuôi trồng Thủy sản (Bộ NN&PTNT):“Bảy năm trở lại đây, đặc biệt từ năm 2006 tới nay, nghề nuôi cá tra phát triển mạnh và nóng tại ĐBSCL. Từ năm 2006 đến 2008, diện tích nuôi cá tra tăng 62 phần trăm”.
Sáu Nghệ
Tiền Phong
|