Thứ Tư, 04/02/2009 10:25

Minh bạch thông tin để vực dậy niềm tin

(Vietstock) - Khi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế diễn ra, phản ứng của Ngân hàng Trung ương và Chính phủ các nước dường như đi theo một công thức. Bơm tiền vào hệ thống tài chính và tung ra các gói kích thích kinh tế khổng lồ nhằm vực dậy nền kinh tế. Gói kích cầu trị giá 6 tỷ USD của Việt Nam cũng không nằm ngoài công thức đó. Tuy nhiên, Việt Nam không phải là Trung Quốc với quỹ dự trữ ngoại hối khổng lồ; cũng không phải là Mỹ để phát hành trái phiếu quy mô lớn nhằm tài trợ cho các chương trình phục hồi kinh tế. Nếu chỉ dựa vào tiền, Việt Nam sẽ gặp phải nhiều khó khăn khi chống suy thoái kinh tế. Vậy chúng ta còn thiếu gì để vượt qua khó khăn hiện nay?

Sự thất bại của học thuyết thị trường hiệu quả…

Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ không đơn thuần chỉ là sự sụp đổ của các đế chế tài chính nổi tiếng mà còn gây nên tranh cãi trong giới học thuật về sự tồn tại của lý thuyết thị trường hiệu quả. Mặc dù đây không phải là chủ đề mới và được tranh luận từ rất lâu nhưng cuộc khủng hoảng tài chính buộc chúng ta phải nhìn lại lý thuyết thị trường hiệu quả mà dựa vào đó, cả một “kiến trúc tài chính” được xây dựng. Các học thuyết tài chính như CAPM, APT…đều được phát triển dựa trên giả định về một thị trường hiệu quả. Vì vậy, học thuyết thị trường hiệu quả được xem là một trong những lý thuyết chính thống và là nền tảng của ngành tài chính hiện đại. Theo lý thuyết này, thị trường luôn trở lại vị trí cân bằng dựa trên sự hoàn hảo của thông tin, phân phối và tổ chức hoạt động của thị trường. Các dao động chệnh khỏi vị trí cân bằng được cho là ngẫu nhiên và nhanh chóng trở lại vị trí cân bằng dưới các áp lực thị trường (ví dụ như hoạt động Arbitrage*). Lý thuyết thị trường hiệu quả được hình thành dựa trên khái niệm thị trường hoàn hảo trong kinh tế học. Đến lượt nó, lý thuyết thị trường hiệu quả đem đến niềm tin “vững chắc hơn” về sự kỳ diệu của thị trường. Tư tưởng tự do hóa vì thế mà phát triển mạnh mẽ.

Tư tưởng tự do hóa thực chất đã xuất hiện từ rất sớm. Khi Adam Smith đề ra triết lý “bàn tay vô hình” vào thế kỉ 18, tư tưởng này bắt đầu nảy sinh. Người ta tin rằng, thị trường bản thân tự nó có thể sửa đổi các sai lầm và là một hình thức hiệu quả để phân phối các nguồn lực xã hội. Các thành viên khi tham gia vào thị trường với mục đích cá nhân có thể đem lại lợi ích cho toàn xã hội dưới sự dẫn dắt của “bàn tay vô hình”. 

Khi cuộc Đại khủng hoảng 1929-1933 nổ ra, các nhà kinh tế nhận thấy thị trường không hoàn hảo như Adam Smith vẫn nói. Thị trường trên thực tế không điều tiết được các nguồn lực kinh tế là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng thừa tồi tệ nhất trong lịch sử. Việc học thuyết Keynes ra đời và thay thế cho học thuyết kinh tế cổ điển khiến tư tưởng tự do hóa bị chìm lắng. Theo học thuyết Keynes, chính phủ phải có vai trò lớn hơn trong việc sửa chữa những thất bại của thị trường bằng cách đưa ra những quy định giám sát và hành động can thiệp. Sự ra đời của các định chế tài chính thế giới như IMF, ngân hàng thế giới cũng không nằm ngoài mục đích ổn định hệ thống tài chính thế giới.

Tuy nhiên, chủ nghĩa tự do hóa đã trở lại vào những năm 1980 dưới thời tổng thống Ronald Reagan (Mỹ) và thủ tướng Margaret Thatcher (Anh). Reagan gọi đó là sự màu nhiệm của thị trường và là tín điều thống trị trong suốt thời gian ông cầm quyền. Sau khi các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ bởi mô hình kế hoạch hóa tập trung, các hành vi can thiệp của chính phủ bị đặt dưới một con mắt khinh ngại. Niềm tin vào sự hiệu quả của cơ chế thị trường do vậy càng lớn hơn trước.

Trong gần 30 năm trở lại đây, tư tưởng tự do hóa đã lan ra cả thị trường tài chính. Nước Mỹ dần nới lỏng các nguyên tắc quản trị rủi ro nhằm thúc đẩy quá trình tự do hóa tài chính. Đạo luật bức tường lửa Glass-Steagall được thay thế bởi Đạo luật Glamm-Leach-Bliley, cho phép các ngân hàng thương mại tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh mạo hiểm như nghiệp vụ chứng khoán hóa và bán các khoản vay bất động sản. Đầu thập niên 90, nước Mỹ đã truyền bá chủ nghĩa tự do cạnh tranh ra cả thế giới bằng cách đưa ra cái gọi là “Đồng thuận Washington”. Bản chất của Đồng thuận Washington chính là các chính sách cải cách kinh tế theo định hướng thị trường tự do nhằm biến các nền kinh tế trở nên tự do hơn giống như các nền kinh tế ở thế giới thứ nhất (mà Mỹ là đại diện). Mặc dù đồng thuận Washington đưa ra các kỷ luật trong thực thi chính sách tài chính nhưng các nước như Mỹ, Anh vẫn thường bóp méo nó.

Khi tư tưởng tự do hóa lan rộng, các hàng rào kiểm soát được dỡ bỏ nhằm thúc đẩy quá trình chu chuyển dòng vốn giữa các quốc gia. Các quốc gia vì thế đã trở nên gắn bó hơn trong quá trình tự do hóa tài chính. Sự tiêu dùng của người Mỹ đóng góp nhiều vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Nhưng ngược lại, chính Trung Quốc đã tài trợ cho sự thâm hụt ngân sách của Mỹ bằng cách đầu tư lớn vào trái phiếu chính phủ Mỹ. Thị trường tài chính càng được mở rộng, các sản phẩm tài chính của Mỹ không chỉ được giới hạn trong khuôn khổ nước Mỹ mà các định chế tài chính ở Châu Âu, Châu Á cũng nắm giữ các sản phẩm đó. Quá trình tự do hóa càng đạt đến trình độ cao, mà theo như cách gọi của Thomas L. Friedman** là “thế giới phẳng” đã tạo nên sợi dây liên kết chặt chẽ trong thị trường tài chính toàn cầu. 

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính cho thấy các thông tin và việc tổ chức hoạt động trên thị trường thực tế không hoàn hảo như lý thuyết thị trường hiệu quả vẫn giả định. Sự không hoàn hảo của thông tin bắt nguồn từ hai lý do: (1) các chuẩn mực kế toán không còn theo kịp sự phát triển của các công cụ phái sinh nên các bảng báo cáo tài chính không còn hữu dụng. Và (2) sự thiếu giám sát của chính phủ đối với nhiều thị trường đã nảy sinh nhiều hành vi thao túng, làm giá, gian lận…Chính điều này đã tạo nên một sự bất cân xứng thông tin giữa các chủ thể tham gia vào thị trường.

Mặc dù chuẩn mực kế toán FAS 157 (Mỹ) và IAS 39 (Quốc tế) có định nghĩa về giá trị hợp lý (fair value) và đưa ra các hướng dẫn chi tiết, nhưng việc xác định giá trị hợp lý của các chứng khoán phái sinh thực sự là khó khăn. Ví dụ, khi các chứng khoán ARS (Aution rate securities-chứng khoán đấu thầu lãi suất) không còn thanh khoản, các công ty đại chúng đã đánh giá giảm giá trị các ARS từ quý 1/2008. Mặc dù đến ngày 31/5/2008, 402 công ty đại chúng đã báo cáo giá trị các chứng khoán ARS lên sổ sách nhưng chỉ 185 công ty tiến hành điều chỉnh giảm (imparement). Tuy nhiên, mức độ đánh giá giảm lại khá khiêm tốn khi các công ty thường có mức giảm từ 0-73% mệnh giá, không tương xứng với rủi ro của thị trường bị đóng băng (Nguồn: Wikipedia). Tệ hơn thế, các nhà đầu tư không thể biết các công ty mình có dính dáng đến hoạt động cho vay dưới chuẩn hay không vì những khoản đầu tư này vốn không nằm trên các bảng cân đối kế toán. Các khoản đầu tư vào các cổ phiếu phái sinh như CDS, MBS bị nhét vào các SIVs (Structured Investment Vehicle) và chỉ được xem là tài khoản ngoại bảng. Rõ ràng, bảng báo cáo tài chính đã không phản ứng trung thực tình hình thực tế.

Tại cuộc họp thượng đỉnh G20 về khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới diễn ra vào tháng 11/2008, các nhà lãnh đạo cấp cao cũng đã nhận thấy những lỗ hổng của kế toán đối với các sản phẩm phái sinh. Hội nghị nhận xét: sự sụp đổ của Lehman Brothers là kết quả tất yếu của các định chế tài chính Mỹ vì lờ đi việc áp dụng hiệp ước Basel II về lựa chọn danh mục đầu tư của các ngân hàng và chuẩn mực kế toán IAS 39. Trong khi đó, các ngân hàng châu Âu như Northern Rock và Socieste General được phát hiện kịp thời để giải cứu (các ngân hàng châu Âu áp dụng chuẩn mực này).

Kiểm soát lỏng lẻo của chính phủ đối với thị trường tài chính đã tạo nên sự mập mờ và kể cả những hành vi gian lận. Mặc dù quy mô của thị trường CDS (hoán đổi rủi ro vỡ nợ) rất lớn nhưng các giao dịch của thị trường này lại diễn ra theo hình thức OTC vì không hề có sàn giao dịch. Những hoạt động của thị trường ARS cũng được cho là vô cùng kém minh bạch và bị nhiều định chế tài chính thao túng. Những hành vi này dù đã có từ lâu nhưng vẫn không thể ngăn chặn. Từ tháng 5/2006, các công ty môi giới kinh doanh mà hiện nay nhiều công ty trong số đó đã sụp đổ như Bear Stearns & Co., Inc., Citigroup Global Markets, Inc., Goldman Sachs & Co., J.P. Morgan Securities, Inc., Lehman Brothers Inc., Merrill Lynch, Morgan Stanley & Co… đã bị liệt vào danh sách vi phạm của Ủy ban chứng khoán và Ngoại hối Mỹ (SEC) vì những sai phạm trên thị trường ARS. Các công ty này đã vi phạm điều 17(a) (2) luật chứng khoán 1933 như: Cho phép khách hàng đặt lệnh thị trường và lệnh mở trong cuộc đấu giá; can thiệp vào các cuộc đấu giá; cho phép nhà đầu tư thay đổi lệnh sau khi hết hạn đấu giá; cung cấp thông tin cho một số nhà đầu tư nhằm mang lại cho họ lợi thế trong việc xác định lãi suất đặt giá…Ngoài ra, các công ty cũng không báo cáo đầy đủ về năng lực tài chính của mình, khiến các nhà đầu tư không thận trọng về khả năng thanh khoản và rủi ro tín dụng liên quan đến các chứng khoán ARS. Tuy nhiên, mức phạt mà các công ty này phải nộp chỉ là 13 triệu USD và chưa truy tố pháp lý đối với công ty nào do chưa đủ bằng chứng. Chỉ khi thị trường tài chính sụp đổ, Lehman Brothers (cũng chính là người phát minh ra thị trường này), mới bị truy tố về những sai phạm trong thị trường ARS.

Sự tự do hóa bắt nguồn từ niềm tin về một thị trường hiệu quả chính là nguyên nhân khiến cho thị trường tài chính sụp đổ. Các nhà đầu tư, chính phủ đã không nhận được thông tin đầy đủ và đánh giá một cách sai lệch giá trị của các sản phẩm tài chính trên thị trường. Chỉ khi những thông tin này lộ ra, các nhà đầu tư và chính phủ mới bắt đầu nhận ra bản chất của sự việc. Cú trượt dài của thị trường chứng khoán (TTCK) cho thấy thị trường không nhanh chóng trở lại vị trí cân bằng như lý thuyết thị trường hiệu quả vẫn nói.

….và khủng hoảng niềm tin

 Khủng hoảng niềm tin bắt nguồn từ sự thất bại của lý thuyết thị trường hiệu quả. Điều này được thể hiện ngay đối với cựu chủ tịch FED-Alan Greenspan, người đảm trách vai trò chèo lái thị trường tài chính thế giới. Trong phiên điều trần trước Thượng viện về trách nhiệm của mình trong cuộc khủng hoảng tài chính, Alan Greenspan đã nói: “Tôi bị sốc vì mất niềm tin”. Alan Greenspan được xem như là một tín đồ của Adam Smith và tư tưởng thị trường tự do dường như đã trở thành giáo lý đối với ông. Giống như Reagan, ông tin tưởng vào sự tồn tại thị trường hiệu quả và tiến hành nới lỏng các biện pháp giám sát.  Ông khẳng định: "Bản chất của luật lệ là làm giảm tự do của thị trường, loại bỏ tự do chính là đặt toàn bộ quá trình cân bằng thị trường vào rủi ro" và "không thấy bất kỳ lý do nào biện minh cho việc tăng vai trò của nhà nước."

Nhưng thực tế, Alan Greenspan đã sai lầm. Thị trường không cho Alan Greenspan những thông tin hoàn hảo như ông vẫn tưởng. Cho đến khi cuộc khủng hoảng địa ốc bắt đầu lan rộng, nhiều người và kể cả Alan Greenspan vẫn tin rằng, nó chỉ là một cuộc khủng hoảng đơn biệt trên thị trường địa ốc. Đối với các nguy cơ từ các công cụ phái sinh, ông nói : “Không một tổ chức cho vay lớn nào vì thế mà bị khó khăn. Họ có dư khả năng chịu được cú đấm. Sự vỡ nợ hàng loạt của thời kỳ trước sẽ không tái diễn.". Những nhận định sai lầm đã khiến cho hình tượng của Alan Greenspan bị sụp đổ.

Không chỉ Alan Greenspan mất đi niềm tin vào thị trường hiệu quả mà giờ đây nền kinh tế Mỹ cũng đang rơi vào tình trạng khủng hoảng niềm tin. Trong một bài viết đăng trên tạp chí Times vào cuối năm 2008, Giáo sư kinh tế Lawrence H. Officer thuộc Đại học Illinois (Mỹ) đã cho rằng nước Mỹ đang rơi vào một cuộc khủng hoảng niềm tin. Theo ông, việc lượng thanh khoản dự trữ vượt mức cần thiết trong các tổ chức nhận gửi tiết kiệm ở Mỹ tăng từ mức dưới 2 tỷ USD trong tháng 8 lên mức kỷ lục 774 tỷ USD vào giữa tháng 12 trong khi thị trường tín dụng đóng băng là một minh chứng cho thấy niềm tin đang bị lung lay. Các ngân hàng ở Mỹ đã mất niềm tin vào nhau và lo ngại các đối tượng vay tiền sẽ không trả được nợ. Việc xét duyệt tín dụng dựa trên các bảng báo cáo tài chính tỏ ra không còn khả thi vì bản thân chúng giờ đây không còn chính xác.

Sự cải tổ thông tin tài chính

Những phân tích trên cho thấy, yếu tố thông tin đang làm cho cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn vì chúng ta không nhận biết được tình hình thực tế của thị trường. Các quốc gia như Mỹ, EU…đang tăng cường hoàn thiện hệ thống luật pháp về thị trường tài chính. Pickel- trưởng ban điều hành của Hiệp hội phái sinh và hoán đổi quốc tế (International Swaps and Derivatives Association) đã nói tại HongKong: “Hệ thống luật pháp tài chính hiện tại không thể phản ánh thị trường hiện đại. Chúng tôi cần suy nghĩ về việc mở rộng các quy định luật pháp chứ không chỉ đơn thuần là vá các lỗ hổng ở chỗ này hay chỗ khác”.

Những động thái gần đây đang cho thấy nổ lực đó. Cuộc họp của Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (International Accounting Standards Aboard-IASB) diễn ra trong hai ngày 15-16/1/2009 tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ) đã đưa ra một bảng báo cáo gọi là “Phản ứng cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”  nhằm thảo luận các vấn đề kế toán mà cuộc họp G-20 đã nêu ra vào cuối tháng 11/2008. Nội dung của những thay đổi này là hướng đến điều chỉnh chuẩn mực kế toán IAS 39 về phân loại tài sản tài chính; đưa ra những hướng dẫn về cách ghi nhận giá trị hợp lý của các tài sản chính đặc biệt là các sản phẩm phái sinh theo các mức độ của giá trị hợp lý; hướng dẫn đánh giá giảm giá trị tài sản tài chính khi thị trường bị đóng băng. Một hội đồng tư vấn khủng hoảng tài chính (FCAG: Financial Crisis Advisory Group) được thành lập nhằm đưa ra những hướng dẫn về cách xử lý việc đánh giá giảm giá trị của các tài sản chính trong trường hợp khẩn cấp.

Nước Mỹ cũng đang cố gắng cải thiện hệ thống thị trường tài chính của mình. Theo hãng tin Bloomberg, FED đang thúc giục ra đời một công ty thanh toán trung ương cho các giao dịch CDS nhằm minh bạch hóa thị trường này. Những chương trình điều tra về các sai phạm vẫn tiếp tục tiến hành nhằm khơi dậy niềm tin của thị trường.

Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ

Nhìn lại Việt Nam, các nhà đầu tư vẫn không khỏi lo lắng về chất lượng và tính chính xác của thông tin trên thị trường. Người viết cho rằng, các thông tin trên thị trường Việt Nam là chưa minh bạch bởi ba lý do: (1) Những vấn đề trong hệ thống kế toán (2) Cách thức công bố thông tin vĩ mô của chính phủ và (3) Sự yếu kém trong cơ chế giám sát và chế tài xử phạt.

 Đối với vấn đề kế toán, bảng báo cáo Vietnam Monitor 21 của ngân hàng HSBC kết luận: “thu nhập của các các công ty Việt Nam là không minh bạch”. Việc không quy định phải trích lập dự phòng cho những thay đổi trong giá trị của các tài sản như hàng tồn kho, các khoản đầu tư tài chính và các khoản vay nợ bằng ngoại tệ trong các báo cáo giữa kỳ khiến cho thu nhập của các công ty Việt Nam trở nên khó dự báo.

 Hơn nữa, các báo cáo tài chính hiện nay của Việt Nam chưa cho phép nhà đầu tư có đánh giá chính xác về tăng trưởng thu nhập của doanh nghiệp. Trong thời gian từ 2006-2007, việc đầu tư tài chính đã làm gia tăng lợi nhuận của các công ty nhờ sự tăng trưởng của TTCK. Bên cạnh đó, việc gia tăng nắm giữ cổ phiếu của một số công ty thành công ty con cũng  làm tăng thu nhập của công ty mẹ khi trình bày lên báo cáo tài chính hợp nhất. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng trả mức giá cao hơn dựa trên tăng trưởng thu nhập của công ty khi sử dụng phương pháp P/E.

Điều này giống như sự bùng nổ của các tập đoàn vào năm 1960 ở Mỹ. Khi đó, các tập đoàn này đã gia tăng thu nhập trên mỗi cổ phiếu bằng cách mua lại công ty khác. Sự bùng nổ của các tập đoàn dựa trên một ngộ nhận rằng các công ty phải được định giá dựa theo mức tăng của thu nhập bình quân trên cổ phiếu mà họ báo cáo, bất chấp cách đạt được sự tăng trưởng đó. Chỉ số P/E vì thế mà gia tăng nhanh chóng. Tất nhiên, bong bóng này đã “vỡ” ngay sau đó. 

Kinh nghiệm cho thấy, các công ty ở châu Âu có nghĩa vụ phải công bố rõ thông tin liên quan đến việc mua bán sát nhập. Theo chuẩn mực kế toán mới được áp dụng từ năm 1995, ban giám đốc phải công bố bảng báo cáo có tên “Pro forma statement” nhằm điều chỉnh lại các dữ liệu kế toán trước khi mua bán sát nhập và đưa ra dự báo thu nhập tương lai... Điều này cho phép các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về tăng trưởng của công ty.

Việc đánh giá nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đến nay vẫn còn nhiều quan ngại. Theo báo cáo của Thống đốc ngân hàng nhà nước, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng năm 2008 chỉ chiếm 3.5% tổng dư nợ cho vay. Tuy nhiên, con số này chưa tạo nên sự tin tưởng vì việc phân loại nợ xấu của chúng ta chưa tiếp cận với chuẩn mực quốc tế. Các ngân hàng Việt Nam thường chỉ phân loại nợ dựa trên yếu tố thời hạn chứ không đánh giá kết hợp với tình hình tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh.

Việc không đánh giá lại tài sản thế chấp hàng tháng như hình thức mark-to-market của chuẩn mực kế toán quốc tế cũng sẽ là một vấn đề đáng lo ngại vì nó che giấu giá trị thực tế của các tài sản. Với hơn 50% các khoản cho vay được thế chấp bằng bất động sản, sự giảm giá trên thị trường nhà đất đặt ra sự hoài nghi đối với giá trị tài sản thế chấp mà các ngân hàng khai báo. Còn nhớ vào tháng 5/2008, Standard & Poor đã hạ mức độ tín nhiệm của Việt Nam từ mức triển vọng xuống tiêu cực vì những lo ngại trong hệ thống ngân hàng.

Thứ hai, cách thức công bố các thông tin vĩ mô của chính phủ là một nguyên nhân cần nhắc tới. Việc rộ lên thông tin Việt Nam có nguy cơ khủng hoảng cán cân thanh toán vào giữa tháng 6/2008 là một minh chứng cho thấy tác hại của việc thông tin không được công bố chủ động và kịp thời. Tại thời điểm đó, thâm hụt cán cân thanh toán của Việt Nam vào khoảng 14.6 tỷ USD (chiếm khoảng 20% GDP) khiến nhiều báo cáo của các tổ chức nước ngoài đồn đoán về khả năng Việt Nam phá giá đồng nội tệ để cải thiện cán cân thanh toán. Trong thời gian này, giá của đồng USD trên thị trường tự do tăng vọt lên ngưỡng 19,000 đồng. Mọi việc chỉ yên ổn khi Ngân hàng nhà nước công bố dữ liệu dự trữ ngoại hối và cam kết không phá giá đồng nội tệ.

Thứ ba, sự kiện Bông Bạch Tuyết khiến nhiều người đặt câu hỏi về chất lượng của các báo cáo tài chính và vai trò của những thành viên giám sát thị trường. Sự kiện Bông Bạch Tuyết khiến chúng ta liên tưởng đến sự sụp đổ của công ty Enron (Mỹ) hay scandal gần đây của công ty Satyam (Ấn Độ). Không những thế, thống kê của năm 2008 còn cho thấy những vi phạm trong chứng khoán như: chèn lệnh, hủy lệnh, phát hành cổ phiếu không khai báo…diễn ra rất phổ biến. Chính chế tài xử phạt theo kiểu “giơ cao đánh khẽ” là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Lời kết

Khi khủng hoảng hay suy thoái kinh tế diễn ra, tiền là yếu tố quan trọng để vực dậy nền kinh tế. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng, chống khủng hoảng chỉ dựa vào tiền. Trong điều kiện đất nước còn nghèo, Việt Nam không có nhiều thuận lợi như Trung Quốc nên việc rập khuôn vào những mô hình chống khủng hoảng của thế giới sẽ rất tai hại. Nếu như tình trạng thông tin được cải thiện, sẽ là một động lực to lớn để vực dậy niềm tin của cả nền kinh tế. Đây là một yếu tố rất cần thiết đối với các thị trường dựa trên niềm tin như thị trường tín dụng hay ngành ngân hàng. Khi nguồn lực tín dụng được khai thông, Việt Nam sẽ dễ dàng hơn trong việc khôi phục nền kinh tế.

Sự thất bại của học thuyết thị trường hiệu quả đã cho thấy kết cục cay đắng về sự thiếu minh bạch thông tin. Các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp… đang cố gắng khắc phục các khuyết điểm trong hệ thống tài chính nhằm minh bạch hóa thông tin trên thị trường. Đây được xem như phản ứng đối với khủng hoảng tài chính toàn cầu. Việt Nam do đó cũng không phải là ngoại lệ.

(*) Arbitrage là mua chứng khoán (hoặc bất cứ tài sản nào) ở thị trường này sau đó bán lại ngay lập tức ở thị trường khác nhằm thu lợi nhuận từ sự chênh lệch giá.

(**)Thomas L. Friedman là một nhà báo kinh tế nổi tiếng chuyên bình luận về các vấn đề quan hệ quốc tế của báo New York Times. Khi cuốn sách  “Thế giới phẳng” được ra đời, thuật ngữ này đã trở nên nổi tiếng nhằm ám chỉ mức độ phát triển cao hơn của quá trình toàn cầu hóa. Trước đó, tên tuổi của ông cũng biết đến qua cuốn sách:  “Chiếc Lexus và cây Ô Liu”- một tác phẩm nói về toàn cầu hóa.

Trương Minh Huy

Các tin tức khác

>   Tình hình Kinh tế - Tài chính - TTCK 2008 và dự báo 2009 (28/01/2009)

>   Carry trade - Thực trạng và xu hướng (23/01/2009)

>   Khơi thông tín dụng: Lối mở nào cho Việt Nam? (07/01/2009)

>   Tổng quan tình hình kinh tế tài chính thế giới và Việt Nam tháng 11/2008 (11/12/2008)

>   Báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam T10/08 (07/11/2008)

>   Quan điểm phân ngành tại Vietstock (02/05/2008)

>   Một góc nhìn về SAFI và đợt phát hành thêm (10/01/2008)

>   Thuế TN CK: Quá nhiều điểm bất hợp lý (17/11/2007)

>   Lý thuyết thiết kế cơ chế (28/10/2007)

>   Ưu, nhược điểm của 6 công ty có vốn hóa lớn nhất sàn TP. HCM (08/08/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật