Thứ Bảy, 04/07/2009 11:25

FDI - Bức tranh màu xám

Số liệu tổng hợp về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ đầu năm đến nay với mức sụt giảm đáng quan ngại vẫn chưa cho thấy dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế vào cuối năm. Đi tìm nguyên nhân của tình trạng này không khó, ngay cả khi tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu có vẻ như khỏa lấp được những yếu kém cố hữu của chúng ta trong hoạt động này.

Sáu tháng sụt giảm

Trong sáu tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 8,87 tỉ USD, chỉ bằng 22,6% so với cùng kỳ 2008. Trong đó vốn đăng ký mới chiếm 52%, đạt 4,7 tỉ USD với 306 dự án được cấp phép mới, số còn lại là vốn xin tăng thêm của 68 dự án với tổng vốn đăng ký là 4,1 tỉ USD.

Trong sáu tháng đầu năm 2009, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 4 tỉ USD, bằng 81,6% so với cùng kỳ năm 2008; trong đó vốn từ nước ngoài dự kiến 3,3 tỉ USD. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khả năng đến cuối năm 2009, FDI sẽ đạt 20 tỉ USD thu hút mới và 8 tỉ USD vốn giải ngân.

Tính đến 19-6-2009, cả nước có 10.409 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 164,7 tỉ USD (Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ngày 22-6).

Thật ra, sự sụt giảm rõ rệt của nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã được cảnh báo từ trước. Tháng 11-2008, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự đoán lượng FDI vào nước ta năm 2009 chỉ đạt 1/2 so với năm 2008. Tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký mới chỉ đạt khoảng 200 triệu USD, tức giảm đến chín lần so với cùng kỳ năm 2008. Sang đến tháng Tư, lượng vốn này giảm đến 87% so với cùng thời gian năm trước, tức giảm hơn một nửa so với lượng vốn FDI hồi tháng Ba, vốn đã ở vào tình trạng giảm so với trước. Đến tháng 5, vốn FDI là 6,68 tỉ USD tức bằng 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế xem ra còn có vẻ đáng lo hơn, vì đã nửa năm 2009 nhưng con số này chưa đạt tới 9 tỉ USD so với mục tiêu đề ra cho cả năm là 30 tỉ USD. Không những chỉ giảm hẳn về lượng mà vốn FDI của Việt Nam năm nay còn chuyển hướng đầu tư, những dự án lớn nhất đều thuộc ngành du lịch, lưu trú, ăn uống với số vốn lên đến 4,5 tỉ USD, hơn 50% tổng vốn đăng ký của cả nước.

Cùng lúc với sự sụt giảm của lượng vốn đầu tư nước ngoài, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI cũng giảm. Hồi tháng Tư, kim ngạch xuất khẩu của khối này đạt chưa đến 3 tỉ USD, giảm gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự báo thì kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI sẽ giảm từ 10 đến 15%, đó là một chỉ báo đáng lo đối với tăng trưởng kinh tế, vì lâu nay mười mặt hàng chủ lực của khối này chiếm đến một phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Khó khăn bắt nguồn từ kế hoạch sản xuất, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu vì thị trường Âu, Mỹ đang trong cơn xoáy khủng hoảng, sức mua sụt giảm nên không đặt hàng nữa. Khó khăn xuất khẩu lan rộng dây chuyền sang các lĩnh vực khác.

Một vài tín hiệu tích cực

Phân tích tình hình này, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng: “Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm cũng nằm trong xu thế chung của thế giới và cũng không phải là chuyện bất ngờ. Vấn đề chủ yếu ở đây là việc thực hiện”.

Mặc dù vốn FDI đổ vào Việt Nam bị suy giảm và mức độ giải ngân thấp, song mục tiêu thu hút FDI cho cả năm nay và 2010 vẫn có thể đạt được. Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), cho biết: “Theo thông lệ, sáu tháng cuối năm, các hoạt động đầu tư của FDI sẽ tích cực hơn. Đây là thời điểm các doanh nghiệp thường đẩy nhanh giải ngân các khoản tài chính.

Tuy nhiên, cơ sở vững chắc nhất để khẳng định như vậy là hiện đã có một loạt dự án tiềm năng đang được các nhà đầu tư đàm phán, thương thảo với các địa phương và có khả năng sẽ được cấp phép trong cuối năm 2009 và năm 2010. Số các dự án đang nằm chờ vào Việt Nam lên đến 187 dự án với tổng vốn đăng ký tới 85,4 tỉ USD.

Trong đó, dự án lớn nhất có quy mô vốn đạt 6 tỉ USD là dự án xây dựng khu đô thị hiện đại, thương mại, nghỉ dưỡng, casino ở Lâm Đồng của nhà đầu tư Australia. Ngoài ra, còn có dự án 3 tỉ USD xây dựng cảng đa năng và nhà máy lọc dầu của nhà đầu tư Luxembourg ở Bạc Liêu, dự án của công ty của Mỹ đầu tư tôm giống chân trắng khoảng 1 tỉ USD…”.

Trả lời câu hỏi, với mức thu hút cao như vậy, nền kinh tế chúng ta có khả năng hấp thu hết một cách hiệu quả không, ông Thắng thừa nhận: “Sức hấp thu của nền kinh tế chúng ta cố gắng hết sức thì cũng vào khoảng 10 tỉ USD. Nếu đẩy mạnh nguồn nhân lực, đẩy mạnh cơ sở hạ tầng… thì khả năng có nhích lên, nhưng cũng chỉ khoảng 10 - 12% là cùng. Nếu cứ nhận tiếp nữa, cho dù lên tới 71 tỉ USD như năm ngoái cũng… không để làm gì, vì khả năng thực hiện có hạn!”.

Thật ra, vốn đăng ký với vốn thực hiện tăng gấp đôi trong năm qua cũng tạo một hình ảnh tốt về Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

Để cải thiện tình hình

Trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, quan trọng nhất là vốn thực hiện. Trước khi bước vào năm 2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra chỉ tiêu giải ngân ít nhất phải bằng hoặc vượt năm 2008 tức là trên 11 tỉ USD. Căn cứ để đưa ra con số này là từ cơ sở thực tiễn và báo cáo của các địa phương. Đáng tiếc tình hình suy thoái toàn cầu đã ảnh hưởng đến hoạt động thu hút FDI trên toàn quốc nên kế hoạch giải ngân năm nay được điều chỉnh xuống 8 tỉ USD cho phù hợp với tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Với kế hoạch đặt ra như vậy, cho đến nay, vốn FDI thực hiện trong sáu tháng đầu năm là 4 tỉ USD. Trong tình hình suy thoái toàn cầu, diễn biến đầu tư nước ngoài của nước ta ở mức độ này là có thể chấp nhận được.

Trong khi đó, doanh nghiệp cũng rất cần những giải pháp tạo điều kiện hấp thu vốn đầu tư qua việc cải thiện thủ tục hành chính, xây dựng hạ tầng nhanh chóng, phân bổ các dự án đồng đều để tránh tình trạng căng thẳng về đất đai và phát sinh tiêu cực.

Các giải pháp trên đây cùng với lợi thế cố hữu là an ninh chính trị ổn định và giá nhân công thấp sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh của chúng ta trong khu vực.

PHẠM THÀNH SƠN

Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Các tin tức khác

>   Sữa ngoại bán cao gấp 2,5 lần giá vốn (04/07/2009)

>   Người dân vẫn phải chịu thiệt thòi (04/07/2009)

>   Sắp giám sát các tập đoàn Nhà nước (04/07/2009)

>   TP. HCM: Xây dựng đoạn tuyến Bắc - Nam qua địa bàn Q4 và Q7 (04/07/2009)

>   Giải ngân vốn phân cấp đầu tư xây dựng cơ bản chưa đạt 50% (04/07/2009)

>   Làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam (04/07/2009)

>   Chịu lỗ, đẩy giá cà phê lên (04/07/2009)

>   Có dấu hiệu hồi phục nhưng vẫn bấp bênh (04/07/2009)

>   Triển vọng kinh tế và những vấn đề đặt ra cho DN Việt Nam (04/07/2009)

>   Giá thực phẩm giảm (04/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật