Thứ Bảy, 04/07/2009 08:07

Kính nổi yêu cầu tự vệ

Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam nộp đơn yêu cầu điều tra đối với hàng nhập khẩu nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Ngày 1-7, Bộ Công thương ra quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ. Đây là vụ việc đầu tiên liên quan đến biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp...

100% ngành sản xuất yêu cầu tự vệ

Mặt hàng bị yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ là kính nổi, có tên thông thường là kính tấm, kính xây dựng, kính trắng, kính màu trà, sử dụng trong kiến trúc, gia công các đồ dùng bằng kính và các sản phẩm ứng dụng đặc thù.

Nguyên đơn trong vụ việc này là Công ty Kính nổi Viglacera và Công ty Kính nổi Việt Nam. Cuối tháng 5, hai công ty này đã nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước thiệt hại nghiêm trọng.

Hai doanh nghiệp này chiếm trên 90% tổng sản lượng được sản xuất trong nước, trong đó Viglacera chiếm 36,5% lượng sản xuất, Công ty Kính nổi Việt Nam chiếm 53,5% lượng sản xuất. Ngoài ra, một công ty khác là Công ty Công nghiệp kính Việt Nam, chiếm gần 10% lượng sản xuất nội địa cũng ủng hộ đơn này.

Như vậy, tính ra thì 100% nhà sản xuất nội địa đã yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ.

Cạnh tranh không bình thường

Các công ty này cho rằng lượng kính nổi nhập khẩu (từ Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Nhật, Hàn, Đài Loan, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Úc) tăng đột biến trong vài năm gần đây. Cụ thể, năm 2007 lượng hàng nhập khoảng 1,2 triệu mét vuông quy tiêu chuẩn (chiếm khoảng 2,5% thị trường) thì đến năm 2008 nhập đến 8,1 triệu mét vuông (chiếm trên 19% thị trường) và chỉ trong hai tháng đầu năm 2009 đã nhập 1,35 triệu mét vuông.

Đặc biệt, các công ty dẫn chứng năm 2008, giá bán hàng Thái Lan, hàng Indonesia cao hơn giá bán của hàng nội địa lần lượt khoảng 34%, 13% nhưng đến năm 2009 thì giá bán lại thấp hơn khoảng 16%, 18%. Ông Trần Quốc Thái, Chủ tịch Hiệp hội Kính xây dựng Việt Nam, cho biết kính nổi nhập khẩu có giá bán rẻ hơn kính nội địa là do có sự cạnh tranh không bình đẳng. Giá dầu ảnh hưởng lớn đến sản xuất kính trong khi ở các nước ASEAN, giá dầu thấp hơn giá dầu trong nước 30%-40%. Thuế nhập khẩu chỉ 5% là quá thấp.

Tình hình trên đã khiến lượng hàng tồn kho của các công ty nội địa ngày càng tăng, mất cân đối nghiêm trọng về vốn lưu động, chịu thiệt lớn do lãi vay tăng cao, phát sinh chi phí lưu kho... Thậm chí, Công ty Kính nổi Việt Nam phải ngừng sản xuất kính nổi do không thể tiêu thụ được hàng hóa và chấp nhận chịu thua lỗ.

Doanh nghiệp nội đã biết dùng luật

Thuế nhập khẩu hiện nay là 5% đối với hàng có xuất xứ ASEAN và 40% nếu hàng thuộc diện thông thường. Trong đơn, các công ty yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với toàn bộ kính nổi nhập khẩu vào Việt Nam, không phân biệt xuất xứ hàng hóa. Mức thuế tuyệt đối được đề nghị là 0,6 USD/m2, áp dụng trong bốn năm (thời hạn tối đa theo quy định). Trước mắt, khi chưa chính thức áp dụng biện pháp tự vệ thì doanh nghiệp yêu cầu Bộ Công thương áp dụng tạm thời mức thuế 40% - bằng thuế suất thông thường đang áp dụng đối với kính nổi nhập khẩu, trong thời gian 200 ngày (là thời hạn tối đa mà quy định cho phép).

Một nguồn tin từ Cục Quản lý cạnh tranh (thuộc Bộ Công thương) cho biết đây là lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam nộp đơn yêu cầu điều tra đối với hàng nhập khẩu nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Khác với các vụ kiện chống bán phá giá, các vụ về tự vệ không cần chứng minh yếu tố bán phá giá mà chỉ cần chứng minh có sự gia tăng đột biến về lượng hàng nhập khẩu và gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa. Tuy nhiên, các nhà tiêu thụ kính nổi trong nước có quyền phản đối và chứng minh nếu áp dụng biện pháp tự vệ này thì sẽ gây thiệt hại cho chính họ, cho ngành xây dựng (vì ngành xây dựng cũng dùng kính nổi)... Sau khi cân nhắc thiệt hơn giữa các bên mà cơ quan quản lý mới ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ hoặc không. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý, khi áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng nhập này thì nhà nước lại phải “đền bù” bằng cách ưu đãi cho mặt hàng khác.

Một luật sư chuyên về cạnh tranh, tự vệ, chống bán phá giá cho biết pháp lệnh về sự tự vệ này ra đời từ năm 2002 nhưng từ đó đến nay chưa được ai “xài” tới. “Chưa biết lý lẽ của bên nào nặng cân hơn, tuy nhiên vụ đệ đơn đầu tiên này cho thấy dấu hiệu đáng mừng là doanh nghiệp nội địa bắt đầu biết xài luật”!

Các biện pháp tự vệ

Theo Nghị định 150/2003 của Chính phủ, các biện pháp tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam bao gồm: tăng thuế nhập khẩu, áp dụng hạn ngạch, áp dụng thuế tuyệt đối, đặt ra giấy phép nhập khẩu, phụ thu...

Quỳnh Như

PHÁp LUẬT

Các tin tức khác

>   Thép nội cạnh tranh tốt! (04/07/2009)

>   Lạm phát có thể tái phát vào cuối năm nay (04/07/2009)

>   Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sau 5 ngày (04/07/2009)

>   Niên vụ 2009: Sản lượng ca cao đạt ngưỡng 1.000 tấn (04/07/2009)

>   Nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai giảm (03/07/2009)

>   Lần đầu tiên sản lượng khai thác dầu thô vượt kế hoạch (03/07/2009)

>   Dự án điện khởi công từ năm 2009 được tính thêm trượt giá (03/07/2009)

>   Văn bản hành chính rườm rà "ngáng" sự phát triển kinh tế (03/07/2009)

>   Petro Vietnam: Sẽ tập trung dầu thô cho Dung Quất (03/07/2009)

>   Doanh nghiệp ngại nói lời xin lỗi (03/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật