Lo ngại phát triển ồ ạt cây sắn
Trong khi phần lớn các mặt hàng trong danh mục thống kê xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay của Tổng cục Thống kê đều giảm mạnh, thì sắn (củ khoai mì) và các sản phẩm từ sắn lại tăng cả về sản lượng lẫn kim ngạch. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu sắn, cũng như trồng và chế biến sắn lại ẩn chứa nhiều bất ổn.
Hiện nay, tinh bột chế biến từ sắn (miền Nam gọi là củ khoai mì), thậm chí sắn lát phơi khô, trở thành mặt hàng mới trong xuất khẩu. Lần đầu tiên sau hàng chục năm, Bộ Công Thương đã đưa sắn và các sản phẩm chế biến từ sắn vào danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đầu năm nay.
Theo Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã xuất khẩu hơn 2,4 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, đạt kim ngạch 368 triệu đô la Mỹ, tăng 4,2 lần về sản lượng và 2,2 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Diện tích trồng sắn tăng vọt, vượt quy hoạch
Thời bao cấp, gần như cả nước thiếu lương thực và sắn trồng ở khắp nơi để làm cái ăn cho người và gia súc. Trong thập kỷ 90, cây sắn mất dần vai trò là cây lương thực và diện tích giảm dần nhưng kể từ đầu năm 2000 trở lại, nhu cầu sắn lát, tinh bột sắn dùng trong nước và xuất khẩu tăng trở lại. Trong mắt doanh nghiệp và nhà quản lý, tinh bột sắn trở thành mặt hàng có nhiều lợi thế xuất khẩu.
Nếu như vào năm 2006, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích trồng sắn cả nước đạt 270.000 héc ta với sản lượng ước tính lúc đó khoảng 3 triệu tấn củ sắn tươi thì hiện nay diện tích trồng sắn cả nước đã vọt lên hơn 510.000 héc ta, tăng gần gấp đôi so với 3 năm trước và vượt hơn cả trăm ngàn héc ta so với quy hoạch phát triển sắn tới năm 2010 của bộ này.
Đi theo sự phát triển diện tích trồng sắn là hàng loạt nhà máy chế biến tinh bột sắn mọc lên khắp nơi trong nước nhưng nhiều nhất là Đông Nam bộ và Tây nguyên. Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng sắn xem như lớn nhất cả nước với 20.000 - 25.000 héc ta đất trồng sắn và có hơn chục nhà máy chế biến tinh bột sắn, trong đó có 5 nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore.
Trên phạm vi cả nước, theo một cán bộ của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì có đến 60 nhà máy chế biến tinh bột sắn có quy mô công nghiệp với tổng công suất chế biến mỗi năm hơn nửa triệu tấn tinh bột sắn, tương ứng với nhu cầu sử dụng gần 2,5 triệu tấn củ sắn tươi, tăng gấp đôi số nhà máy và gấp 3 về công suất so với 5 năm trước đây. Đó là chưa kể hàng ngàn cơ sở chế biến tinh bột sắn nhỏ nằm rải rác các địa phương, làm vệ tinh cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn lớn hoặc các nhà máy chế biến bột ngọt trong nước.
“Hiệu quả kinh tế từ trồng sắn không hề thua kém so với trồng mía hay cao sudù nhiều người nói về ô nhiễm mà các cơ sở chế biếnmang lại cho môi trường sống cũng như cây sắn bị xem là tác nhân làm xấu đất đai”, một chuyên gia ở Cục Trồng trọt cho hay.
Ngoài cung cấp cho các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, hóa chất, sản xuất bột ngọt ở trong nước, sắn lát và tinh bột sắn còn được xuất khẩu ngày càng nhiều sang Trung Quốc, Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc, châu Âu.
Ông Đoàn Văn Lực, Giám đốc Công ty TNHH Liên Anh ở Tây Ninh, một nhà xuất khẩu tinh bột sắn, cho rằng nhu cầu sử dụng tinh bột sắn cho các ngành công nghiệp trên thị trường thế giới tăng mạnh trong thời gian gần đây, trong khi diện tích đất trồng sắn ở các nước khó tăng thêm vì cạnh tranh với các cây trồng khác.
Trên bình diện chung, thị trường xuất khẩu tinh bột sắn của các doanh nghiệp trong vài năm gần đây gần như cung không đủ cầu, giá xuất khẩu cứ nhích dần lên.
Tuy nhiên, diện tích sắn phát triển quá nhanh trong 5 năm qua đã khiến không ít lần nông dân trong nước điêu đứng khi xảy rabiến động trên thị trường trong nước, biến động của thị trường thế giới, nhất làTrung Quốc, nơi được xem là thị trường xuất khẩu sắn lát và tinh bột sắn chính của Việt Nam hiện nay.
Lo lắng với sự phát triển quá nhanh
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong thời gian qua đã liên tục cảnh báo thông qua các hội nghị ngành nông nghiệp, thậm chí tại các kỳ họp Quốc hội rằng các địa phương không mở rộng diện tích trồng sắn. Trong kế hoạch sản xuất hàng năm, Cục Trồng trọt đều có công văn định hướng các tỉnh lập kế hoạch duy trì diện tích sắn phù hợp với quy hoạch dài hạn và canh tác cây sắn theo hướng bền vững.
Trong dự thảo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về “Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2020”, bộ này xếp cây sắn vào mục “nhóm ngành hàng lợi thế thấp”, đầu ra cả thị trường trong nước lẫn nước ngoài chưa ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế diện tích trồng sắn đến nay vẫn tăng chóng mặt nên khủng hoảng thừa khi mùa vụ thu hoạch là điều tất yếu.
Với tình hình kinh tế khó khăn trong năm nay, Cục Trồng trọt cho rằng cần cắt giảm diện tích sắn xuống còn 400.000 héc ta, chuyển các diện tích đất dốc ở Tây nguyên và các địa phương miền núi có trồng sắn sang luân canh các loại cây trồng khác, nhất là cây họ đậu để vừa cải tạo đất, vừa hạ cơn sốt dư thừa sắn như hiện nay.
Sắn là cây dễ tính thích hợp với nhiều chất đất và địa hình, nông dân trồng sắn hầu như không phải đầu tư nhiều nên được nó được xem như cây “xóa đói giảm nghèo” cho nông dân. Liên tục nhiều năm qua, giá sắn củ tươi dao động quanh mức 1.000 đồng/kg, với giá này, người nông dân trồng sắn có thu nhập khá trong thời gian ngắn. Do vậy mà nhiều nơi, nông dân trồng mía hay các cây trồng dài ngay khác phải đầu tư vốn lớn, đã thay thế bằng cây sắn.
Một nguyên nhân khiến diện tích sắn tăng chóng mặt, theo Viện Quy hoạch Thiết kế nông nghiệp, còn do các địa phương đã cấp phép cho ra đời quá nhiều nhà máy chế biến tinh bột sắn. Theo quy hoạch của ngành nông nghiệp thì tới năm 2010, cả nước chỉ nên có 54 nhà máy chế biến sắn nhưng hiện tại đã có trên 60 nhà máy.
Hồng Văn
TBKTSG Online
|