Cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh
Sáng qua (4-7), trao đổi với báo giới bên lề hội thảo “Tìm kiếm cơ hội và giải pháp trong thời kỳ hậu suy thoái”, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh:
Trong năm nhóm giải pháp của Chính phủ đưa ra để chống suy thoái kinh tế hiện nay, giải pháp thứ nhất là tháo gỡ khó khăn cho khu vực sản xuất kinh doanh. Nhưng thực tế, chúng ta đã làm được gì ngoài việc tập trung để kích cầu là giải ngân vốn hỗ trợ lãi suất?
Bà Lan nhận định: “Việc cải thiện môi trường kinh doanh rất cần được coi là giải pháp số một. Doanh nghiệp (DN) cần sự trợ giúp trực tiếp của nhà nước chỉ một phần thôi, còn bất cứ khi nào, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng, họ cần có một cơ chế tốt, một môi trường kinh doanh tốt để phát triển. Đó mới là cơ sở để phát triển bền vững. Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh: giảm những giấy phép con, hạn chế những thủ tục hành chính... sẽ giúp chúng ta ra khỏi khủng hoảng với tư thế một nền kinh tế đang sẵn sàng để phát triển”.
Bà Phạm Chi Lan nhận định, với việc ngân hàng giải ngân được hơn 350 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất, nếu số tiền này tập trung cho khu vực sản xuất, ước tính tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 30% chứ không phải chỉ 17% như Ngân hàng nhà nước công bố. Thế nhưng điều mà chúng ta trông chờ ở gói kích cầu là nguồn vốn hỗ trợ đến được các DN thực sự mạnh khỏe để góp phần tái cơ cấu nền kinh tế. Khủng hoảng cũng là thời cơ để thị trường thực hiện quy luật đào thải của nó. Những DN quá yếu kém sẽ bị loại ra khỏi thị trường, còn những đơn vị làm ăn giỏi hơn thì sẽ vào tham gia một cách tích cực. Điều này sẽ có lợi chung cho tất cả chúng ta. Nhưng nếu tung thật nhiều tiền để cố cứu một số DN yếu kém thì sẽ rất nguy hại cho chính DN đó, cũng như cho cả nền kinh tế khi mà tiền không được tập trung phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
LÊ THANH
Pháp Luật
|