Chủ Nhật, 05/07/2009 10:03

Hồ tiêu Việt Nam: Nỗi lo về giá?

Mặc dù hiện nay hồ tiêu Việt Nam đang chiếm tới 30% sản lượng và gần 50% thị phần thương mại toàn cầu. Thế nhưng giá hồ tiêu xuất khẩu của nước ta vẫn đang ở mức thấp hơn giá chung của toàn thế giới.

Giá kém chất lượng

Theo ông Đỗ Hướng Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong năm 2008 cả nước đã xuất gần 90.000 tấn hồ tiêu, tổng kim ngạch đạt 309 triệu USD. Hiện nay, có khoảng trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ là thị trường nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam.

Ông Dương cũng cho biết, tính đến hết quý 1 năm 2009 cả nước có 13 nhà máy chế biến tiêu, công xuất khoảng 60.000 tấn/năm. Sản phẩm tiêu sạch Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu của Mỹ (ASTA).

Tuy nhiên, cũng theo ông Dương, giá tiêu xuất khẩu hiện nay của Việt Nam là 2.000 - 2.100 USD/tấn (đối với tiêu đen) và 3.100 - 3.200 USD/tấn (đối với tiêu trắng). Mức này thấp hơn giá chung của thế giới từ 200 – 300USD/tấn.

Giải thích nghịch lý trên, ông Dương cho biết, hiện nay sở dĩ chúng ta không nắm được quyền chủ động về giá vì việc xuất khẩu hồ tiêu còn gặp nhiều khó khăn. Chủ yếu các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu làm ăn theo phương thức “mì ăn liền”. Hồ tiêu được mua từ các hợp đồng nhỏ vụn với nông dân.

Trong khi đó, phần lớn người sản xuất hồ tiêu vẫn chưa ý thức rõ ràng về việc phân loại sản phẩm. Việc trộn lẫn hồ tiêu kém chất lượng với tiêu đạt chuẩn, sau đó xuất tiêu thô là thực trạng có thật và kéo dài nhiều năm nay.

Bên cạnh đó, việc trồng rải rác nhiều giống tiêu khác nhau dẫn đến chất lượng tiêu thương phẩm không đồng đều cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc chế biến tiêu xuất khẩu gặp khó khăn. “Một khi chúng ta chưa có hệ thống xử lý sau thu hoạch và chưa xây dựng được thương hiệu, việc xuất tiêu vẫn chủ yếu là xuất thô thì giá cả chắc chắn chưa thể điều tiết được”, ông Dương nhấn mạnh.

Bác Lâm Bá Tân-một người trồng hồ tiêu ở Daklak, cho biết, mặc dù chất lượng hồ tiêu của ông rất tốt nhưng do các nhà tiêu thụ không cạnh tranh với nhau bình đẳng nên ông luôn bị ép giá. Đối với các doanh nghiệp chế biến thì chạy theo lợi nhuận trước mắt mà quên đi chiến lược xây dựng thương hiệu lâu dài.

Cần xây dựng thương hiệu cho tiêu Việt

Theo ông Trần Đức Tụng, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cây tiêu dễ làm “sạch” hơn một số cây trồng khác. Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hồ tiêu Việt Nam, theo ông Tụng, có thể bắt đầu từ các địa phương có diện tích tiêu lớn như Gia Lai, Kiên Giang, và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Tuy nhiên về lâu dài cần xây dựng thương hiệu chung cho sản phẩm tiêu Việt Nam để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ông Tụng cho biết, tính đến nay mới chỉ có một thương hiệu hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) được xây dựng thành công.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chuyên canh hóa cây tiêu còn gặp nhiều khó khăn. Chủ yếu là do bà con nông dân và địa phương tự bỏ vốn đầu tư chứ chưa nhận được một sự hỗ trợ nào từ gói kích cầu của Chính phủ. Ông Tụng nhấn mạnh, so với cây cà phê và một số cây công nghiệp khác, hiện nay cây tiêu chưa được quan tâm đúng mức.

Trong khi đó, người trồng tiêu dù cố gắng đến đâu cũng vẫn phải “tự bơi” với hàng trăm ngàn nỗi lo về sâu bệnh và giá cả. “Muốn phát triển được thương hiệu cho cây hồ tiêu nhất thiết phải đầu tư thêm nguồn vốn nhằm cải tạo công tác giống và chế biến sau thu hoạch”, ông Dương Văn Trung, chủ một trang trại hồ tiêu ở Gia Lai giải thích.

Theo ông Mai Thành Phụng, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia, trong thời gian tới, việc phát triển hồ tiêu nên đi theo hướng chuyên canh một số giống chủ đạo cho năng suất cao. Chính phủ nên tính toán đến việc đầu tư các gói kích cầu vào việc phát triển công nghệ sau thu hoạch đối với cây hồ tiêu. Còn các địa phương cần tổ chức và tập hợp tốt những hộ sản xuất giỏi để nhân rộng mô hình.

Đối với các hộ sản xuất giống, cần phải đảm bảo có chứng nhận chất lượng giống đầu vào và thử nghiệm thành công trên toàn địa bàn. Một khi chưa thống nhất được việc chỉ đạo công tác giống và việc trồng manh mún nhỏ lẻ nhiều giống tiêu khác nhau còn tồn tại thì việc xây dựng thương hiệu cho cây tiêu sẽ còn bế tắc.

“Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc sản xuất nông sản theo hướng sạch, an toàn là xu hướng tất yếu. Nếu chúng ta làm tốt từ khâu giống đến khâu xử lý, bảo quản sau thu hoạch thì không lo gì hồ tiêu Việt Nam không có tiếng trên thị trường quốc tế”, ông Phụng nhấn mạnh.

Lê Văn

Tổ Quốc

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp lớn cũng cần được giảm giá điện (05/07/2009)

>   Cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh (05/07/2009)

>   Sẽ siết con tem CS mũ bảo hiểm (05/07/2009)

>   65 doanh nghiệp nhận giải Nhãn hiệu cạnh tranh - Nổi tiếng VN (05/07/2009)

>   Doanh nghiệp tung chiêu hút khách (05/07/2009)

>   Khu KT cửa khẩu Mộc Bài: Dừng bán hàng miễn thuế cho khách nội (05/07/2009)

>   Xuất 6.800m3 LPG đầu tiên ra thị trường (05/07/2009)

>   Cán cân thương mại Việt - Trung quá chênh lệch (05/07/2009)

>   Đất “chạy” theo đường (05/07/2009)

>   Gánh nặng cuối năm (05/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật