Thứ Bảy, 04/07/2009 09:10

Có dấu hiệu hồi phục nhưng vẫn bấp bênh

Công nghiệp là một trong hai lĩnh vực chủ chốt tạo nên tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam, với tỷ lệ đóng góp chiếm gần một nửa GDP của cả nước. Tình trạng giá trị sản xuất công nghiệp giảm đột biến trong những tháng đầu năm nay đã ảnh hưởng xấu tới tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

GDP trong sáu tháng đầu năm 2009 chỉ còn tăng 3,9%, giảm 2,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, dấu hiệu hồi phục của công nghiệp xuất hiện trong tháng 6 qua có thể xem là tín hiệu khả quan đối với kinh tế Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá trị sản xuất công nghiệp (tính theo giá cố định) tháng 6-2009 tăng 8,2% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Trong đó, đáng chú ý là sự gượng dậy của khối kinh tế nhà nước, với mức tăng 8,5%. Đây cũng là lần đầu tiên khu vực này có mức tăng trưởng dương sau năm tháng suy giảm liên tục kể từ đầu năm.

Nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sau năm tháng tăng trưởng chậm chạp, cũng vọt lên 7,9% vào tháng 6, cao gấp hơn hai lần so với tốc độ tăng bình quân của các tháng trước. Xu hướng tăng cũng hình thành khá rõ nét trong khu vực kinh tế tư nhân. Dù vậy, tăng trưởng chung của công nghiệp trong nửa đầu năm nay vẫn rất thấp, chỉ đạt 4,8%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 16,5% của sáu tháng đầu năm 2008.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, chương trình hỗ trợ lãi vay tín dụng cho doanh nghiệp của Chính phủ, cùng với chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân và giảm các sắc thuế khác cho doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả đối với ngành công nghiệp.

Bên cạnh đó, sự hồi phục của ngành này còn liên quan đến sức mua khá tốt của thị trường nội địa. Tuy có giảm sút so với năm ngoái, nhưng tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2009 vẫn tăng 20% so với cùng kỳ.

Nếu nhìn vào thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có thể thấy yếu tố này có tác động tích cực đến các ngành công nghiệp có thị trường tiêu thụ chủ yếu ở nội địa và ít bị cạnh tranh bởi hàng nhập khẩu, như: sản xuất xi măng, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, thép xây dựng, bia, xà phòng, điện và nước sạch...

Ngoài ra, việc giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng, bình quân đạt 70 đô la Mỹ/thùng trong tháng 6 (năm tháng đầu năm chỉ khoảng 50 đô la Mỹ/thùng) cũng đóng góp không ít vào sự hồi phục của công nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để lạc quan về triển vọng hồi phục của công nghiệp và nền kinh tế nói chung trong những tháng cuối năm, khi mà những yếu tố bất lợi đang xuất hiện.

Trước hết, giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng chắc chắn sẽ làm giá nhiên liệu và một loạt các loại vật tư, nguyên liệu khác tăng theo, gây khó khăn không ít cho các nhà sản xuất. Thêm vào đó, việc Quốc hội quyết định thu trở lại thuế thu nhập cá nhân từ 1-7-2009, sẽ có tác động không nhỏ đến sức mua ở thị trường nội địa, vốn là động lực quan trọng đối với các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay vốn lưu động tạo cơ hội cho doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, nhưng điều gì sẽ xảy ra một khi chương trình này chấm dứt, trong khi lãi suất vay ngân hàng lại đang có chiều hướng tăng lại. Ngoài ra, một số chính sách như áp dụng giá điện cao gấp đôi trong giờ cao điểm buổi sáng, vẫn đang tiếp tục là gánh nặng đối với ngành công nghiệp.

Ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết bộ đang rà soát và sẽ kiến nghị điều chỉnh một số quy định gây bất lợi cho doanh nghiệp, như vấn đề giá điện giờ cao điểm buổi sáng, giải tỏa vướng mắc về thủ tục hành chính, để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất.

Hiện nay, các doanh nghiệp đang kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế trị giá tám tỉ đô la Mỹ của Chính phủ, trong đó được quan tâm nhất vẫn là chương trình đầu tư để kích cầu bằng nguồn vốn của Nhà nước. Đó là một số tiền không nhỏ, nhưng các số liệu về đầu tư mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố lại cho thấy, việc hấp thu nguồn vốn này đang có vấn đề.

Sáu tháng qua, nguồn vốn ngân sách dành cho đầu tư phát triển mới giải ngân được 50.600 tỉ đồng, chỉ bằng 35,1% kế hoạch của cả năm. Còn vốn từ phát hành trái phiếu của Chính phủ dành cho các dự án giao thông, thủy lợi, năm tháng đầu năm mới tiêu thụ hết 5.000 tỉ đồng, tương đương 22,2% kế hoạch giải ngân của năm 2009.

Vốn tín dụng đầu tư, dành cho doanh nghiệp vay, cũng mới sử dụng được hơn một phần ba so với kế hoạch, với 9.300 tỉ đồng. Trong điều kiện vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đang giảm mạnh, tỷ lệ giải ngân giảm, thì vốn kích cầu trong nước là nguồn bù đắp chính.

Nếu khả năng hấp thu nguồn đầu tư này trong những tháng tới không được cải thiện, khả năng hồi phục của công nghiệp và kinh tế Việt Nam sẽ trở nên bấp bênh và rất có thể chương trình đầu tư này sẽ lại tạo ra mối nguy lạm phát cho nền kinh tế.

Tấn Đức

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Triển vọng kinh tế và những vấn đề đặt ra cho DN Việt Nam (04/07/2009)

>   Giá thực phẩm giảm (04/07/2009)

>   Kính nổi yêu cầu tự vệ (04/07/2009)

>   Thép nội cạnh tranh tốt! (04/07/2009)

>   Lạm phát có thể tái phát vào cuối năm nay (04/07/2009)

>   Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sau 5 ngày (04/07/2009)

>   Niên vụ 2009: Sản lượng ca cao đạt ngưỡng 1.000 tấn (04/07/2009)

>   Nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai giảm (03/07/2009)

>   Lần đầu tiên sản lượng khai thác dầu thô vượt kế hoạch (03/07/2009)

>   Dự án điện khởi công từ năm 2009 được tính thêm trượt giá (03/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật