Lạm phát có thể tái phát vào cuối năm nay
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sáng 3/7, ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nhận định tình hình kinh tế sáu tháng đầu năm có một số diễn biến tích cực:
Tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục ở một số ngành như công nghiệp, xây dựng, thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nguy cơ lạm phát lại đang có dấu hiệu quay trở lại vào quý 3, quý 4 bởi chính sách tiền tệ được nới lỏng, đồng thời giá cả nhiều mặt hàng thường tăng mạnh vào cuối năm.
Công khai đơn vị được hỗ trợ
Ông Doanh phân tích: Nguyên nhân chính là do chính sách tiền tệ, tín dụng được nới lỏng khi chúng ta đưa ra một khối lượng tín dụng lớn, trên 363 ngàn tỷ đồng để trợ giúp doanh nghiệp (DN) với lãi suất ưu đãi. Ông Doanh cũng lo ngại: “Gói kích cầu đưa tiền ra ào ạt với khối lượng lớn như vậy nếu DN không có đầu ra sản phẩm, không xuất, không bán được thì DN sẽ có thể dùng tiền vào mục đích khác chứ không phải đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính sách tiền tệ tín dụng nới lỏng và kích cầu là cần thiết nhưng nó có hai mặt, giống như uống thuốc chữa bệnh, uống quá liều lượng sẽ phát thêm bệnh khác”.
Theo ông Doanh, điều mà chúng ta rất cần là các thông tin cụ thể về số tiền này đến các ngành nào, lĩnh vực nào, đơn cử gói kích cầu đó đến được nông dân là bao nhiêu, làng nghề bao nhiêu... rất có lợi cho các đối tượng có quy mô lớn, khả năng cạnh tranh tốt hơn, còn những DN chết lâm sàng, phá sản thì có được vay hay không...
Liệu chúng ta có nên thu hẹp đối tượng cho vay hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn? Về điều này, ông Doanh có nhắc lại ý kiến của đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại hội nghị các nhà tài trợ trung tuần tháng Năm vừa qua. “WB có phân vân rất nghiêm túc về gói kích cầu thứ hai, tức là hỗ trợ cho vay trung và dài hạn. Họ cho rằng gói này nhiều biện pháp quá dễ dẫn đến bội chi ngân sách lớn. WB cho rằng chúng ta phải cân nhắc. Nếu gói kích cầu được thực hiện, WB tính toán mức bội chi ngân sách năm nay của Việt Nam là 8,5%” - ông Doanh cho biết.
Giá cả thường tăng vào cuối năm
Nguy cơ tái lạm phát có thể xảy ra là do giá xăng dầu đang có xu hướng nhích lên. Đương nhiên, khi giá nhiên liệu tăng thì giá hàng loạt các mặt hàng như phân bón, thuốc sâu, sợi tổng hợp, chất dẻo... cũng sẽ tăng. Đây là những nguồn nguyên liệu chúng ta sử dụng chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó, theo chu kỳ giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng sẽ tăng vào những tháng cuối năm vì thời điểm này cung tiền thường tăng mạnh, ông Doanh lưu ý.
Ông Doanh nói thêm: Chỉ số giá sáu tháng đầu năm tương đối thấp so với tháng 12-2008 nhưng so với tháng 6-2008 thì đã tăng đến 10%. Nếu như vậy thì sáu tháng cuối năm chỉ số tăng giá phải tăng ở mức độ rất thấp thì mới tránh được lạm phát. Chúng ta cứ tiếp tục tăng giá xăng như thời gian qua thì tác động lạm phát và nâng giá là không tránh được. Chỉ sau khoảng 2-3 tháng thì vòng quay tác động tăng giá của mớ rau, quả trứng, rồi tiền lương đến chi phí của DN sẽ trở thành một vòng đầy đủ để tăng giá.
“Nếu xảy ra trường hợp “bất hạnh trùng hợp” giữa yếu tố trong nước là chính sách tiền tệ tín dụng nới lỏng và tác động của cuộc tăng giá trên thị trường thế giới thì nguy cơ tái lạm phát có thể diễn ra vào quý 3 và 4 năm nay” - ông Doanh dự báo.
Kiểm soát công ty độc quyền
Trước tình hình này, ông Doanh đề nghị chính sách tiền tệ tín dụng nới lỏng phải được kiểm soát chặt chẽ. Tiền đưa ra phải được đầu tư đúng mức để tạo ra công ăn việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, Chính phủ cũng cần phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động của những công ty độc quyền như điện, xăng dầu. Cho đến nay, chưa có báo cáo về tình hình quản lý phí, cơ cấu chi phí của các DN nhập khẩu xăng dầu, lợi nhuận thế nào...
Kinh tế Việt Nam có nông nghiệp hoạt động tương đối tốt, thị trường bán lẻ rộng lớn và có sức mua tốt, khu vực kinh tế tư nhân hoạt động hiệu quả và vượt được khó khăn. Chúng ta phải dựa vào ba yếu tố này. Trong tình hình xuất khẩu khó khăn thì không thể nào mong đợi được. Cái khó khăn nhất trong xuất khẩu hiện nay là giá giảm. Do vậy, cần hết sức tránh lạm phát. Vì nếu lạm phát thì lãi suất sẽ tăng, đời sống nhân dân sẽ khó khăn và lạm phát sẽ kèm theo thâm hụt thương mại. Vì nếu giá thị trường thế giới tăng thì nhập khẩu sẽ tăng vọt, trong khi đó giá xuất khẩu không thể tăng tương ứng vì hầu hết các hợp đồng đã ký kết từ trước rồi...
Ông Doanh nhận định: “Với tình hình hiện nay, chúng ta phải nỗ lực vượt bậc thì mới đạt được tăng trưởng mức 5%. Bởi không phải dễ dàng vì sáu tháng đầu năm, GDP mới có 3,9%, do vậy muốn cả năm đạt 5% thì quý 3 phải đạt 6%, quý 4 là 7%. Điều này không phải nói là làm được mà nó phụ thuộc nhiều vào các yếu tố trong nước cũng như quốc tế. Chúng ta đã có sự phục hồi đáng trân trọng ở một số lĩnh vực nhất định nhưng không nên quá lạc quan và coi đấy đã là hồi phục toàn diện dẫn đến thiếu cảnh giác.
Lê Thanh
PHÁP LUẬT
|