Chủ Nhật, 05/07/2009 09:15

Gánh nặng cuối năm

Mặc dù Quốc hội đã chấp thuận điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2009 từ 13% xuống 3%, nhưng với kết quả tăng trưởng âm của 6 tháng đầu năm, xem ra mục tiêu 3% cũng khó có thể đạt được.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 27,6 tỷ USD, chưa bằng một nửa so với mục tiêu đặt ra cho cả năm 2009 là 64,75 tỉ USD, giảm 10,15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hầu hết các nhóm hàng đều giảm

Nhóm hàng chủ lực như như dệt may 6 tháng mới đạt kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước; giày dép cũng có sự sụt giảm đáng kể với tổng kim ngạch 2 tỷ USD, giảm 8,7%; thủy sản đạt 1,7 tỷ USD giảm 10,7%... Không chỉ lượng, giá xuất khẩu cũng giảm mạnh: dầu thô giảm tới 53%, cao su giảm 44%, cà phê giảm 28,3%, gạo giảm 21,6%, than đá giảm 7,5%...

Phân tích kỹ về thị trường sẽ thấy xuất khẩu đang gặp khá nhiều khó khăn. Trong số 4 thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia thì chỉ có Hoa Kỳ là giảm thấp và có xu hướng tăng xuất khẩu trong những tháng gần đây, các thị trường khác đều giảm. Phân tích kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương cho rằng, mức tăng trưởng xuất khẩu năm 2008 là đột biến, do tăng nóng về giá, đặc biệt có những mặt hàng tăng trên 200% về giá xuất khẩu. Do đó, nếu so sánh kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2009 với năm 2007 thì chúng ta vẫn có sự tăng trưởng dương.

Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là xuất khẩu của chúng ta hiện đang rất khó khăn và nếu không có biện pháp thật quyết liệt thì ngay cả mức tăng 3% cũng rất khó đạt được. Do kim ngạch 6 tháng đầu năm giảm 10%, để cả năm tăng đạt 3%, thì 6 tháng cuối năm xuất khẩu phải đạt mức tăng 13%. Về kim ngạch tuyệt đối, để đạt mục tiêu cả năm tăng 3%, tức là phải đạt 64,58 tỷ USD. Sáu tháng đầu năm mới đạt 27,57 tỷ USD, bình quân 1 tháng đạt xấp xỉ 4,6 tỷ USD. Sáu tháng cuối năm phải đạt trên 37 tỷ USD, bình quân 1 tháng phải đạt gần 6,2 tỷ USD.

Tiêu tiền sao cho hiệu quả

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, một biện pháp quan trọng hiện nay là làm tốt công tác xúc tiến thương mại. Kinh phí dành cho xúc tiến thương mại quốc gia năm nay đã được điều chỉnh tăng đáng kể. Nếu như năm 2007 kinh phí này là 50 tỷ đồng, năm 2008 là 80 tỷ đồng thì đợt 1 năm 2009 đã là 90 tỷ đồng và đợt 2 đang thực hiện với 82 tỷ đồng. Vấn đề còn lại là sử dụng khoản tiền này sao cho thật hiệu quả.

Ông Biên cho biết, ngày 15-7 tới đây, quy chế mới về Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia sẽ có hiệu lực. Sẽ có thêm một số đối tượng được tham gia Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hàng năm như các tổ chức xúc tiến thương mại (bao gồm cả đơn vị chủ trì). Điều này tạo điều kiện cho các tổ chức xúc tiến thương mại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện doanh nghiệp địa phương tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia. Đồng thời, sẽ tạo cơ hội cho các địa phương, ngành hàng tập hợp doanh nghiệp, quảng bá cho sức mạnh chung của địa phương, ngành hàng tại các hoạt động xúc tiến thương mại mang tính liên ngành, liên địa phương.

Một điểm mới nữa là Chính phủ cũng giao cho Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đề án xúc tiến thương mại của địa phương có hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; bổ sung thêm 3 loại hình hỗ trợ mới. Đó là hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tổ chức tiếp xúc với các nhà nhập khẩu nước ngoài vào Việt Nam giao dịch mua hàng; hỗ trợ tổ chức hội nghị ngành hàng xuất khẩu tại Việt Nam; những hoạt động xúc tiến thương mại mà doanh nghiệp chủ động thực hiện và có kết quả tốt nhưng chưa đăng ký với cơ quan chức năng.

Chữa bệnh từ gốc

Tuy nhiên phân tích của nhiều chuyên gia cho rằng, muốn đẩy mạnh xuất khẩu, cần phải giải quyết những bất ổn sâu xa khác nữa.

Trước hết, đó là bệnh thiếu nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hầu hết các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu hiện nay chỉ hoạt động ở 70% công suất do thiếu nguyên liệu chế biến. Số nhà máy chế biến thủy sản không ngừng tăng lên, trong khi năng lực nuôi trồng, khai thác trong nước có hạn và các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu. Trong khi đó, theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) thì một số loại nguyên liệu thủy sản có thuế nhập khẩu chưa hợp lý. Vasep kiến nghị việc nhập khẩu nguyên liệu cho chế biến cần được ưu đãi hơn về thuế. Chính phủ cần hỗ trợ kinh phí để trang bị máy móc, thiết bị và chi phí kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ ở khu vực nguyên liệu nhập khẩu mà cả nguyên liệu trong nước.

Tình cảnh thiếu nguyên liệu cũng diễn ra ở ngành sản xuất điều. Việt Nam là một trong những nước có sản lượng điều lớn nhất thế giới, tuy nhiên, nguồn nguyên liệu trong nước (350.000 tấn) chỉ đáp ứng 60-70% công suất của các nhà máy chế biến. Để khắc phục sự thiếu hụt hiện nay cần cải tạo và mở rộng khoảng 150.000 ha điều trong thời gian tới.

Nhìn chung, đối với hàng nông sản, cần giải quyết bài toán thiếu thương hiệu, chứng chỉ. Nhóm mặt hàng cà phê, hồ tiêu, hạt điều đã được nằm trong danh sách những mặt hàng xuất khẩu có tính chiến lược của Việt Nam, thậm chí còn giữ vị trí chi phối sản lượng và thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, giá trị thu được từ nhóm hàng nông sản của Việt Nam thấp hơn khá nhiều so với các nước khác.

Theo ông Lưu Đức Thanh, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện nay chúng ta có nhiều sản phẩm khá nổi tiếng ở các địa phương nhưng mới chỉ có 1/15 địa danh được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Số lượng các giải pháp kỹ thuật đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm này còn rất khiêm tốn: liên quan đến cà phê có 9 giải pháp đăng ký sáng chế; hạt điều có 5; hồ tiêu có có 1 giải pháp đăng ký sáng chế, 1 giải pháp đăng ký giải pháp hữu ích. Với ca cao, chưa có giải pháp kỹ thuật nào được đăng ký!

Có thể thấy giải bài toán xuất khẩu không đơn giản chỉ là chi nhiều tiền cho xúc tiến thương mại.

Hà Thành

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Sáng nay, NMLD Dung Quất xuất gần 7.000 m³ khí hóa lỏng (04/07/2009)

>   Ẩn họa từ “con đường tơ lụa” (04/07/2009)

>   Cấm thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất lưu lại tại VN quá thời hạn quy định (04/07/2009)

>   Vĩnh Phúc đứng thứ 5 cả nước về thu hút đầu tư (04/07/2009)

>   Giá xăng A92 bán lẻ tại Mỹ rẻ hơn VN gần 2.000 đồng/lít (04/07/2009)

>   Mở thủ tục phá sản Công ty Vina Haeng Woon (04/07/2009)

>   FDI - Bức tranh màu xám (04/07/2009)

>   Sữa ngoại bán cao gấp 2,5 lần giá vốn (04/07/2009)

>   Người dân vẫn phải chịu thiệt thòi (04/07/2009)

>   Sắp giám sát các tập đoàn Nhà nước (04/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật