Doanh nghiệp lớn cũng cần được giảm giá điện
Xét ra doanh nghiệp lớn mới sử dụng nhiều điện và chịu ảnh hưởng nhiều khi giá điện tăng.
Đề xuất giảm giá điện vào giờ cao điểm của Bộ Công thương trình lên Chính phủ đang tạo sự chú ý đa chiều từ phía doanh nghiệp cũng như một số chuyên gia kinh tế.
Đề xuất của Bộ Công thương xung quanh việc giảm mức giá điện xoay quanh hai phương án. Phương án một, vẫn giữ nguyên quy định giờ cao điểm sáng nhưng giảm mức giá điện tối đa 20% kể từ ngày 1-8, áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ. Phương án hai, vẫn áp dụng quy định giờ cao điểm sáng và giữ nguyên mức giá hiện hành.
Cần rộng cửa
Khi được hỏi, nhiều doanh nghiệp đều quan tâm đến phương án một. Lý do, nếu được áp dụng thì với giá điện mới sẽ giúp doanh nghiệp rất nhiều trong thời điểm nền kinh tế gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương là chỉ giảm giá cho doanh nghiệp nhỏ.
Ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Minh Phú (Cà Mau), cho rằng chỉ giảm giá điện cho doanh nghiệp nhỏ là không công bằng bởi xét ra doanh nghiệp lớn mới là đối tượng sử dụng nhiều điện và chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc giá điện tăng.
Theo ông An, đã có chính sách giảm thì nên giảm hết cho doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn. Theo đó, doanh nghiệp nào sử dụng ít thì được giảm ít, sử dụng nhiều thì được giảm nhiều. Nếu chỉ giảm cho doanh nghiệp nhỏ thì rất dễ gây ra tư tưởng phân bì, tạo tâm lý không tốt cho các doanh nghiệp không được giảm. Chưa kể doanh nghiệp lớn thường đóng góp nhiều cho ngân sách và giải quyết rất nhiều việc làm.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng Giám đốc Công ty liên doanh Scania Pacific, kiêm Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, cho rằng đề xuất giảm giá điện không nên phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ. Kinh tế khó khăn như hiện nay thì dù doanh nghiệp nhỏ hay lớn đều gặp phải khó khăn. Do đó cần phải hỗ trợ đồng đều để các doanh nghiệp dù nhỏ hay lớn đều có thể phát triển. Chưa hết, cơ quan chức năng không nên hiểu việc giảm giá điện để giúp cho doanh nghiệp nhỏ cạnh tranh với doanh nghiệp lớn mà điều quan trong nhất trong lúc này phải có chính sách phù hợp để doanh nghiệp trong nước có thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trong thời điểm khó khăn này.
Theo ông Đào Duy Kha, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Việt Nam, bản đề xuất giảm giá điện mà Bộ Công thương đưa ra tuy chậm nhưng còn hơn không. Thường cao điểm sản xuất của doanh nghiệp thường rơi vào những tháng cuối năm để đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Do đó, nếu không có chính sách phù hợp liên quan đến giá điện trong khi giá nhiên liệu, nguyên liệu đang có chiều hướng tăng cao thì rất dễ đẩy doanh nghiệp vào thế khó khăn vào những tháng cuối năm.
Doanh nghiệp nào cũng tốn thêm tiền điện
Trước đề xuất giảm giá điện của Bộ Công thương, ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng Giám đốc Công ty liên doanh Scania Pacific, cho biết một tháng hai nhà máy của Công ty Scania Pacific tiêu thụ hết khoảng 500 triệu đồng tiền điện. Như vậy, với việc tăng giá điện 8,92% như thời gian vừa qua, mỗi tháng công ty của ông phải tiêu tốn thêm 40-50 triệu đồng.
Theo ông Thắng, đáng ra đề xuất này cần được áp dụng sớm hơn, vào thời điểm nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ lãi suất vay vốn, kích cầu... Việc áp dụng vào thời điểm 1-8 theo như dự tính là hơi muộn. Nhưng dẫu muộn còn hơn không.
Ông Chu Văn An - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Minh Phú nhẩm tính, với giá mới, mỗi tháng công ty của ông tiêu tốn thêm 270 triệu đồng cho tiền điện.
Con số này chưa vượt quá mức chịu đựng đối với một doanh nghiệp vào hàng “đại gia” trong ngành thủy sản như Minh Phú. Tuy nhiên, giá điện tăng lại rơi vào thời điểm doanh nghiệp thủy sản thiếu nguyên liệu trầm trọng. “Cái khó của doanh nghiệp thủy sản là dù thiếu nguyên liệu đến mấy, dù sản xuất 10 tấn hay 100 tấn đều phải vận hành nguyên dây chuyền, phải tiêu tốn điện năng như nhau trong khi hàng ít sẽ không cho nhiều lợi nhuận” - ông An nói.
Ông Đào Duy Kha, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Việt Nam, cho biết hiện chi phí về điện đối với doanh nghiệp nhựa chiếm 5%-10% giá thành sản xuất, tùy từng loại sản phẩm. Để sản xuất ra một tấn nhựa thành phẩm, doanh nghiệp phải bỏ ra 25-30 triệu đồng, trong đó chi phí cho điện 2-3 triệu đồng. Như vậy, với giá điện tăng 8,92% như thời gian vừa qua thì chi phí sản xuất một tấn nhựa sẽ tăng xấp xỉ 200-300 ngàn đồng.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh,chuyên gia kinh tế cao cấp: Cần phải lấy ý kiến từ phía doanh nghiệp
Qua đề xuất giảm giá điện, có thể thấy rằng Bộ Công thương đã phần nào lắng nghe ý kiến phản đối của phía doanh nghiệp xung quanh quyết định tăng giá điện. Tuy nhiên, nếu xét kỹ có thể thấy đề xuất trên còn mang tính nửa vời và chưa hợp lý trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Ngoài ra, đề xuất còn chưa đáp ứng được mong muốn từ đông đảo doanh nghiệp.
Từ đề xuất này, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nên nhanh chóng có ý kiến chính thức để từ đó đề ra một tiêu chí minh bạch như doanh nghiệp như thế nào là nhỏ và vừa; có cần phân loại ngành nghề không... để từ đó tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp. Trước khi ban hành hay áp dụng đề xuất trên, cơ quan quản lý cần phải lấy ý kiến từ phía doanh nghiệp.
TRUNG HIẾU
Pháp Luật
|