Người dân vẫn phải chịu thiệt thòi
Từ khi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá có hiệu lực đến nay đã được một năm (từ 1.7.2008), dường như tuyệt đại đa số người dân vẫn chưa được hưởng lợi gì từ những điều khoản trong luật này.
Làm khó người dân
Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) VN đã công bố kết quả điều tra bước đầu cho thấy, có đến 50% số NTD không biết mình có những quyền gì, nếu có biết đến những quyền đó cũng không biết phải thực thi như thế nào.
Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá là đạo luật đầu tiên quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hoá và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hoá; quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá.
Theo luật này, có 13 điều bị nghiêm cấm đối với sản xuất, nhập khẩu hàng hoá, trong đó có nhiều điều liên quan đến mua - bán hàng hoá, trao đổi, tiếp thị sản phẩm, hàng hoá không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, hàng hoá đã hết hạn sử dụng, che giấu thông tin về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm hàng hoá đối với người...
Gặp phải những trường hợp này, NTD hoàn toàn có quyền được khởi kiện người bán theo Bộ luật Dân sự và sẽ được pháp luật bảo vệ. Người bán hàng phải có trách nhiệm bồi thường những tổn thất về mặt sức khoẻ cho người mua khi cố tình bán cho họ những sản phẩm như vậy.
Tuy nhiên, khi đi vào thực tế, luật không hẳn sẽ giúp NTD mạnh mẽ và can đảm hơn khi "chiến đấu" với những hành vi vô lương tâm của người bán và người sản xuất. Bởi theo Điều 58 của luật này, về chi phí lấy mẫu và thử nghiệm hoặc giám định trong giải quyết tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, có quy định người khiếu nại, khởi kiện phải tự trả chi phí lấy mẫu và thử nghiệm hoặc giám định chất lượng sản phẩm, hàng hoá tranh chấp.
Chính điều này đã gây khó và thiệt thòi cho NTD, bởi họ vừa phải chứa những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, lại mất thời gian, công sức, tiền bạc để chứng minh rằng sản phẩm đó có vấn đề, rồi mới được khởi kiện. Nhất là tại các vùng nông thôn, liệu người dân có đủ can đảm để theo đuổi những vụ kiện như thế này hay không. Đó là còn chưa kể đến với quy trình tố tụng như hiện nay, người dân không thể không "run" khi cầm đơn đi kiện, dù rằng để bảo vệ những quyền lợi chính đáng được pháp luật công nhận.
Giải pháp nào cho người tiêu dùng?
Từ trước đến nay vẫn có 2 văn bản pháp quy để bảo vệ NTD (Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi NTD ban hành năm 1999 và Nghị định 55 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành pháp lệnh này), tuy nhiên các quy định trong pháp lệnh này vẫn còn rất chung chung, mới chỉ nêu được rằng, NTD có những quyền gì, mà chưa chỉ ra được một cách cụ thể bản chất, cách thực hiện những quyền đó.
Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - cơ quan chính chăm lo cho quyền lợi của NTD - hiện đã có đại diện ở 30 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng mỗi khi có khiếu kiện của NTD, phương pháp hoà giải vẫn được ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN còn có Ban Bảo vệ người tiêu dùng, thuộc Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương). Tuy nhiên, chức năng chính của ban vẫn chỉ là... hoà giải, vì họ không có thẩm quyền xử phạt các đơn vị vi phạm. Bởi thế, NTD chỉ có thể trông chờ vào... lương tâm của đơn vị sản xuất để được giải quyết, đền bù, nếu người sản xuất cố tình lờ hoặc trây ỳ thì người tiêu dùng cũng phải... chịu.
Bởi thế, dù Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá đã ra đời được 1 năm, nhưng đến nay, NTD vẫn luôn phải chịu thiệt thòi và ở thế yếu.
Nguyên Minh
Lao Động
|