Thứ Bảy, 04/07/2009 10:08

Sắp giám sát các tập đoàn Nhà nước

Từ tuần thứ 2 của tháng 7, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bắt đầu làm việc với các bộ ngành, địa phương, các tập đoàn và tổng công ty về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Báo cáo giám sát sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2009.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, Đoàn giám sát sẽ phải giải đáp được cho đại biểu Quốc hội về hiệu quả quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước; đồng thời kiến nghị với Quốc hội sửa đổi những quy định pháp luật không còn phù hợp, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước ở các tập đoàn và tổng công ty, đề xuất một mô hình hoạt động chung cho các tập đoàn và tổng công ty nhà nước.

Vẫn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về Kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Đoàn giám sát đã yêu cầu Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cung cấp các báo cáo kiểm toán, kết luận của KTNN tại một số doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tài chính ngân hàng trong năm 2007-2008 và thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán hoạt động đầu tư vào một số lĩnh vực tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Công ty Tài chính Đầu tư Dầu khí; yêu cầu Thanh tra Nhà nước cung cấp các kết luận về các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thanh tra trong hai năm 2007-2008. Đến nay, Đoàn giám sát đã nhận được báo cáo của 105 đơn vị, song hầu hết các báo cáo - theo nhận định của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên - vẫn chưa đạt yêu cầu.

Đặc biệt, Đoàn Giám sát cũng đã yêu cầu các tổ chức nghiên cứu độc lập nghiên cứu chuyên đề về mô hình hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; yêu cầu Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam phối hợp tiến hành các hoạt động điều tra, khảo sát và tổng hợp, phân tích, đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nhất là các lĩnh vực mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang hoạt động...

Theo xếp loại mới nhất của Bộ Tài chính, trong phạm vi cuộc khảo sát gần nhất của Bộ này thì chỉ có 44,4% xếp loại A; 39,5% xếp loại B; 16,1% xếp loại C; 19,5% đang… làm ăn thua lỗ!

Bên cạnh việc quản lý chặt chẽ nguồn vốn nhà nước, tránh thất thoát, tham nhũng, lĩnh vực đầu tư chính là một trong những “trọng điểm” cần tiến hành tái cơ cấu, theo ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Ông nói: “Lĩnh vực nào tư nhân làm được, có khả năng thu hồi vốn tốt thì Nhà nước không cần bỏ vốn vào mà nên để cho các thành phần kinh tế khác làm. Ngược lại, những lĩnh vực như sách giáo khoa, phân bón, thuốc trừ sâu… không lãi nhiều, Nhà nước phải làm để đảm bảo phúc lợi xã hội”. Ông Trần Du Lịch - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM chia sẻ quan điểm này: “Quan trọng nhất là doanh nghiệp nhà nước tập trung đầu tư vào những lĩnh vực có ý nghĩa dẫn đường, như ngành cơ khí chẳng hạn, mặc dù có thể tỷ suất lợi nhuận không lớn. Công luận không hài lòng với kết quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước hiện nay không phải do khối doanh nghiệp này không đạt được lợi nhuận tối đa, mà do thiếu sự minh bạch rõ ràng: phần nào phải chấp nhận lợi nhuận thấp, thậm chí lỗ, để đảm bảo yêu cầu chính trị - xã hội; phần nào do doanh nghiệp quản lý, kinh doanh yếu kém”. Theo ông Lịch, đợt giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ rõ những bất hợp lý trong lĩnh vực đầu tư làm cơ sở để tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế một cách hiệu quả.

Trong một động thái tương tự, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 854/CT-TTg về việc triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị trong việc thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước và bổ sung chính sách chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Điểm đáng quan tâm nhất của chỉ thị này là, kể từ ngày 1/7/2010, tất cả các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sẽ chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khi chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được giao trách nhiệm hoàn chỉnh dự thảo nghị định của Chính phủ về thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế, trình Thủ tướng ký ban hành trong tháng 7/2009.

Cẩm Hà

Diễn đàn Doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   TP. HCM: Xây dựng đoạn tuyến Bắc - Nam qua địa bàn Q4 và Q7 (04/07/2009)

>   Giải ngân vốn phân cấp đầu tư xây dựng cơ bản chưa đạt 50% (04/07/2009)

>   Làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam (04/07/2009)

>   Chịu lỗ, đẩy giá cà phê lên (04/07/2009)

>   Có dấu hiệu hồi phục nhưng vẫn bấp bênh (04/07/2009)

>   Triển vọng kinh tế và những vấn đề đặt ra cho DN Việt Nam (04/07/2009)

>   Giá thực phẩm giảm (04/07/2009)

>   Kính nổi yêu cầu tự vệ (04/07/2009)

>   Thép nội cạnh tranh tốt! (04/07/2009)

>   Lạm phát có thể tái phát vào cuối năm nay (04/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật